Lo ngại khi ngân hàng yêu cầu xác thực khuôn mặt, nhưng lại vô tư chụp ảnh đăng Facebook

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù sinh trắc có nhiều điểm ưu việt trong hoạt động ngân hàng, như hỗ trợ nhận diện, giảm thời gian chờ đợi, giao dịch an toàn nhưng nhiều người dùng vẫn tỏ ra e ngại về tính bảo mật giao dịch trong khi vẫn thoải mái cung cấp ảnh và nhiều thông tin cá nhân cho các nền tảng nước ngoài như Facebook, TikTok, Instagram,...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng VietinBank - đã chỉ điểm mâu thuẫn trên của người dùng Việt tại phiên thảo luận trong Chương trình “Tin dùng Việt Nam 2020” do Tạp chí Kinh Tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức mới đây.

Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, xác thực vân tay, khuôn mặt, giọng nói,… là những trải nghiệm dịch vụ hiện đại cho khách hàng trong thời đại công nghệ số. Hiện nay, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang triển khai, áp dụng công nghệ này, đặc biệt trong giai đoạn "bình thường mới" để ứng phó với COVID-19 hiện nay.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dùng tỏ ra rất thận trọng về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng các công nghệ mới này trong khi họ thoải mái cung cấp thông tin, ảnh cho Facebook, Tiktok, báo chí,...

“Các công nghệ này đều đảm bảo chặt chẽ về bảo mật, nó an toàn hơn so với nhiều phương thức xác thực khác. Mật khẩu có thể tiết lộ cho người khác hoặc bị lộ, điện thoại cài ứng dụng ngân hàng cũng có thể bị lấy cắp, nhưng khuôn mặt thì không bao giờ bị lấy cắp. Dùng khuôn mặt để xác thực tài khoản là cách bảo vệ tài khoản chắc chắn nhất.

Ông Trần Công Quỳnh Lân nêu điểm mâu thuẫn của người dùng Việt.

Ông Trần Công Quỳnh Lân nêu điểm mâu thuẫn của người dùng Việt.

Thông qua công nghệ, ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng tại các kênh truyền thống; mà còn mang tới trải nghiệm dịch vụ ngân hàng tiện dụng thông qua các giao dịch tiện ích" - Phó Tổng giám đốc VietinBank khẳng định.

Cơ hội phi thường trong giai đoạn "bình thường mới"

Cũng trao đổi về những nỗ lực ứng dụng công nghệ để tồn tại và phát triển trong giai đoạn "bình thường mới, bà Đặng Thuý Hà - Giám đốc Nielsen miền Bắc - nhận định, thách thức sẽ tạo sức bật cho các doanh nghiệp nắm bắt xu thế tốt, cung cấp đủ hàng hóa tới các kênh để có thể đáp ứng người dùng.

Nói riêng về lĩnh vực thương mại điện tử, bà Hà cho rằng đây là xu hướng gia tăng khá nhanh trong vài năm trở lại đây tại thị trường Việt Nam. Tính riêng trong năm 2019, lĩnh vực này đã gia tăng với tốc độ 38% với tổng doanh thu đạt 12 tỉ USD (so với mức độ tăng trưởng 24% vào năm 2017 và 30% vào năm 2018).

Và "với cú hích của đại dịch COVID-19 với những đợt giãn cách xã hội, những khuyến cáo về việc hạn chế ở nơi đông người, chúng ta có thêm cơ sở để tin tưởng rằng tốc độ tăng trưởng ở lĩnh vực này sẽ còn tiếp tục được đẩy nhanh hơn nữa, khi người tiêu dùng ngày càng trở nên quen thuộc hơn và nhìn ra được những lợi ích mà thương mại điện tử mang lại" - Giám đốc Nielsen miền Bắc nhận định.

Nhiệm vụ đặt ra ở đây là các doanh nghiệp cần phải tích cực tìm cách giải tỏa những rào cản lớn đã và đang khiến khách hàng còn e dè với phương thức mua sắm mới này.

Chỉ doanh nghiệp có nội lực mới có thể vượt qua giai đoạn đại dịch

Dẫn số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), ông Chử Văn Lâm - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - cho biết, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020, có tới 8.102 doanh nghiệp bán buôn - bán lẻ trên cả nước đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ. Còn theo đánh giá của CBRE Việt Nam, có tới 38% nhà bán lẻ phải tạm ngưng mở rộng trong năm 2020, 11% tập trung củng cố cửa hàng hiện tại hoặc buộc dời ngày khai trương sang năm 2021.

Ông Chử Văn Lâm cho rằng dịch bệnh được cho là một cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những doanh nghiệp có nội lực nhất định mới có thể vượt qua.

Ông Chử Văn Lâm cho rằng dịch bệnh được cho là một cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những doanh nghiệp có nội lực nhất định mới có thể vượt qua.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, dịch bệnh được cho là một cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những doanh nghiệp có nội lực nhất định mới có thể vượt qua.

"Dịch bệnh tạo ra rủi ro hệ thống tác động lên toàn bộ các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ. Do ảnh hưởng của đại dịch, khó khăn đang bao trùm, nhưng không phải cơ hội hoàn toàn biến mất và không phải các nhà bán lẻ nào cũng gặp khó khăn như nhau.

Theo nghiên cứu của nền tảng tiếp thị di động Adtima, xu hướng mua sắm online trong những dịp gần đây đã thay đổi đáng kể, với 39% mua sắm trên website thương mại điện tử, 33% mua sắm ở các mạng xã hội và 22% trên các nền tảng khác..." - ông Lâm dẫn chứng.