Theo kết quả Chỉ số Cải cách hành chính 2014 (Par Index 2014) công bố ngày 4/9 vừa qua của Bộ Nội vụ đối với các bộ và các cơ quan ngang bộ, Bộ Tài chính xếp thứ 2 trên tổng số 19 bộ với 81,54%, chỉ thấp hơn Bộ đứng đầu là Giao thông Vận tải với 0,29%.
So với năm 2013, Bộ Tài chính đã thăng 2 hạng (từ hạng 4 lên hạng 2). Kết quả trên phần nào thể hiện được thành công của Bộ Tài chính trong việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính các ngành như thuế, hải quan, kho bạc nhà nước…
Thủ tục hành chính thuế và hải quan luôn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, đồng thời cũng là một trong những vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp và tổ chức.
Nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, Bộ Tài chính đã tiến hành nhiều cải cách hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bởi vậy, những thay đổi tích cực khi triển khai cải cách thủ tục hành chính cho lĩnh vực thuế mang ý nghĩa rất lớn với sự phát triển trong ngành tài chính cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Trong lĩnh vực thuế, lộ trình cải cách được triển khai từ năm 2011 và đến nay đã có những kết quả khả quan. Hiện tại, có trên 510.000 doanh nghiệp (98%) đã khai thuế điện tử và gần 25 triệu hồ sơ khai thuế đã được tiếp nhận xử lý qua mạng. Năm 2015, Tổng cục Thuế phấn đấu đạt tỷ lệ trên 90% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.
Năm 2014 theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, số giờ nộp thuế của Việt Nam là 872 giờ, trong đó thuế là 537 giờ, bảo hiểm xã hội là 335 giờ. Tính đến thời điểm hiện nay, sau khi thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội, số giờ tuân thủ về thuế đã giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (giảm được 370 giờ).
Đạt được tỷ lệ nộp thuế điện tử trên 90% số doanh nghiệp trong phạm vi cả nước sẽ góp phần làm giảm thêm số giờ nộp thuế của doanh nghiệp, tăng khả năng đạt mục tiêu giảm còn 121,5 giờ trong năm 2015.
Những thay đổi tích cực nói trên đã thể hiện thành công bước đầu của việc cải cách thủ tục hành chính cũng như việc ứng dụng CNTT cho công tác nghiệp vụ trong ngành, bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp và tổ chức về cơ bản đã được tìm được lời giải.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lộ trình cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế được nhìn nhận là vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng, thiết bị đường truyền chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai thuế điện tử, tâm lý e ngại về mức độ bảo mật, an toàn khi nộp thuế điện tử… nên vẫn mang tiền mặt đi nộp.
Thực tế đó đang đòi hỏi ngành thuế cần phải khắc phục những mặt hạn chế về công nghệ cần tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu, tin tưởng và tiến đến sử dụng hình thức nộp thuế qua mạng, giúp doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian xếp hàng chờ đợi nộp thuế.
Hp Theo ICTnews