Lỗ chỏng gọng nhưng EVN vẫn được đề nghị nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đề xuất tính lỗ phát sinh từ tỷ giá vào giá điện, trước đó, EVN từng tính chi phí xây biệt thự, sân tennis vào giá điện.
Lỗ chỏng gọng nhưng EVN vẫn được đề nghị nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân đối với 45 trường hợp thuộc Bộ, ngành, đoàn thể trung ương đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.

Trong đó, riêng Bộ Công Thương có 5 tập thể, cá nhân gồm: Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Khí Việt Nam.

Cá nhân có ông Nguyễn Duy Khuyến, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và ông Trần Đình Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Theo Ban Thi đua-Khen thưởng, danh hiệu “Anh hùng Lao động” được tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là tấm gương sáng, mẫu mực về mọi mặt.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, theo báo cáo được lãnh đạo EVN đưa ra trong Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 vẫn còn khoảng 8.800 tỷ đồng lỗ từ chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được cân đối.

Cộng với khoảng 8.000 tỷ đồng lỗ mới phát sinh từ giá than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn… nên tổng cộng khoản lỗ tính tới thời điểm đầu năm 2015 của ngành điện đã là 16.800 tỷ đồng.

Đến tháng 3/2015 vừa qua, giá điện chính thức được điều chỉnh tăng 7,5% và ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN thời điểm đó cũng cho biết việc tăng giá điện sẽ giúp doanh thu của EVN tăng thêm 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1.500 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tri, từ năm 2014 Bộ Công Thương chưa cho EVN tính đầy đủ chênh lệch tỷ giá vào giá điện và phải dùng nguồn thu từ bán điện để bù đắp vào, việc tăng giá điện EVN cũng dự kiến phân bổ 926 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá trong số 8.000 tỷ đồng từ các năm trước vào chi phí giá điện, số còn lại sẽ đẩy vào chi phí của các năm sau.

Chưa hết, mới đây, khi tỷ giá biến động, EVN và PVN, TKV cũng đề nghị việc tăng giá điện "gánh" lãi nợ vay ngoại tệ cho các tập đoàn.

Trong đó, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực điện. Riêng TKV lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, nếu cộng các con số mà cả TKV và PVN lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng.

Không chỉ "gánh" những khoản lãi nợ vay của EVN, giá điện còn "gánh" chi phí xây biệt thự, sân tennis của Tập đoàn này.

Cụ thể, báo cáo mới đây về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, chi phí khấu hao các nhà khác chuyên gia trong đó có biệt thự, nhà quản lý vận hành, nhà sửa chữa điện và nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện EVN sẽ được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Theo Bizlive