Từ tăng giá, tăng giá và tăng giá
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về giá điện, đại biểu Cao Sỹ Cương đã từng ví von rằng, ở Việt Nam điện là mặt hàng rất kỳ lạ, tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa.
Theo đại biểu Cương, việc tăng giá điện không phải không có lý nhưng lẽ ra việc tăng giá điện phải khiến người dân được lợi vì nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất. Giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư khi nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất giá bán cũng sẽ giảm và người dân hưởng mức giá cạnh tranh nhất.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, lý thuyết trên đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện.
Chưa hết, giá điện với cách tính luỹ kế, bậc thang được áp dụng theo biểu giá bán lẻ điện mới từ ngày 16/3 vừa qua cũng gây bức xúc trong dư luận khi hoá đơn tiền điện theo đó đã tăng vọt, từ 2-3 lần, thậm chí tăng gấp 8 lần.
Một phần nguyên nhân là do thời điểm áp dụng biểu giá bán lẻ điện mới trùng với dịp cao điểm nắng nóng nhưng việc tăng giá điện chính lãnh đạo Điện lực Hà Nội, EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công thương thừa nhận do cách tính luỹ tiến, bậc thang.
Một chuyên gia kinh tế từng phân tích, cách tính tiền điện theo bậc thang, luỹ tiến là một cách tính vô lý trong khi các hàng hó khác, theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng rẻ nhưng ở điện lại ngược lại, càng dùng nhiều giá càng đắt.
Cụ thể, theo biểu giá, mức cao nhất lên đến 2.587 đồng/kWh áp dụng cho kWh từ 401kWh trở lên trong khi mức thấp nhất là 1.484 kWh áp dụng cho kWh từ 0-50kWh.
Giá bán lẻ điện từ năm 2009 đến tháng 3/2015
Phản hồi về những ý kiến cho rằng cách tính giá điện theo bậc thang, luỹ tiến là vô lý, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, việc áp dụng biểu giá luỹ tiến, bậc thang cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là phổ biến trên thế giới với mục đích khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, đích thân Bộ trưởng Công Thương đã yêu cầu cơ quan chức năng thuộc Bộ nghiên cứu, xem xét điều chỉnh bậc thang từ 6 bậc xuống còn 3 bậc và hướng tới tương lai chỉ còn một bậc.
Đến "cõng" biệt thự, sân tennis, lỗ tỷ giá
Giá điện "kỳ lạ" hơn khi không chỉ "tăng giá, tăng giá và tăng giá" vì giá điện từng được chỉ ra rằng đã "cõng" chi phí xây biệt thự, nhà khách của Tập đoàn Điện lực EVN.
Trong báo cáo của Bộ Công Thương về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại EVN, Bộ Công Thương cho biết đã cùng Bộ Tài chính lập phương án xử lý.
Theo đó, chi phí khấu hao các nhà khác chuyên gia trong đó có biệt thự, nhà quản lý vận hành, nhà sửa chữa điện và nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện Bộ Công Thương khẳng định EVN sẽ được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Cũng theo Bộ Công Thương, với chi phí đầu tư các công trình phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… EVN phải sử dụng quỹ phúc lợi hoặc nguồn tài trợ khác đề đầu tư xây dựng, nếu đã dùng nguồn khác phải điều chỉnh lại.
"EVN và các đơn vị thành viên không được tính chi phí khấu hao tài sản này vào chi phí sản xuất kinh doanh điện", văn bản do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ký nêu rõ.
Như vậy, với văn bản này Bộ Công Thương đã công nhận một phần chi phí xây biệt thự, sân tennis được tính vào giá điện.
Từng trả lời chất vất trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những nội dung liên quan được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, hồi tháng 4/2014 người đứng đầu Bộ Công Thương từng cho biết, với các công trình xây dựng ở địa bàn xa xôi, môi trường làm việc có tính chất độc hại như vậy thì thu hút cán bộ, người lao động rất khó khăn nên tạo điều kiện bằng cách xây dựng hạ tầng công trình phúc lợi như vậy thì dư luận và nhân dân "chắc là cũng thấy hợp lý".
Trước thực tế hoá đơn điện tăng mạnh vì cách tính luỹ tiến bậc thang, theo chỉ đạo của người đứng đầu Bộ Công Thương, EVN tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đóng góp về biểu giá điện mới và sẽ hoàn thiện báo cáo lên Bộ trong tháng 10/2015.
Quyết định thay biểu giá bán lẻ điện chưa khiến dư luận nguôi ngoai thì mới đây, 3 Tập đoàn lớn là EVN, Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) và Dầu khí (PVN) lại đồng loạt kêu lỗ hàng nghìn tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá và đề nghị tính vào giá điện.
Cụ thể, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, chênh lệch tỷ giá làm các nhà máy nhiệt điện TKV đầu tư phát sinh khoản lỗ đến 1.200 tỷ đồng. Do vậy TKV kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá vào giá thành điện.
Lãnh đạo PVN cũng cho biết, chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN.
Trường hợp EVN, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực điện. "Riêng TKV lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, nếu cộng các con số mà cả TKV và PVN lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng", ông Hải nói.
Theo Bizlive