Lo bệnh viện trục lợi, bảo hiểm muốn… tăng phí BHYT để cân quỹ

VietTimes – Đề nghị oái oăm này nằm trong “gói” giải pháp được đại diện ngành bảo hiểm đưa ra nhằm hạn chế tình trạng trục lợi BHYT và vừa góp phần tăng kết dư cho quỹ này.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, sau khi chính sách thông tuyến cho phép người dân được tự do chọn nơi khám chữa bệnh có hiệu lực, quỹ BHYT bội chi sau nhiều năm kết dư.

Cụ thể, theo ông Sơn, thống kê từ các địa phương cho thấy, chi phí khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm là 30.732 tỷ đồng, tăng 8.545 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chi cho điều trị nội trú đã gia tăng đột biến với 18.150 tỷ đồng, tăng tới 41%, chi cho điều trị ngoại trú là 11.932 tỷ đồng, tăng 38%, khu vực khám chữa bệnh đa tuyến đến nội tỉnh cũng tăng 50%.

Đáng lưu ý, trong khi số thẻ BHYT 6 tháng đầu năm chỉ tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015, tổng số lượt khám chữa bệnh tăng 12%, thì chi phí khám chữa bệnh ban đầu tăng 37,8%, với trên 12.666 tỷ đồng. Nói cách khác là các bệnh viện và bác sĩ đã chi nhiều hơn cho mỗi bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.

Tính về địa phương, có 37 địa phương đã chi vượt mức chi phí khám chữa bệnh được giao với tổng số tiền gần 3.404 tỷ đồng, tăng 22 tỉnh so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, toàn bộ các tỉnh, thành chi vượt quỹ BHYT năm 2015 tiếp tục vượt quỹ trong 6 tháng đầu năm 2016. Theo BHXH,  một số tỉnh chưa bội chi thì năm nay nay cũng bội chi, như: Bắc Kạn, Lào Cai, Quảng Trị, Tuyên Quang…

Về con số, Thanh Hóa đã chi vượt quỹ BHYT tới 370 tỷ đồng, Nghệ An là 351 tỷ đồng, Quảng Nam là 238 tỷ đồng, Cà Mau là 221 tỷ đồng, Thái Bình là 213 tỷ đồng, Đà Nẵng là 167 tỷ đồng, Bắc Giang là 142 tỷ đồng, Phú Thọ là 125 tỷ đồng, An Giang là 116 tỷ đồng, Hải Dương là 115 tỷ đồng, Bình Định là 109 tỷ đồng, Quảng Ninh là 102 tỷ đồng...

Nhưng dường như, theo phản ánh của đại diện BHXH, những lý do chính khiến chỉ phát hiện được quỹ BHYT đã bị bội chi là do khi chính sách thông tuyến trong khám chữa bệnh theo BHYT của Bộ Y tế đã có hiệu lực, mà lại thiếu kênh liên thông giám sát.

Cụ thể, về kênh liên thông giám sát chi phí BHYT, hiện đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thành công vào Cổng thông tin giám định BHYT.

Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất để kiểm soát là liên thông dữ liệu, chuẩn hoá các danh mục dùng chung giữa ngành y tế và ngành bảo hiểm, thì ngành y tế và các cơ sở y tế chưa hoàn thành được – ông Phạm Lương Sơn cho biết.

Theo đó, đến giữa tháng 8/2016, chỉ có 48% cơ sở khám chữa bệnh chuyển danh mục thuốc lên Cổng thông tin giám định, 41% cơ sở chuyển được danh mục dịch vụ kỹ thuật và chỉ có 14% cơ sở chuyển được danh mục vật tư y tế.

Do sự chậm này và sự tăng vọt chi tiêu quỹ BHYT, mà BHXH Việt Nam đang kiến nghị tăng mức đóng phí mua thẻ bảo hiểm y tế lên cao hơn mức 4,5% hiện nay để đảm bảo nguồn quỹ.

Theo ông Phạm Lương Sơn, thì “trước hết là sẽ căn cứ vào diễn biến chi Quỹ BHYT của năm 2016, dự báo tình hình đến 2017 và đến nửa cuối 2017 sẽ tính đến việc điều chỉnh mức phí tham gia bảo hiểm y tế ở mức nào. Các phương án sẽ được lập ra, sau đó quyết định phương án hợp lý nhất, đảm bảo cho quỹ BHYT không bị vỡ…”