Liệu xe điện có thực sự "xanh"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trên khắp thế giới, xe điện luôn được xem như một giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu lượng khí thải và chống biến đổi khí hậu. Vậy thực tế như nào?
Ảnh: The New York Times
Ảnh: The New York Times

Trên khắp thế giới, chính phủ và các nhà sản xuất ô tô đang quảng cáo xe điện như một công nghệ chủ chốt để hạn chế sử dụng xăng dầu và chống biến đổi khí hậu. General Motors cho biết họ đặt mục tiêu ngừng bán ô tô chạy bằng xăng vào năm 2035 và sẽ chuyển hướng sang các mẫu xe chạy bằng điện. Volvo cho biết hãng sẽ đây nhanh phát triển và giới thiệu các dòng sản phẩm chạy hoàn toàn bằng điện vào năm 2030.

Tuy nhiên, liệu các mẫu xe điện có thực sự "xanh" như quảng cáo?

Mặc dù các chuyên gia đều nhất trí xe điện thân thiện với môi trường hơn xe chạy nhiên liệu truyền thống, nhưng vẫn có tác động nhất định tới môi trường. Mức độ xanh của xe điện phụ thuộc vào một số yếu tố sau.

Nguồn điện từ đâu?

Hầu hết ô tô điện bán ra hiện nay đều tạo ra ít khí thải hơn đáng kể so với hầu hết các xe ô tô chạy bằng xăng. Nhưng chúng ta chưa tính đến lượng than được đốt để tạo ra điện sạc cho xe.

Một cách để so sánh tác động khí hậu của các kiểu xe khác nhau là bằng công cụ trực tuyến của các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts, những người đã cố gắng kết hợp tất cả các yếu tố liên quan: lượng khí thải liên quan đến sản xuất ô tô, sản xuất xăng và nhiên liệu diesel, Xe ô tô thông thường đốt bao nhiêu xăng, và nguồn điện để sạc xe điện đến từ đâu.

Giả định rằng xe ô tô điện hiện nay đang sử dụng nguồn điện từ lưới điện của Mỹ, bao gồm điện từ nhiên liệu hóa thạch và điện tái tạo, thì xe điện sẽ thân thiện với môi trường hơn xe xăng.

Một chiếc Chevrolet Bolt chạy hoàn toàn bằng điện có thể tạo ra trung bình 189 gram carbon dioxide cho mỗi dặm. Trong khi đó một chiếc Toyota Camry chạy xăng ước tính sẽ tạo ra 385 gam CO2 mỗi dặm. Chiếc bán tải Ford F-150 tạo ra tới 636 gram CO2 với cùng quãng đường.

Tuy nhiên, nếu nguồn điện được tạo ra từ việc đốt than thì chiếc Chevrolet Bolt thậm chí còn thải ra nhiều C02 hơn so với những chiếc xe xăng cùng phân khúc.

“Nếu bạn sạc xe điện qua đêm và việc đó khiến các nhà máy điện than gần đó đốt nhiều than hơn để làm ra điện, thì lợi ích khí hậu của việc chạy xe điện sẽ không lớn, thậm chí còn ô nhiễm hơn”, Jeremy Michalek, giáo sư tại Đại học Carnegie Mellon (bang Pennsylvania, Mỹ) cho biết.

Tin tốt là hầu hết các quốc gia hiện đang đẩy mạnh việc "làm xanh" mạng lưới điện của họ. Tại Hoa Kỳ, các công ty điện nước đã ngừng hoạt động hàng trăm nhà máy than trong thập kỷ qua và chuyển sang sử dụng hỗn hợp khí tự nhiên ít phát thải hơn, gió và năng lượng mặt trời.

Jessika Trancik, phó giáo sư nghiên cứu năng lượng tại M.I.T cho biết: “Lý do khiến xe điện là một giải pháp khí hậu hấp dẫn bởi chúng ta có thể tạo ra mạng lưới điện không có carbon. Trong khi đó, ngay cả những loại xe xăng hybrid tốt nhất vẫn sẽ luôn có mức phát thải cơ bản mà chúng ta không thể cải thiện”.

Nguyên liệu thô là một vấn đề còn tồn đọng

Giống như nhiều loại pin khác, các tế bào pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho hầu hết các loại xe điện dựa trên nguyên liệu thô - như coban, lithium và các nguyên tố đất hiếm. Việc khai thác các nguyên liệu này liên quan mật thiết đến vấn đề môi trường.

Đơn cử như các hoạt động khai thác coban tạo ra chất thải và xỉ nguy hiểm có thể ngấm vào môi trường. Các nghiên cứu còn phát hiện ra mức độ phơi nhiễm cao ở các khu dân cư lân cận, đặc biệt là ở trẻ em, với coban và các kim loại khác. Việc khai thác các kim loại từ quặng sẽ phải nấu chảy, quá trình này có thể thải ra ôxít lưu huỳnh và các loại khí ô nhiễm có hại khác.

Có tới 70% nguồn cung coban trên thế giới được khai thác ở Cộng hòa Dân chủ Congo, một tỷ lệ đáng kể trong các mỏ “thủ công” không được kiểm soát, nơi công nhân đào kim loại từ đất chỉ sử dụng các công cụ cầm tay có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và sự an toàn của họ.

Liti trên thế giới được khai thác ở Úc hoặc từ các đồng muối ở vùng Andean của Argentina, Bolivia và Chile, các hoạt động này đang sử dụng một lượng lớn nước ngầm. Theo đó, các hoạt động sản xuất pin cần lượng lớn nước, dẫn đến sản xuất động cơ xe điện tốn nhiều nước hơn khoảng 50% so với động cơ đốt trong.

Ngoài ra, các mỏ đất hiếm tập trung ở Trung Quốc thường chứa các chất phóng xạ có thể tạo ra bụi và nước thải phóng xạ trong quá trình khai thác.

Các nhà sản xuất ô tô điện cũng đã cam kết loại bỏ coban “thủ công” khỏi chuỗi cung ứng của họ và cũng cho biết họ sẽ phát triển các loại pin loại bỏ hoàn toàn coban. Tuy nhiên công nghệ này vẫn đang được phát triển và chưa thể ứng dụng trong tương lai gần.

Cần đẩy mạnh tái chế

Khi các thế hệ xe điện trước đó bắt đầu đi vào giai đoạn cuối của vòng đời, việc tái sử dụng một khối lượng lớn pin đã qua sử dụng là một thách thức.

Hầu hết các loại xe điện ngày nay đều sử dụng pin lithium-ion, có thể lưu trữ nhiều năng lượng hơn trong cùng một không gian so với công nghệ pin axit-chì cũ, được sử dụng phổ biến hơn. Nhưng trong khi 99% pin axit-chì được tái chế ở Hoa Kỳ, tỷ lệ tái chế ước tính đối với pin lithium-ion chỉ khoảng 5%.

Các chuyên gia chỉ ra rằng pin đã qua sử dụng có chứa các kim loại quý giá và các vật liệu khác có thể được phục hồi và tái sử dụng. Tùy thuộc vào quy trình được sử dụng, việc tái chế pin cũng có thể thải ra các chất gây ô nhiễm không khí.

Radenka Maric, giáo sư tại Khoa Hóa học và Kỹ thuật Phân tử Sinh học của Đại học Connecticut cho biết: “Tỷ lệ pin lithium được tái chế là rất thấp, nhưng trong tương lai con số đó sẽ tăng lên".

Nhiều nhà sản xuất ô tô, bao gồm Nissan và BMW, đã thử nghiệm việc sử dụng pin xe điện cũ để lưu trữ điện lưới. General Motors cho biết họ đã thiết kế bộ pin của mình với mục đích sử dụng trong thời gian dài.

Tuy nhiên, nếu được thực hiện đúng cách, pin ô tô đã qua sử dụng có thể tiếp tục được sử dụng trong một thập kỷ hoặc hơn như dùng làm bộ lưu trữ dự phòng năng lượng mặt trời, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts phát hiện trong một nghiên cứu năm ngoái.

Theo The New York Times