Liệu thịt nhân tạo có đủ sức thay thế hoàn toàn thịt thật trong tương lai?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một ngày nào đó, bạn có thể ăn thịt an toàn mà không phải giết hại động vật. Điều này giúp giảm lượng khí thải carbon, tiết kiệm nước và cung cấp thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn. 
Các mẫu thịt nhân tạo được phát triển đầu tiên tại phòng thí nghiệm Đại học Maastricht, Hà Lan.
Các mẫu thịt nhân tạo được phát triển đầu tiên tại phòng thí nghiệm Đại học Maastricht, Hà Lan.

"Nếu tường của các lò mổ trên thế giới đều là tường kính trong suốt, tôi có thể đảm bảo rằng mọi người sẽ trở thành người ăn chay" - huyền thoại âm nhạc Paul McCartney từng kêu gọi ăn chay vì mục đích bảo vệ động vật vào những năm 1970.

Trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, con người đã tìm ra cách khai thác thịt khác với cách nuôi và giết mổ truyền thống. Kể từ khi giáo sư Mark Post từ Đại học Maastricht, Hà Lan lần đầu tiên thành công khi nuôi cấy thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm năm 2013, nhiều công ty trên thế giới bắt đầu đầu tư, nghiên cứu và sản xuất đại trà vào mảng thịt sạch này.

Đằng sau mỗi món ăn mới lạ, xu hướng này còn đại diện cho một chế độ ăn uống và lối sống mới. Là một tư duy mới trong thế giới kinh doanh, nó chắc chắn sẽ tạo ra một làn sóng độc đáo trên thị trường. Thịt nhân tạo đương nhiên không phải là ngoại lệ.

1. Thịt nhân tạo ra đời

"Trong 50 năm tới, chúng ta sẽ không còn nuôi gà chỉ để ăn ức gà hoặc cánh gà. Chúng ta sẽ sử dụng phương pháp nuôi cấy để trau dồi những thực phẩm này" - dự đoán có phần hài hước của Thủ tướng Anh Winston Churchill năm 1931 đã hình thành ý tưởng ban đầu về thịt nhân tạo.

Nhiều năm sau, giáo sư Mark Post sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm để sản xuất thịt nhân tạo đầu tiên, khiến dự đoán của Churchill trở thành sự thật. Miếng thịt bò được làm từ hơn 20.000 dải thịt nhỏ phát triển từ tế bào gốc của bò có giá 330.000 USD. Tuy nhiên, do giá thành cao nên thịt nhân tạo từ phòng thí nghiệm chưa thể sản xuất đại trà.

Ngày nay, có nhiều loại thịt được chiết xuất và chế biến từ protein thực vật để mô phỏng mùi vị và hàm lượng dinh dưỡng của thịt thật.

Mặc dù hàm lượng dinh dưỡng của thịt từ thực vật thấp hơn nhiều so với thịt thật, nhưng không ai có thể phủ nhận giá trị xã hội của nó. Bạn có thể ăn thịt an toàn mà không phải giết hại động vật. Điều này giúp giảm lượng khí thải carbon, tiết kiệm nước và cung cấp thực phẩm an toàn hơn.

Năm 2013, Bill Gates đã đi đầu trong việc đầu tư vào Beyond Meat, sau khi ăn món thịt từ thực vật do hãng này sản xuất. Sau đó, ông tiếp tục đầu tư vào một công ty tương tự khác là Impossible Burger, đứng sau là tỷ phú Li Ka-shing (Lý Gia Thành).

Lý Gia Thành và Bill Gates cùng nhau thưởng thức bánh burger kẹp thịt thực vật.

Lý Gia Thành và Bill Gates cùng nhau thưởng thức bánh burger kẹp thịt thực vật.

Memphis Meats có trụ sở tại California đã gây chú ý với sản phẩm thịt viên dựa trên tế bào đầu tiên trên thế giới. Công ty hiện đang xây dựng một nhà máy thí điểm để sản xuất thịt bò, gà và vịt nhân tạo ở quy mô lớn hơn - với kế hoạch tung ra nhiều nhà máy hơn xung quanh thế giới. Cargill, Bill Gates và Richard Branson cũng đầu tư vào vòng huy động vốn của công ty.

Sự đổi mới không chỉ giới hạn ở Hoa Kỳ - nó đang diễn ra trên khắp thế giới. Nói đến thịt nhân tạo từ tế bào, mọi con mắt đều đổ dồn vào Israel, nơi một số công ty khởi nghiệp như Future Meat Technologies và SuperMeat đang có những bước phát triển vượt bậc. Sự quan tâm của Israel đối với thịt làm từ tế bào xuất phát từ nền văn hóa thuần chay đang phát triển mạnh.

Nhiều khu vực khác trên thế giới không thua xa Israel, bao gồm cả châu Á. Công ty Shiok Meats của Singapore đang nghiên cứu đưa các loài giáp xác dựa trên tế bào (tôm, cua và tôm hùm) ra thị trường. Đây là công ty đầu tiên thuộc loại hình này ở Singapore và Đông Nam Á.

Bánh bao nhân tôm bào của Shiok Meats.
Bánh bao nhân tôm bào của Shiok Meats.

Theo phân tích, thị trường thịt nhân tạo toàn cầu được dự đoán sẽ trị giá 15,5 triệu USD vào năm 2021 và 20 triệu USD vào năm 2027. Một báo cáo ước tính rằng thịt nhân tạo sẽ chiếm 35% tổng số thịt vào năm 2040.

Sự xuất hiện của thịt nhân tạo trên đường đua thương mại đến từ sự gia tăng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng mới như ăn chay, ăn kiêng low-carb và bảo vệ môi trường. Nó đại diện cho một thế hệ tiêu dùng và mô hình sống mới, đồng thời cũng đang định hình tương lai hình thức kinh doanh.

Các nghiên cứu cho thấy, thịt bò làm từ tế bào sử dụng ít hơn 95% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, tốn ít diện tích đất hơn 98% và tiết kiệm đến một nửa năng lượng.

Vì tế bào động vật được chiết xuất một cách nhân đạo và được nuôi trong ống nghiệm nên thịt làm từ tế bào sẽ giúp chúng ta trút bỏ được gánh nặng đạo đức liên quan đến việc giết mổ.

Nhưng, dưới vẻ ngoài rực rỡ từ nguồn vốn đổ vào thị trường, mặt khác của thịt nhân tạo dần được hé lộ.

2. Sự lúng túng của các doanh nghiệp

Hamburger nhân thịt nhân tạo.

Hamburger nhân thịt nhân tạo.

Trái ngược với sự hào hứng của thị trường là sự lúng túng của các doanh nghiệp. Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất thịt nhân tạo chưa tạo ra lợi nhuận đáng kể, chi phí còn cao, triển vọng kỹ thuật chưa rõ ràng.

Là một công ty mới nổi trong lĩnh vực thịt thực vật - Beyond Meat đã dựa vào nỗ lực của chính mình để thu hút vốn cho toàn ngành. Nhưng trên thực tế, điều kiện hoạt động của công ty không mấy lạc quan.

Báo cáo tài chính mới nhất của Beyond Meat cho quý 3 năm 2020 cho thấy công ty đạt doanh thu 94 triệu USD trong quý, thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall là 132 triệu USD, trong khi khoản lỗ ròng cao tới 19,3 triệu USD. Do hoạt động kém hiệu quả, giá cổ phiếu của Beyond Meat đã giảm hơn 30% vào ngày báo doanh thu.

Các sản phẩm thịt chay truyền thống như gà chay, vịt chay chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp chế biến đơn giản với protein đậu nành, phương pháp sản xuất chỉ là ép máy đơn giản. Quy trình sản xuất thịt thực vật cần phải tái tạo lại cấu trúc phân tử của protein thực vật thành cấu trúc phân tử dạng sợi của thịt. Nó đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu khoa học rất lớn để tạo ra thịt thực vật có mùi vị, hương vị và chất dinh dưỡng tương tự như thịt thật.

Chi phí sản xuất thịt thực vật quá cao, chưa kể đến việc thịt nuôi cấy từ tế bào. Thịt bò nhân tạo mà giáo sư Mark Post nuôi trong phòng thí nghiệm có giá 330.000 USD. Memphis Meat đưa ra mức giá gần 10.000 USD cho mỗi pound thịt bò (0.45 kg), vượt xa kỳ vọng tiêu thụ thịt của người tiêu dùng.

Chi phí sản xuất cao, công nghệ khó và một chặng đường dài phải vượt qua từ phòng thí nghiệm đến thị trường thương mại, đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

3. Người tiêu dùng không mặn mà

Ăn thịt trở thành văn hóa khó có thể rũ bỏ của hầu hết các quốc gia.
Ăn thịt trở thành văn hóa khó có thể rũ bỏ của hầu hết các quốc gia.

Làm thế nào để thuyết phục người tiêu dùng ăn thịt nhân tạo? Đó là một bài toán lớn đối với những công ty hoạt động trong ngành công nghiệp này như Memphis Meats.

Trên thực tế, rất khó để thay đổi truyền thống ăn thịt ở các nước phát triển như châu Âu và châu Mỹ. Theo dữ liệu do OECD công bố năm 2019, ba khu vực tiêu thụ thịt bình quân đầu người hàng đầu thế giới là Nam Mỹ, Châu Đại Dương và Châu Âu, và dự kiến ​​nhu cầu thịt của các nước này sẽ không giảm trong 10 năm tới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Technology Review, Bill Gates cũng kêu gọi: "Tất cả các quốc gia giàu có nên chuyển sang ăn 100% thịt bò tổng hợp". Nhưng mọi tầng lớp xã hội đều không tin vào lời kêu goị của Gates. Có 726.000 người làm nghề chăn nuôi bò thịt ở Hoa Kỳ, không ăn thịt bò sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp trên diện rộng.

Thêm vào đó, thịt nhân tạo còn gắn trên chính nó cái mác "nhân tạo", được làm ra từ ống nghiệm. Người tiêu dùng thì vẫn thích những sản phẩm tự nhiên hoặc chí ít cũng có thành phần tự nhiên.

Tại Trung Quốc, Haidilao đã gây náo động cuộc khủng hoảng thương hiệu chỉ vì hãng này thay thế thịt bò viên bằng thịt thực vật.

Hơn nữa, Trung Quốc chưa bao giờ thiếu các sản phẩm từ đậu nành so với châu Âu và Hoa Kỳ, những quốc gia chủ yếu ăn thịt. Khi Beyond Meat tung ra loại thịt lợn băm làm từ thực vật vào thị trường Trung Quốc vào năm ngoái, tờ Washington Post đã bình luận đùa rằng: "Bạn sẽ không cố bán than cho Newcastle (cảng xuất than lớn nhất thế giới của Anh) cũng như bán sản phẩm thay thế thịt từ thực vật cho Trung Quốc?"

Sự tồn tại của thịt nhân tạo dường như trái ngược với logic tiêu dùng của người Trung Quốc về thói quen ăn uống và kỳ vọng giá cả.

Cho dù ở thị trường châu Âu, châu Mỹ hay thị trường châu Á, thịt nhân tạo vẫn chỉ ở mức ý tưởng. Điều kiện tiên quyết để đạt được mục tiêu tiêu thụ rộng rãi phụ thuộc rất nhiều vào việc khi nào thịt nhân tạo sẽ ngon và rẻ như thịt thật.

Theo Huashang Taolue, Forbes