Liên Xô sụp đổ-thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX: (Kỳ 6) Cải tổ dẫn tới Liên Xô tan rã

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Là người được Y. Andropov tiến cử vào Bộ Chính trị nhưng M.Gorbachev đã không kế tục sự nghiệp của người tiền nhiệm và tiến hành cái gọi là “cải tổ” theo hướng khác dẫn tới sự sụp đổ Liên bang Xôviết.
Trong chuyến thành phố Khabarovsk (năm 1986), M.Gorbachev tuyên bố “cải tổ” là “một cuộc cách mạng” (Ảnh: TASS)
Trong chuyến thành phố Khabarovsk (năm 1986), M.Gorbachev tuyên bố “cải tổ” là “một cuộc cách mạng” (Ảnh: TASS)

Thay vì củng cố và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đối với xã hội Xôviết, M. Gorbachev đã xóa bỏ vai trò đó. Thay vì đưa Liên Xô hội nhập thế giới với vị thế bình đẳng, M. Gorbachev đã đầu hàng Mỹ. Đây là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định dẫn tới sự sụp đổ Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Về chủ trương cải tổ, năm 1986, trong chuyến thăm thành phố Khabarovsk, lần đầu tiên M. Gorbachev sử dụng thuật ngữ “perestroika” để nói về những cải cách căn bản và toàn diện Liên Xô, cả trong lĩnh vực đối nội và đối ngoại. M. Gorbachev nói: “Tôi sẽ đặt dấu gạch ngang giữa hai từ “cải tổ” và “cách mạng”. Các biện pháp cải tổ mà chúng ta đang tiến hành là một cuộc cách mạng thực sự”. Bắt đầu từ ngày 27/1/1987, thuật ngữ “cải tổ” trở thành khẩu hiệu chính trị chủ yếu và nổi bật trong bản báo cáo của M. Gorbachev tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

Về sau, M.Gorbachev giải thích thêm ý nghĩa “cách mạng” của “cải tổ” có nghĩa là “phá bỏ hoàn toàn cải cũ để xây dựng cái mới”. Để tiến hành “cuộc cách mạng” trong cải tổ, ngày 25/2/1986, tại Đại hội khóa XXVII của Đảng Cộng sản Liên Xô, M. Gorbachev tuyên bố chủ trương “công khai hóa”. Theo đó, nhà nước sẽ bãi bỏ các hạn chế kiểm duyệt, chấp nhận các nguyên tắc tự do ngôn luận và trao đổi thông tin trong toàn xã hội. Từ năm 1987, nhiều cuốn sách bị cấm lưu hành trước đây bắt đầu được xuất bản ở Liên Xô (ví dụ, tiểu thuyết Trái tim chó của nhà văn Mikhail Bulgakov); bãi bỏ hạn chế về đăng ký xuất bản phẩm định kỳ. Nhiều bộ phim đã từng bị cấm lưu hành thì nay được trình chiếu rộng rãi, điển hình là bộ phim Sám hối của Tengiz Abuladze xuyên tạc thời kỳ được coi là “trấn áp” dưới thời J. Stalin trong những năm 1930. Các hãng truyền hình tư nhân đầu tiên được thành lập ở Liên Xô. Từ dó, các đài phát thanh nước ngoài được tự do phát sóng vào không gian Xôviết.

Chủ trương công khai hóa mở đầu chiến dịch xuyên tạc lịch sử Liên Xô trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; xuyên tạc lịch sử Cách mạng Tháng Mười Nga. Tháng 12/1986, M. Gorbachev quyết định trả lại quyền tự do cho Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô A. Sakharov-một phần tử kịch liệt chống Đảng Cộng sản Liên Xô, mở đầu quá trình giải phóng các tù nhân chính trị và trả lại quyền công dân cho những nhân vật chống Đảng bị giam giữ trong những năm 1930. Quyết định này của M. Gorbachev dẫn tới sự hình thành lực lượng mới chống Đảng Cộng sản Liên Xô trong những năm cải tổ. Những lực lượng này lợi dụng chủ trương công khai hóa đã đi đầu trong chiến dịch xuyên tạc lịch sử Liên Xô.

Tháng 1/1987, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, M. Gorbachev đọc báo cáo “Về cải tổ và chính sách cán bộ của Đảng” với nội dung chủ yếu là cải cách hệ thống chính trị để đổi mới xã hội. Kể từ đây, cải tổ trở thành trào lưu tư tưởng chính trị mới của nhà nước Xôviết. Sau Hội nghị này, hệ thống chính trị của Liên Xô bị coi là cản trở đối với sự phát triển kinh tế.

Trong những năm 1987-1988, M. Gorbachev đưa ra khái niệm “giá trị chung của toàn nhân loại” như thị trường, đa nguyên đa đảng, nhà nước pháp quyền. Từ đó, M. Gorbachev cho rằng ở Liên Xô cần phải thiết lập “thị trường xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa đa nguyên xã hội chủ nghĩa” và “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Từ ngày 28/6 đến 1/7/1988, diễn ra Hội nghị lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại đây, M. Gorbachev phát biểu về cải cách hệ thống quyền lực, theo đó sẽ tách Đảng Cộng sản Liên Xô ra khỏi chính quyền Xôviết. Không cần thảo luận, Hội nghị thông qua Nghị quyết “Về một số biện pháp cấp bách để tiến hành cải cách hệ thống chính trị của đất nước”. Theo đó, sẽ trình Xôviết tối cao Liên Xô dự thảo các đạo luật về cải tổ các cơ quan quyền lực của chính quyền Xôviết, về thay đổi Hiến pháp, về tổ chức bầu cử và tiến hành Đại hội đại biểu nhân dân toàn liên bang để bàn về các biện pháp tổ chức các cơ quan quyền lực mới của nhà nước Xôviết.

Từ ngày 1/12/1988, theo đề xuất ​​của M. Gorbachev, một phiên họp bất thường của Xôviết tối cao Liên Xô được triệu tập để thông qua Luật “Về bầu cử đại biểu nhân dân của Liên Xô” và Luật “Về sửa đổi và bổ sung Hiến pháp Liên Xô”. Theo đó, thay vì các cuộc bầu cử vào Xôviết tối cao Liên Xô được tổ chức dưới sự lãnh đạo trực tiếp và chặt chẽ của Đảng Cộng sản như trước đây thì Luật “Về bầu cử đại biểu nhân dân của Liên Xô” (sửa đổi) cho phép các cử tri có thể đề cử các ứng cử viên độc lập ngoài Đảng. Tháng 5/1989 diễn ra các cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức trên cơ sở Luật “Về bầu cử đại biểu nhân dân của Liên Xô” (sửa đổi), trong đó nhiều phần tử chống Đảng cũng được bầu làm đại biểu nhân dân.

Ngày 5/2/1990, Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua nghị quyết về sự cần thiết phải thiết lập chức vụ Tổng thống Liên Xô và từ bỏ Điều 6 của Luật pháp Liên Xô quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội Liên Xô, đồng thời thiết lập hệ thống chính trị đa đảng. Ngày 15/3/1990, theo đề xuất của M. Gorbachev, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô bất thường được tổ chức. Đại hội đã thông qua nội dung sửa đổi Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô, theo đó sẽ thay nội dung “Đảng Cộng sản Liên Xô được hiến định là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội Xôviết” thành “Đảng Cộng sản Liên Xô cùng với các đảng chính trị khác tham gia vào việc hoạch định chính sách của nhà nước Xôviết”. Đại hội đại biểu nhân dân toàn liên bang bất thường còn xác định chức vụ hoàn toàn mới trong hệ thống chính trị Xôviết là Tổng thống Liên Xô. Ngày 15/3/1990, Đại hội đại biểu nhân dân toàn liên bang bầu M. Gorbachev làm Tổng thống đầu tiên của Liên Xô.

Ngày 9/10/1990, trên cương vị Tổng thống, M. Gorbachev ký phê chuẩn đạo luật “Về các tổ chức xã hội”, theo đó cho phép các đảng phải và tổ chức chính trị ngoài Đảng được phép đăng ký hoạt động, chính thức hình thành hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng đối lập ở Liên Xô. Ngày 09/10/1990, Đại hội đại biểu nhân dân toàn liên bang thông qua Đạo luật chính thức công nhận chế độ đa đảng ở Liên Xô. Sau khi đạo luật này được áp dụng, hàng chục đảng phái chính trị và tổ chức xã hội mọc lên như nấm sau cơn mưa.

Về chính sách đối ngoại, M. Gorbachev chủ trương từ bỏ đối đầu ý thức hệ với các nước tư bản, trước hết là với Mỹ. Cuộc gặp đầu tiên giữa M. Gorbachev và Tổng thống Hoa Kỳ R. Reagan diễn ra vào ngày 19/11/1985 tại Geneva, Thụy Sĩ, hai bên để lại ấn tượng tốt về nhau. Cuộc gặp không chính thức của M. Gorbachev với Tổng thống Mỹ George W. Bush trong năm 1989 được tổ chức trên con tàu mang tên Đại văn hào Liên Xô Maxim Gorky đậu ở ngoài khơi bờ biển Malta. Tại đây, M. Gorbachev tuyên bố Liên Xô không còn coi Hoa Kỳ là kẻ thù và sẵn sàng hợp tác với họ, bao gồm cả hợp tác quân sự.

Ngày 8/12/1987, tại Washington (Hoa Kỳ), trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa M. Gorbachev và R. Reagan, hai bên ký Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu (gọi tắt là INF), có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, các bên cam kết hủy bỏ tất cả các bệ phóng cũng như đầu đạn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình bố trí trên đất liền có tầm bắn 500-5.500 km trong vòng 3 năm. Đến năm 1991, Liên Xô đã phá hủy 1.752 tên lửa, nhiều gấp đôi so với con số 859 của Hoa Kỳ. Đáng chú ý là, theo chỉ thị của M. Gorbachev, Liên Xô đã đơn phương phá hủy hàng loạt tên lửa rất hiện đại không thuộc phạm vi điều chỉnh của INF. Nhiều tướng lĩnh trong Bộ Quốc phòng Liên Xô phản đối nội dung này nhưng vô hiệu. Họ coi việc M. Gorbachev ký INF là hành động nhân nhượng Hoa Kỳ quá lớn, thậm chí là đầu hàng.

Cuộc gặp không chính thức của M. Gorbachev (người thứ nhất bên trái) với Tổng thống Mỹ George W. Bush (người thứ nhất bên phải) trong năm 1989 được tổ chức trên con tàu mang tên Đại văn hào Liên Xô Maxim Gorky đậu ở ngoài khơi bờ biển Malta (Ảnh: Reuter).

Cuộc gặp không chính thức của M. Gorbachev (người thứ nhất bên trái) với Tổng thống Mỹ George W. Bush (người thứ nhất bên phải) trong năm 1989 được tổ chức trên con tàu mang tên Đại văn hào Liên Xô Maxim Gorky đậu ở ngoài khơi bờ biển Malta (Ảnh: Reuter).

Tháng 12/1988, M. Gorbachev tuyên bố sẽ rút quân đội Liên Xô khỏi các nước thuộc Tổ chức phòng thủ Warszawa (Vácxava) (gồm Anbani, Bungari, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Rumani và Tiệp Khắc). Trong năm 1989, đồng thời với việc Liên Xô rút quân khỏi châu Âu, chính quyền các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã sụp đổ và được thay thế bằng chính quyền của các lực lượng chủ trương rút khỏi hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ngày 9/11/1989, được sự chấp thuận của M. Gorbachev, Bức tường Berlin được dỡ bỏ, mở đầu quá trình thống nhất nước Đức. Ngày 12/9/1990, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Liên bang Đức, Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô ký Hiệp ước chấp nhận sự thống nhất nước Đức. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu chính thức tan rã.

Do những sai lầm của M. Gorbachev trong cải tổ, ngày 16/11/1988, Xôviết tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Extonia tuyên bố rút khỏi Liên Xô. Từ tháng 4 đến tháng 9/1989, Xôviết tối cao các nước cộng hòa Litva, Latvia và Azerdbaidan cũng tuyên bố rút khỏi Liên Xô. Năm 1990, tất cả các nước cộng hòa còn lại của Liên Xô tự tuyên bố độc lập. Để ngăn chặn Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, tại Đại hội lần thứ XXVIII của Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 7/1990), M. Gorbachev đưa ra ý tưởng thành lập nhà nước liên bang mới.

Ngày 17/3/1991, một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại các nước cộng hòa còn lại, ngoại trừ Estonia, Latvia, Litva, Mondova, Gruzia và Armenia, về việc có nên tiếp tục duy trì Liên bang Xôviết hay không. Kết quả, tổng cộng 148.574.606 cử tri tại các nước cộng hòa thành viên đã tham gia bỏ phiếu, trong đó có 113.512.812 phiếu (76%) ủng hộ duy trì Liên bang Xôviết. Tại hai nước cộng hòa lớn nhất của Liên Xô là Nga và Ucraina chiếm phần lớn dân số Liên Xô, con số cử tri ủng hộ duy trì Liên bang Xôviết lớn hơn 76%.

Trên cơ sở cuộc trưng cầu dân ý này, ngày 23/7/1991, M. Gorbachev và tổng thống 9 nước cộng hòa của Liên Xô, gồm Nga, Ucraina, Belarus, Cazastan, Uzebekistan, Azerbaidan, Targystan, Kyrgystan và Turmenistan thông qua quyết định vào ngày 20/8/1991 sẽ ký Hiệp ước thành lập Liên bang các nước cộng hòa có chủ quyền, viết tắt bằng tiếng Nga là CCCP, giống như tên viết tắt CCCP của Liên bang các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết,.

Tuy nhiên, ngày 19/8/1991, một nhóm cán bộ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và các quan chức cấp cao do Phó Tổng thống Liên Xô G. Yanayev dẫn đầu tuyên bố thành lập Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp để “lật đổ” M. Gorbachev nhằm ngăn chặn việc ký Hiệp ước thành lập Liên bang các nước cộng hòa có chủ quyền mà họ cho là sẽ thay thế Liên Xô. Hành động của Ủy ban này không nhận được sự ủng hộ của quân đội và lực lượng an ninh đã mất định hướng chính trị vào thời điểm đó, vì thế đã bị lực lượng “phản đảo chính” đứng đầu là Tổng thống Nga B. Yeltsin vô hiệu hóa.

Ngày 22/8/1991, M. Gorbachev trở lại Mátxcơva sau “cuộc đảo chính” bất thành. Ngày 24/8/1991, M. Gorbachev tuyên bố từ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và giải tán Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, mở đường cho cơ quan lập pháp Xôviết Tối cao thông qua quyết định đình chỉ hoạt động của Đảng Cộng sản trên toàn lãnh thổ Liên Xô, mở đầu sự tan rã Liên bang bang Xôviết.

Trái với kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 17/3/1991, ngày 8/12/1991,tại khu nghỉ dưỡng Viskuli trong Công viên quốc gia Belovezh của Belarus, Tổng thống Boris Yeltsin - tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, Tổng thống Cộng hòa Ucraina Leonid Kravchuk và Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Belarus Stanislav Shushkevich ký Hiệp ước Belovezha về việc giải thể Liên bang Xôviết và thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Ngày 12/12/1991, Xôviết tối cao Liên Xô chính thức phê chuẩn Hiệp ước Belovezha và xóa bỏ Hiệp ước thành lập Liên bang Xôviết ký năm 1922.

Sau khi ký Hiệp ước Belovezha về việc giải thể Liên bang Xôviết ngày 17/3/1991, B.Yeltsin gọi điện cho Tổng thống Mỹ G.H.Bush thông báo Liên Xô đã bị giải thể (Ảnh: Virdis.ru)
Sau khi ký Hiệp ước Belovezha về việc giải thể Liên bang Xôviết ngày 17/3/1991, B.Yeltsin gọi điện cho Tổng thống Mỹ G.H.Bush thông báo Liên Xô đã bị giải thể (Ảnh: Virdis.ru)

Vào hồi 19 giờ 30 phút ngày 25/12/1991 (giờ Moscow), sau khi M. Gorbachev tuyên bố từ bỏ vai trò Tổng thống đầu tiên của Liên Xô và rời khỏi Điện Kremlin, lá cờ Liên Xô cuối cùng đã được hạ xuống và thay vào đó là lá cờ của Liên bang Nga gồm ba sọc đỏ, xanh tím và trắng, được kéo lên vào hồi 23 giờ 40 phút. Đúng lúc đó, tiếng chuông trên Tháp Đấng Cứu thế vang lên đánh dấu sự cáo chung Liên Xô - nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử thế giới.

Về sự kiện này, ông Nikolai Ryzkov, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô từ năm 1985 đến 1991 nhận định: “Sự tan rã Liên bang Xôviết không bắt nguồn từ ý nguyện của đa số nhân dân, mà thực chất xuất phát từ quyết định của giới lãnh đạo cấp cao Liên Xô. Thay vì phải cải cách mô hình kinh tế thì những nhà lãnh đạo này lại đập phá hệ thống chính trị, làm suy yếu bộ máy nhà nước, rồi chính họ tự ý ra quyết định giải tán Nhà nước Liên Xô, mặc dù điều này trái với kết quả trưng cầu dân ý trước đó chỉ vài tháng”./.