Liên Xô sụp đổ-thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX: (Kỳ 5) Y.Andropov-niềm hy vọng mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Công cuộc cải cách do Y. Andropov khởi xướng tuy chỉ mới được thực hiện vẻn vẹn trong 1 năm 89 ngày nhưng đã tạo niềm tin và hy vọng cố thể đưa Liên Xô thoát khỏi tình trạng trì trệ từ thời L.Brezhnev.
Y.Andropov-người có thể mở ra kỷ nguyên mới ở Liên Xô (Ảnh: TACC)
Y.Andropov-người có thể mở ra kỷ nguyên mới ở Liên Xô (Ảnh: TACC)

Ngày 12/11/1982, Y. Andropov, người từng giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) từ năm 1967, được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô sau khi người tiền nhiệm L. Brezhnev qua đời do già yếu sau 18 năm tại vị trong một giai đoạn lịch sử được đánh giá là “trì trệ” về kinh tế - xã hội và chính trị. Mặc dù đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ trong một thời gian ngắn (1 năm 89 ngày) nhưng Y. Andropov đã tạo ra bầu không khí cải cách lành mạnh, chan chứa hy vọng về một thời kỳ phát triển mạnh mẽ ở Liên bang Xôviết. Tuy nhiên, Y. Andropov cũng để lại những câu hỏi và những giả thuyết mà đến nay vẫn còn là một hồ sơ bí ẩn đang được giới nghiên cứu lịch sử ở Nga và thế giới phân tích, làm rõ. Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng Y. Andropov đã từng hoạch định kế hoạch cải cách toàn diện Liên Xô gần giống mô hình cải cách, mở cửa của Trung Quốc, gọi tắt là “Kế hoạch Andropov”.

Tháng 6/1983, khi bắt đầu tiến hành công cuộc cải cách Liên Xô, Y. Andropov thừa nhận: “Nói một cách thẳng thắn, chúng ta chưa nghiên cứu đầy đủ về xã hội đang sống và làm việc, chưa làm rõ các quy luật vốn có của nó, đặc biệt là các quy luật kinh tế. Vì vậy, chúng ta buộc phải hành động theo kinh nghiệm để tìm ra quy luật”. Y. Andropov không chỉ nói về những hạn chế và khuyết điểm đơn lẻ, về năng lực của ban lãnh đạo đất nước không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, mà còn đưa ra thông điệp về sự cần thiết phải thực thi một chương trình cải cách toàn diện và sâu rộng dựa trên cơ sở thực tiễn và khoa học. Về sau, giới nghiên cứu lịch sử so sánh câu nói này của Y. Andropov với phương châm cải cách nổi tiếng “dò đá qua sông” của Đặng Tiểu Bình.

Gennady Gudkov, một sĩ quan cấp cao của KGB và là cựu nghị sĩ Duma Quốc gia Nga (2001-2012), cho biết, “Kế hoạch Andropov” đã từng được ông nghiên cứu soạn thảo từ năm 1965 sau thất bại của công cuộc cải cách sai lầm dưới sự lãnh đạo của N. Khrushchev. Theo Gennady Gudkov, mặc dù “Kế hoạch Y. Andropov” là công cuộc cải cách khá triệt để nhưng không được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô chấp nhận, thay vào đó là kế hoạch cải cách theo hướng tiệm tiến của A. Kosygin thời điểm đó đang giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.

Kế hoạch cải cách Liên Xô của Y. Andropov từ lâu đã trở thành huyền thoại. Hầu hết những người biết toàn bộ hoặc từng phần về nó đều im lặng. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ. Trong số các quan chức cấp cao từng làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư Y. Andropov, có một người đã tiết lộ kế hoạch cải cách vĩ đại này. Đó là A. Volskij, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1986-1991) và là cựu đại biểu Xôviết tối cao Liên Xô (1986-1989). Theo A. Volskij, về cải cách chính trị, Y. Andropov chủ trương sẽ phải chấm dứt tình trạng chia rẽ đất nước bằng cách bãi bỏ hình thức tổ chức theo kiểu liên bang các nước cộng hòa Xôviết và tổ chức lại Liên Xô theo hình thức các tỉnh hoặc các bang.

Sau này, Tổng thống Nga V. Putin từng đưa ra nhận định, cách thức tổ chức Liên Xô theo kiểu liên bang các quốc gia có quyền tự quyết tiềm ẩn hiểm họa giống như “quả bom hạt nhân nổ chậm” có thể sẽ được kích nổ và làm tan rã Liên bang Xôviết. Để tập trung lãnh đạo thống nhất đối với Nhà nước Xôviết kiểu mới, Y. Andropov chủ trương bãi bỏ tất cả các Đảng Cộng sản ở các nước cộng hòa và chỉ để lại một đảng lãnh đạo duy nhất là Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhằm mục đích ngăn chặn các hành động chống đối tất yếu sẽ xảy ra trong thời gian đầu cải cách từ chính bộ máy lãnh đạo Đảng Cộng sản ở các nước cộng hòa, sẽ phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô và thiết lập chế độ kiểm soát nghiêm ngặt nhất trên toàn liên bang.

Về kinh tế, Y. Andropov chủ trương xây dựng ở Liên Xô khoảng 10 vùng kinh tế thử nghiệm. Theo đó, khác với Trung Quốc - “một quốc gia hai chế độ”, thì Liên Xô sẽ là “một quốc gia - 10 vùng kinh tế”. Từ sự phát triển 10 vùng kinh tế này, Liên Xô sẽ rút kinh nghiệm để xây dựng mô hình kinh tế chung cho cả nước.

Nhiệm vụ trung tâm của kế hoạch này là sử dụng các thành tựu phát triển kinh tế có tính cạnh tranh rất cao của Liên Xô để xây dựng nền kinh tế kiểu mới. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở Liên Xô đã hình thành các trung tâm công nghiệp và khoa học - kỹ thuật đứng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, công nghệ tên lửa và vũ trụ, công nghệ vô tuyến điện tử, công nghệ sinh học, mà ở đó các nhà khoa học và người lao động được trả lương cao và được cung cấp đầy đủ mọi phương tiện cần thiết. Đặc biệt, ở Liên Xô đã hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng hiện đại và lớn nhất thế giới, bao gồm trong đó hàng nghìn xí nghiệp, viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học và thành phố khoa học.

Những cơ sở đó là hạt nhân để xây dựng các siêu thành phố văn minh trong tương lai, góp phần rất quan trọng đưa Liên Xô trở thành một cường quốc tiên tiến so với phần còn lại của thế giới trong nhiều thập niên. Theo “Kế hoạch Andropov”, trên nền tảng những cơ sở đó, Liên Xô sẽ xây dựng các tập đoàn công nghiệp và công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất thế giới, hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ và phương Tây. Khi đó, Liên Xô sẽ trở thành quốc gia - siêu tập đoàn với các chi nhánh ở nhiều nước. Y. Andropov cho rằng, nền văn minh Xôviết đã tạo ra một cơ sở khoa học, công nghệ, giáo dục và kinh tế mạnh mẽ, tạo tiền đề cho Liên Xô phát triển thành một thành viên đầy đủ và bình đẳng với các cường quốc phát triển hàng đầu thế giới ở phương Tây.

Về đối ngoại, Y. Andropov chủ trương đưa Liên Xô mở cửa và hội nhập châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung dựa trên thế mạnh, thực chất là tích hợp Liên Xô vào thế giới theo những điều kiện có lợi cho Mátxcơva. Y. Andropov tin rằng, nền văn minh Nga không thể tự tồn tại độc lập và do đó cần tiến hành một cuộc “hôn nhân có tính toán” với phương Tây. Thực chất, Y. Andropov đi theo con đường phát triển nước Nga hướng sang phương Tây của Pyotr Đại đế đã từng trị vì 39 năm (07/5/1682 - 01/11/1721) và mở ra kỷ nguyên phát triển rực rỡ trong lịch sử đế chế Nga.

Về an ninh, Y. Andropov cho rằng, để hội nhập thế giới dựa trên thế mạnh, Liên Xô phải bảo đảm an ninh quốc gia theo hướng tăng cường tiềm lực quốc phòng, đưa Liên Xô vào vị thế cân bằng chiến lược với Hoa Kỳ,thậm chí trong một số lĩnh vực còn vượt họ. Để thực hiện chủ trương đó, khi Hoa Kỳ quyết định triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên lãnh thổ các nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu để sẵn sàng giáng đòn tấn công phủ đầu chớp nhoáng nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Liên Xô, thì Y. Andropov quyết định đáp trả bằng cách nghiên cứu phát triển, đưa vào trang bị và triển khai các loại tên lửa tầm trung và tầm ngắn có tính năng vượt trội so với của Hoa Kỳ như khả năng tàng hình và cơ động nhanh. Ngoài ra, Liên Xô còn nghiên cứu phát triển loại tên lửa đường đạn mang nhiều đầu đạn độc lập hướng tới các mục tiêu khác nhau, gọi tắt là tên lửa MIRV (Multiple Independently Targetable Re-entry Vehicle). Trong thời gian đó, Liên Xô vượt trước Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ tên lửa tầm trung và tên lửa đường đạn MIRV.

Để tạo bầu không khí cải cách, được KGB “bật đèn xanh” và kiểm soát, ở Liên Xô diễn ra các cuộc thảo luận công khai tại các viện nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển kinh tế ở phương Tây và khả năng áp dụng những kinh nghiệm đó. Trong đó có các cuộc thảo luận công khai về các biện pháp cải cách Liên Xô theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường tại Viện nghiên cứu khoa học liên bang về hệ thống, một phân viện của Viện nghiên cứu quốc tế về ứng dụng phân tích hệ thống có trụ sở tại Vienna, thủ đô của Áo. Các thực tập sinh của Liên Xô, khi được cử tới Viện này, được cung cấp tài liệu khoa học về kinh nghiệm phát triển kinh tế ở phương Tây có liên quan tới “Kế hoạch Andropov”. Mọi nỗ lực nghiên cứu của giới khoa học Liên Xô trong thời gian đó tập trung vào nhiệm vụ chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch - hành chính bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

Công cuộc cải cách do Y. Andropov khởi xướng chưa được bao lâu nhưng đã tạo niềm tin, phấn khởi và hy vọng cho người dân trên khắp đất nước Xôviết rộng lớn. Chỉ sau một thời gian ngắn dưới sự lãnh đạo của Y. Andropov, so với năm 1982, sản xuất công nghiệp của Liên Xô tăng 4%, năng suất lao động tăng 3,5% và tổng sản lượng lương thực tăng 5% vào năm 1983. Quan hệ đối ngoại giữa Liên bang Xôviết và Trung Quốc cải thiện đáng kể, tạo động lực phát triển kinh tế của Liên Xô.

Y. Andropov (bên trái) trong lần tới thăm công nhân nhà máy (Ảnh: TASS)

Y. Andropov (bên trái) trong lần tới thăm công nhân nhà máy (Ảnh: TASS)

Vào thời điểm đó, ở Liên Xô lan truyền câu chuyện vui về cách giải nghĩa 5 chữ cái cấu thành tên gọi loại rượu Vodka (ВОДКА) nổi tiếng toàn thế giới mà người Nga rất ưa thích là “Все Одобрают Коммуниста Андропова”, có nghĩa là “tất cả đều ủng hộ người cộng sản Andropov”. Tuy nhiên, Y. Andropov chỉ nhậm chức được vẻn vẹn 1 năm 89 ngày (12/11/1982 - 09/02/1984) và qua đời, bỏ dở công cuộc cải cách vĩ đại của ông.

Cái chết của Y. Andropov đến nay vẫn bị bao phủ bởi bức màn bí ẩn. Người kế nhiệm ông là K. Chernenko, một nhà lãnh đạo cao tuổi, sức yếu, chỉ đảm nhiệm chức vụ được 1 năm 25 ngày (13/02/1984 - 10/3/1985). Người kế tiếp K. Chernenko là M. Gorbachev, được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô vào ngày 11/3/1985. Sau khi nhậm chức, M. Gorbachev phát động phong trào cải cách mà ông gọi là “cải tổ” (“Perestroika”)./.