Trong những năm L. Brezhnev giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1964-1982), Liên Xô tiếp tục công cuộc cải cách do J. Stalin khởi xướng bằng chương trình của A. Kosygin - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
Những nội dung cơ bản của chương trình cải cách kinh tế dưới thời A. Kosygin được trình bày trong bài viết của Giáo sư Đại học kinh tế - kỹ thuật Kharkov và Đại học Tổng hợp Kharkov E. Liberman với tựa đề “Kế hoạch, lợi nhuận và thưởng” và trong bản báo cáo của ông gửi Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô trong năm 1964 với tiêu đề “Hoàn thiện khâu lập kế hoạch và khuyến khích vật chất trong hoạt động của các xí nghiệp công nghiệp”. Chủ tịch Hội động Bộ trưởng Liên Xô A. Kosygin ủng hộ những đề xuất của E. Liberman trong bản báo cáo này.
Đề xuất cải cách của E. Liberman có 5 nội dung cơ bản:
(i) Bãi bỏ các cơ quan quản lý kinh tế và lập kế hoạch khu vực, còn các xí nghiệp là đơn vị hoạt động kinh tế cơ bản.
(ii) Khôi phục hệ thống quản lý theo ngành.
(iii) Giảm số lượng chỉ tiêu theo kế hoạch của nhà nước từ 30 xuống 9. Trong đó chỉ còn các chỉ tiêu như tổng sản phẩm, quỹ lương, tổng lợi nhuận, khoản thu nộp ngân sách, khoản đầu tư từ ngân sách, tổng đầu tư cơ bản, tổng khối lượng nguyên liệu, vật tư và thiết bị.
(iv) Mở rộng quyền tự chủ của xí nghiệp, theo đó xí nghiệp được quyền xác định danh mục các loại sản phẩm, thực hiện đầu tư cho sản xuất từ quỹ của xí nghiệp, xác định thời hạn thanh toán hợp đồng với khách hàng, xác định số lượng nhân công và mức độ khuyến khích vật chất. Đối với những xí nghiệp không hoàn thành cam kết theo hợp đồng sẽ bị xử phạt nghiêm ngặt bằng tài chính.
(v) Xí nghiệp có quyền trích từ lợi nhuận để xây dựng quỹ phát triển sản xuất, quỹ khuyến khích vật chất, quĩ văn hóa-xã hội và quỹ xây dựng nhà ở. Xí nghiệp sử dụng những quỹ đó theo yêu cầu của xí nghiệp nhưng không được vượt quá khuôn khổ luật pháp.
Tháng 9/1965, Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua quyết định cải cách kinh tế theo ba hướng chính: (i) thay đổi các chỉ tiêu kế hoạch; (ii) mở rộng tính tự chủ về kinh tế của các doanh nghiệp; (iii) khuyến khích bằng vật chất đối với kết quả của người lao động. Là người từng ủng hộ đề xuất của J. Stalin về cải cách kinh tế theo định hướng thị trường, sau khi trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, A. Kosygin đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về định hướng cải cách.. Từ năm 1965, Liên Xô bắt đầu thực hiện cải cách hoạt động lập kế hoạch và quản lý nền kinh tế quốc dân, áp dụng các phương pháp quản lý kinh tế theo định hướng thị trường, mở rộng quyền tự chủ về kinh tế của các xí nghiệp và các tổ chức có thu, áp dụng rộng rãi phương pháp khuyến khích kinh tế.
Kết quả cải cách thời kỳ A. Kosygin thật ấn tượng. Đến năm 1969, hơn 32.000 doanh nghiệp của Liên Xô hoạt động theo hệ thống quản lý kinh tế mới, tạo ra 77% tổng sản lượng của nhà nước. Cơ chế quản lý kinh tế mới là động lực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao đáng kể mức sống của người dân. Trong những năm cải cách của A. Kosygin, thu nhập quốc dân của Liên Xô tăng 42%, sản lượng công nghiệp tăng 1,5 lần và sản xuất nông nghiệp tăng 21%. Đến năm 1970, Liên Xô đã chiếm vị trí cao trong bảng chỉ số phát triển con người của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, công cuộc cải cách của A. Kosygin đã vấp phải sự phản đối ngấm ngầm của các thế lực bảo thủ trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại Đại hội lần thứ XXIII của Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1966, chương trình cải cách của A. Kosygin chỉ được đề cập thoáng qua trong báo cáo chính trị do L. Brezhnev trình bày. Trong báo cáo đọc tại lễ kỷ niệm 55 năm Cách mạng Tháng Mười vào năm 1967, L. Brezhnev cho rằng Liên Xô cần ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục phát triển theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển, chuẩn bị bước sang gia đoạn chủ nghĩa cộng sản. Trong thời gian đó, một số thế lực chống cải cách từ phía các bộ của Liên Xô không muốn đánh mất quyền kiểm soát các xí nghiệp trong quá trình cải cách. Vì thế, trong khi các xí nghiệp được trao nhiều quyền tự chủ nhưng vào cuối những năm 1960-1970 bộ máy quản lý của nhà nước lại không ngừng được phình to ra nhiều hơn. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo máy, đã thành lập thêm 8 tổng cục cấp toàn liên bang, 35 cơ quan cấp bộ liên quan tới sản xuất công nghiệp. Ngày 10/7/1967, Chính phủ Liên Xô thông qua nghị định mở rộng quyền hạn của các cơ quan quyền lực trung ương. Trái với tình hình thực tế, ý kiến của lãnh đạo các bộ lại cho rằng quá trình cải cách đang đang có tác động “cản trở sự phát triển sản xuất”.
Trong số các thế lực chống cải cách là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Liên Xô chậm được đổi mới và tham quyền cố vị, sa vào tình trạng chạy chức chạy quyền, lạm dụng quyền lực, tham nhũng và hối lộ; lãnh đạo một số xí nghiệp bắt đầu có biểu hiện đầu cơ như tăng giá sản phẩm, ăn cắp nguyên liệu dẫn tới hậu quả giảm chất lượng sản phẩm. Do bị các thế lực chống cải cách ngăn cản, đến năm 1968 kinh tế Liên xô rơi vào trạng thái bất định: hoặc là tiếp tục mở rộng cải cách thị trường, hoặc quay trở lại cơ chế kinh tế cũ. Trong điều kiện đó, A. Kosygin phải chịu áp lực rất lớn không chỉ từ những người phản đối cải cách kinh tế với lập luận gây bất ổn trong xã hội, mà còn từ phía những người ủng hộ cải cách muốn đưa nền kinh tế của Liên Xô chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường
Mặt khác, công cuộc cải cách ở Liên Xô đã thúc đẩy công cuộc cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa, điển hình là ở Tiệp Khắc. Đầu năm 1968, các lực lượng cải cách nổi dậy chống lại Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, buộc Liên Xô phải đưa quân vào can thiệp. Sự kiện Tiệp Khắc đã tạo cớ cho lực lượng bảo thủ, chống cải cách, thậm chí có cả các “điệp viên ảnh hưởng” của Hoa Kỳ chui sâu leo cao trong Đảng Cộng sản Liên Xô vận động để thông qua quyết định chấm dứt công cuộc cải cách của A. Kosygin. Sự kiện ở Tiệp Khắc năm 1968 chính là “giọt nước làm tràn ly”, khiến phải chống cải cách trong Đảng Cộng sản Liên Xô thắng thế, thúc đẩy L. Brezhnev quyết định ngừng chương trình của A. Kosygin.
Về sau, vào năm 1971, trong một lần nói chuyện với Thủ tướng Tiệp Khắc Lubomir Strowgali, A. Kosygin trăn trở: “Không còn gì nữa, tất cả đã sụp đổ. Công cuộc cải cách đã rơi vào tay người khác. Còn những người chung chí hướng từng cùng làm việc với tôi đã bị loại bỏ. Tôi không thể trông chờ điều gì nữa”.
Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư trưởng của công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc từng nhận định:“Nếu công cuộc cải cách của A. Kosygin được tiếp tục thực thi và thành công, Trung Quốc sẽ phải học tập Liên Xô”. Thời kỳ L. Brezhnev làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đưa Liên Xô lâm vào tình trạng trì trệ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có quyết định của ông dừng công cuộc cải cách của A. Kosygin. Theo con số thống kê khách quan, công cuộc cải cách thời A. Kosygin, mặc dù chưa thể đưa nền kinh tế của Liên Xô phát triển đột phá, nhưng đã tạo ra một động lực phát triển mạnh mẽ, mở ra triển vọng đầy hứa hẹn./.