Liên Xô sụp đổ-thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ XX: (Kỳ 1) Cải cách Liên Xô thời J. Stalin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Công cuộc cải cách trong những năm cầm quyền của J. Stalin đã biến Liên Xô chỉ trong một thời gian ngắn từ một quốc gia lạc hậu sau Cách mạng Tháng Mười trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau Mỹ.
Mikhail Gorbachev (phải) và Boris Yeltsin (trái)-2 nhân vật đóng vai trò tối quan trọng trong sự kiện Liên Xô sụp đổ (Ảnh: Sputnik)
Mikhail Gorbachev (phải) và Boris Yeltsin (trái)-2 nhân vật đóng vai trò tối quan trọng trong sự kiện Liên Xô sụp đổ (Ảnh: Sputnik)

LTS: Theo Tổng thống Nga V. Putin, Liên Xô sụp đổ là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX. Theo ông, lẽ ra Liên Xô không bị sụp đổ mà vẫn có thể tiếp tục phát triển vững mạnh theo chương trình cải cách đúng hướng. Nhân dịp tròn 30 năm thảm họa địa-chính trị này, VietTimes xin giới thiệu loạt bài "Liên Xô sụp đổ-thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XX" của Đại tá Lê Thế Mẫu, phân tích về các cuộc cải cách của Liên Xô kể từ sau Cách mạng Tháng Mười đến giai đoạn được gọi là “cải tổ” với hậu quả làm sụp đổ Liên bang Xô Viết.

Liên Xô sụp đổ là hậu quả trực tiếp của công cuộc cải cách mà M. Gorbachev gọi là “cải tổ” trong thời kỳ cầm quyền của ông từ năm 1985 trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và Tổng thống đầu tiên của Liên Xô. Theo Tổng thống V. Putin, lẽ ra Liên Xô không bị sụp đổ mà vẫn tiếp tục phát triển vững mạnh theo một kế hoạch cải cách đúng hướng và có hiệu quả. Trên thực tế ở Liên Xô đã từng diễn ra nhiều cuộc cải cách với những kết quả khác nhau.

Cải cách Liên Xô thời J. Stalin (1929-1953)

Sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, nước Nga lâm vào cuộc nội chiến bên trong, còn bên ngoài bị các nước tư bản bao vây và can thiệp vì họ muốn tiêu diệt nhà nước xã hội chủ nghĩa còn non trẻ. Trong điều kiện đó, V. Lenin phải áp dụng chính sách cộng sản thời chiến (1918-1920) vừa để bảo vệ chính quyền Xôviết vừa mới được thành lập, vừa chuẩn bị điều kiện cho nước Nga bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội - một hình thái kinh tế-xã hội hoàn toàn mới và tốt đẹp nhất, trong đó không có người bóc lột người, không có khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, mọi người đều được phát triển toàn diện và được tôn trọng như nhau.

Chính sách cộng sản thời chiến dựa trên sáu nguyên tắc. Đó là: (i) tập trung hóa cao độ hoạt động quản lý của nhà nước đối với toàn bộ hệ thống kinh tế quốc dân; (ii) quốc hữu hóa hoạt động sản xuất công nghiệp từ qui mô nhỏ đến quy mô lớn; (iii) cấm mọi hoạt động thương mại tư nhân; (iv) nhà nước độc quyền quản lý sản xuất nông nghiệp; (v) áp dụng chế độ lao động thời chiến trong công nghiệp quân sự; (vi) áp dụng chế độ bình quân của mọi người đối với mọi dịch vụ và hàng hóa.

Các biện pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian áp dụng chính sách cộng sản thời chiến gồm: (i) bãi bỏ các ngân hàng tư nhân; (ii) quốc hữu hóa nền công nghiệp; (iii) nhà nước độc quyền hoạt động ngoại thương; (iv) áp dụng kỷ luật lao động bắt buộc; (v) áp dụng chế độ kiểm soát của nhà nước đối với hoạt động sản xuất lương thực thực phẩm. Biện pháp đầu tiên của nhà nước là quốc hữu hóa các xí nghiệp công nghiệp để tránh bị phá sản do chủ nhân các nhà máy bỏ chạy ra nước ngoài sau Cách mạng Tháng Mười. Tiếp đến, nhà nước tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ lĩnh vực công nghiệp.

Để vực dậy nền kinh tế, chính sách cộng sản thời chiến phải áp dụng cơ chế lao động bắt buộc toàn dân theo chế độ làm việc 8 giờ/ngày và trừng phạt những người bỏ việc. Trong thời gian thực hiện chính sách cộng sản thời chiến, các binh sĩ Nga đã từng tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất được tập hợp lại thành các đội quân lao động. Cơ quan chủ yếu để thực hiện chính sách cộng sản thời chiến là Hội đồng dân ủy kinh tế chịu trách nhiệm lập kế hoạch kinh tế và chỉ đạo thực hiện tất cả các biện pháp cải cách.

Sau khi nội chiến kết thúc, để khắc phục những khó khăn của nền kinh tế, V. Lenin chủ trương tiến hành chính sách kinh tế mới (NEP). Theo đó, chính quyền Xôviết áp dụng cơ chế kinh tế thị trường để kích thích sản xuất, kêu gọi đầu tư tư bản dưới sự định hướng và kiểm soát của nhà nước.

Theo NEP, trong nông nghiệp, thay vì trưng thu và áp giá tối đa lên nông sản theo chính sách cộng sản thời chiến, Chính phủ Xôviết áp dụng cơ chế thuế để điều tiết. Theo cơ chế này, người nông dân sau khi nộp thuế có thể tiêu thụ nông sản trên thị trường tự do. Trong thành phố, NEP khuyến khích đầu tư của tư bản trong nước và nước ngoài, còn nhà nước đóng vai trò kiểm soát những ngành quan trọng đối với quốc gia như điện lực và ngân hàng.

NEP có tác động tích cực trong việc nhanh chóng đẩy lùi nạn đói, phục hồi hoạt động công nghiệp và thương mại, ổn định tình hình ở nông thôn và thành thị, từ đó đời sống của người dân được cải thiện đảng kể. Từ năm 1922, Chính quyền Xôviết đã giải quyết được vấn đề lương thực - thực phẩm và ổn định tình hình chính trị. Đến năm 1925, sản lượng nông nghiệp đạt mức 87% và công nghiệp đạt 75% mức của năm 1913, là năm sản lượng cao nhất của Đế chế Nga. Các nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chính quyền Xôviết đã được hóa giải. Từ đó, Liên Xô bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội.

V.Lenin, lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười (phải), và J.Stalin, người kế tục trung thành sự nghiệp của V.Lenin (trái) (Ảnh: TASS).

V.Lenin, lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười (phải), và J.Stalin, người kế tục trung thành sự nghiệp của V.Lenin (trái) (Ảnh: TASS).

Sau khi V. Lenin qua đời vào năm 1924, J. Stalin, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1922-1952) và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1941-1953), đã hai lần tiến hành cải cách Liên Xô. Lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1927 đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ năm 1927, J. Stalin bắt đầu công tác chuẩn bị để chuyển Liên Xô từ NEP của V. Lenin sang chương trình cải cách rộng lớn, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng.

Sau 2 năm chuẩn bị, năm 1929, chương trình cải cách của J. Stalin, còn được gọi là chiến lược công nghiệp hóa và hiện đại hóa Liên Xô, bắt đầu được thực thi. Báo chí Liên Xô gọi năm 1929 là “năm chuyển hướng vĩ đại” mở đầu kỷ nguyên hiện đại hóa mạnh mẽ sẽ làm thay đổi căn bản nền tảng công nghệ và công nghiệp của xã hội Xôviết. Khi đó, một số người trong lực lượng cánh hữu và cánh tả trong Đảng Cộng sản Liên Xô cáo buộc J. Stalin “xa rời chủ nghĩa V. Lenin”. Tuy nhiên, những cáo buộc này là không có cơ sở.

Chương trình cải cách lần thứ nhất của J. Stalin nhằm phát triển nền tảng công nghệ và kinh tế - kỹ thuật của Liên Xô về cơ bản phù hợp với tư tưởng và quan điểm của V. Lenin về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Căn cứ vào lý luận của chủ nghĩa Mác về quy luật phát triển và thay đổi các hình thái kinh tế xã hội, V. Lenin cho rằng trong giai đoạn đầu sau Cách mạng Tháng Mười, chính quyền Xôviết cần phải xây dựng nền tảng công nghệ, công nghiệp và vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, khi những người cộng sản giành được chính quyền thì nước Nga vẫn chưa hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp, còn các nước tư bản phát triển trên thế giới đã hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai và đang chuẩn bị bước sang cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Do đó, những người cộng sản Nga sẽ phải tự mình tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp bằng cách kế thừa thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ hai ở các nước tư bản và sử dụng tiềm năng động viên vô tận của chế độ xã hội chủ nghĩa.

V. Lenin đề ra công thức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Nga: “Chủ nghĩa xã hội là chính quyền Xôviết cộng với điện khí hóa toàn quốc, cộng với trật tự đường sắt của Đức, cộng với nền kỹ thuật của Hoa Kỳ, cộng với cách tổ chức sản xuất và quản lý của các công ty tư bản, cộng với hệ thống giáo dục toàn dân của Hoa Kỳ”. Khi đề ra nhiệm vụ hiện đại hóa công nghệ và công nghiệp, V. Lenin hướng mục tiêu chung là xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật để thực hiện đề án xây dựng chủ nghĩa cộng sản trong tương lai, đồng thời xây dựng nền tảng kỹ thuật quân sự để bảo đảm quốc phòng cho nước Nga Xôviết trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đang thực thi chiến lược bao vây và can thiệp vào chủ quyền của nước Nga. Để bảo vệ quốc gia chống lại chiến tranh xâm lược và giúp đỡ quân sự cho “các nước anh em cùng giai cấp”, nhất thiết phải xây dựng một quân đội mạnh và một nền công nghiệp mạnh.

Thực hiện chương trình cải cách trong giai đoạn mới, J. Stalin hiện thực hóa tư tưởng của V. Lenin về kế thừa các thành tựu kỹ thuật và quản lý của chủ nghĩa tư bản nhà nước độc quyền. Tiếp thu tư tưởng của V. Lenin, J. Stalin nhận định: “Nước Nga lạc hậu so với các nước tiên tiến trên thế giới khoảng 50 - 100 năm. Chúng ta cần phải vượt qua khoảng cách này trong 10 năm. Hoặc là chúng ta làm được điều đó, hoặc chúng ta sẽ bị thất bại”.

Phát biếu tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Liên Xô, J. Stalin nói: “Chúng ta phải đưa Liên Xô trở thành một quốc gia tự chủ về kinh tế và độc lập dựa vào thị trường trong nước… Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế để nước ta không biến thành một bộ phận phụ thuộc của hệ thống tư bản thế giới, để nước ta không trở thành một bộ phận của dây chuyền sản xuất của chủ nghĩa tư bản với tư cách là xí nghiệp con mà là một đơn vị kinh tế độc lập trên cơ sở liên kết giữa công nghiệp với kinh tế nông nghiệp nước ta". Đại hội lần thứ XVI của Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua nghị quyết về kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928-1933) về đẩy nhanh sự phát triển kinh tế với nhịp độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp hàng năm dự kiến là 25%.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm phát triển những lĩnh vực cơ bản của nền kinh tế là công nghiệp luyện kim, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế tạo máy. Nền tảng công nghiệp này là cơ sở kỹ thuật để phát triển kinh tế và chế tạo vũ khí trang bị cho Hồng quân. Chương trình công nghiệp hóa của J.Stalin khác căn bản với con đường công nghiệp hóa của các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Trong khi họ trước hết tập trung phát triển công nghiệp nhẹ thì Liên Xô lại phải ưu tiên phát triển công nghiệp nặng.

Trong bài viết với tựa đề “Kỷ nguyên J. Stalin: Những con số, sự kiện và kết luận”, G.A. Zyuganov - Chủ tịch Đảng cộng sản Nga, đã trích dẫn những số liệu chính thức của chính phủ Liên Xô trước đây về công cuộc cải cách vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới trong những năm J. Stalin trên cương vị là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Theo G.A. Zyuganov, trong những năm 1930-1933, những quốc gia tư bản phát triển hàng đầu trên thế giới như Hoa, Anh và Đức đều không đạt được chỉ tiêu sản lượng công nghiệp của năm 1929. Tính trung bình, sản lượng công nghiệp của những quốc gia này bị sụt giảm 25%. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Liên Xô vào năm 1933 tăng gấp 2 lần so với năm 1929. Một mốc thời gian nữa cần so sánh là năm 1913-thời điểm trước khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Số liệu thống kế chứng tỏ, các nước Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức mặc dù không phải trải qua nhiều khó khăn do nội chiến như Nga nhưng trong 20 năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất sản lượng công nghiệp của họ vào năm 1929 và 1933 không tăng, hoặc tăng không đáng kể so với mức sản lượng công nghiệp của năm 1913 (sản lượng công nghiệp của Anh và Đức không tăng, còn của Hoa Kỳ tăng 110,2%, của Pháp tăng 107,6%). Trong khi đó, Liên Xô tuy phải trải qua những năm nội chiến sau Cách mạng Tháng Mười nhưng sản lượng công nghiệp so với trước Chiến tranh thế giới thứ nhất vẫn tăng 4 lần. Một trong những nguyên nhân tạo ra động lực tăng trưởng công nghiệp của Liên Xô chính là số lượng các phát minh, sáng chế và sáng kiến hợp lý hóa sản xuất tăng đột biến trong những năm sau Cách mạng Tháng Mười.

Theo G.A. Zyuganov, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1928-1932) là sự kế tục và phát triển kế hoạch dài hạn của Liên Xô theo Chương trình quốc gia điện khí hóa toàn quốc với tổng đầu tư 7,8 tỷ rúp, lớn 2 hai lần so với tổng đầu tư của 11 năm trước đó (1918-1929). Trong đó, 50% đầu tư được dùng để phát triển công nghiệp, chủ yếu là phát triển công nghiệp nặng. Kết quả, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã được hoàn thành trước thời hạn (4 năm 3 tháng), trong đó Liên Xô đã xây dựng được nền công nghiệp nặng với kỹ thuật tiên tiến với 1.500 xí nghiệp, chủ yếu là loại lớn và hiện đại. Giá trị tổng sản phẩm công nghiệp tăng 2 lần, trong đó công nghiệp nặng tăng 2,7 lần. Phát triển được những ngành công nghiệp mới như sản xuất máy kéo, ô tô, máy bay, máy liên hợp, đầu máy chạy điện, sản xuất cao su nhân tạo, tơ tổng hợp và chất dẻo. Nền công nghiệp Liên Xô lúc này có khả năng trang bị kỹ thuật mới không chỉ trong công nghiệp mà cả trong các ngành giao thông vận tải, xây dựng và nông nghiệp./.

(Còn tiếp)