Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 của Liên Xô (1933-1937) đạt kết quả rất ấn tượng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó, sản lượng công nghiệp của Liên Xô tăng 2,2 lần; công suất điện năng tăng 2,7 lần; 80% sản phẩm công nghiệp được chế tạo ở các xí nghiệp mới được xây dựng trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và lần thứ hai. Năng suất lao động trong công nghiệp của Liên Xô tăng 1,9 lần. Liên Xô đưa vào hoạt động 4.500 xí nghiệp công nghiệp lớn. Đặc biệt là, năm 1935, Liên Xô đưa vào hoạt động hệ thống tàu điện ngầm ở Moscov-một công trình xây dựng và kiến trúc vĩ đại, là niềm tự hào của người dân Xôviết trước đây của nước Nga hiện nay. Đó là chưa kể hàng nghìn công trình văn hóa - xã hội được xây dựng mới.
Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1938-1942) đề ra nhiệm vụ đuổi kịp và vượt qua các nước tư bản tiên tiến về mặt kỹ thuật và kinh tế. Dự tính đến cuối năm 1942 so với năm 1937 sẽ tăng sản lượng công nghiệp lên 88%, nông nghiệp tăng 52%. Tuy nhiên, trong khi đang thực hiện kế hoạch này, Liên Xô phải tiến hành cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945).
Đồng thời với chương trình cải cách trong lĩnh vực công nghiệp, J.Stalin còn tiến hành cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Để khắc phục tính chất manh mún trong nông nghiệp, J. Stalin chủ trương tiến hành tập thể hóa nông nghiệp ở nông thôn nhằm xóa bỏ sở hữu tư nhân ruộng đất và biến nền nông nghiệp từ sản xuất gia đình nhỏ lẻ thành nền sản xuất tập trung quy mô lớn và được hiện đại hóa dưới hình thức nông trường và nông trang để có thể áp dụng cơ giới hóa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, qua đó làm tăng năng suất và giảm chi phí nhờ lợi thế quy mô.
Thực hiện chủ trương đó, Đại hội lần thứ XV của Đảng Cộng sản Liên Xô trong tháng 12/1927 thông qua Nghị quyết đặc biệt về chủ trương tập thể hóa. Trong đó, xác định các nhiệm vụ: (i) tạo ra các "nhà máy sản xuất ngũ cốc và thịt"; (ii) cung cấp các điều kiện cần thiết để sử dụng máy móc, phân bón, các phương pháp sản xuất nông nghiệp và công nghệ mới nhất; (iii) giải phóng sức lao động cho các dự án xây dựng công nghiệp hóa; (iv) xóa bỏ sự phân chia nông dân thành các tầng lớp cố nông, bần nông, trung nông và địa chủ. Ngoài ra, Chính phủ Liên Xô còn ban hành Đạo luật về các nguyên tắc chung trong sử dụng đất và quản lý đất đai, theo đó nhà nước phân bổ khoản ngân sách lớn để tài trợ cho các trang trại tập thể.
Thực hiện chủ trương tập thể hóa, nông thôn Liên Xô đã có những biến đổi to lớn. Nông nghiệp Liên Xô đã cơ bản được cơ giới hóa. Trong đó, đến năm 1938, sản xuất và đưa vào sử dụng 483.500 máy kéo, 153.500 máy gặt đập liên hợp, xây dựng mới hơn 1.200 trạm cơ giới kỹ thuật. Các nông trường và nông trang cỡ lớn được cơ giới hóa thay thế hoạt đông canh tác thủ công trên các mảnh ruộng nhỏ.
Ngay từ đầu những năm 1930, J.Stalin nhận định rằng Chiến tranh thế giới thứ hai sắp nổ ra và Liên Xô sẽ bị tiêu diệt nếu không có nền công nghiệp đủ mạnh. Ông nói: "Hiệp ước hòa bình Versailles kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất không có gì hơn một lệnh ngừng bắn giữa hai cuộc chiến tranh".
J. Stalin nắm rất rõ diễn biến tình hình chính trị thế giới vào đầu những năm 1930, trong đó các tập đoàn tài phiệt ở Hoa Kỳ và Anh tập trung đầu tư cho nước Đức quốc xã, chuẩn bị sử dụng bộ máy quân sự và chính trị do Hitler đứng đầu để phát động Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm tiêu diệt Liên Xô. Vì vậy, chính sách công nghiệp hóa quyết liệt và kỷ luật lao động nghiêm ngặt mà Chính phủ Liên Xô do J. Stalin đứng đầu đề ra là điều cần thiết trong bối cảnh đó. Để hoàn thành các kế hoạch 5 năm, Chính phủ Liên Xô đề ra kỷ luật lao động nghiêm khắc đối với công nhân công nghiệp và các định mức sản lượng cao. Theo đó, việc không hoàn thành định mức có thể dẫn đến trách nhiệm cá nhân.
Chương trình cái cách của J. Stalin đã tạo ra sự phát triển đột phá cho nền công nghiệp và kinh tế Nga. Tới trước Chiến tranh thế giới thứ hai, từ xuất phát điểm là Đế chế Nga đang trải qua nền sản xuất lạc hậu với tổng sản lượng công nghiệp chỉ đứng thứ 6 thế giới (năm 1917), Liên Xô đã vươn lên trở thành cường quốc công nghiệp thứ 2 thế giới và đứng đầu châu Âu, vượt qua Anh, Pháp, Đức và chỉ đứng sau Mỹ.
Sản lượng công nghiệp của Liên Xô năm 1937 tăng gấp 4,5 lần so với năm 1927 và tăng gần gấp 10 lần so với năm 1917. Sản lượng nông nghiệp tăng 2 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 3 lần so với 1927. Nạn mù chữ vốn chiếm gần 90% dân số Nga năm 1917, sau 20 năm đã cơ bản được giải quyết thành công. Sản xuất quốc phòng tăng 2,8 lần chỉ sau 5 năm, vũ khí trang bị và trình độ cơ giới hóa cho quân đội Liên Xô đạt mức tương đương với các cường quốc khác trên thế giới.
Xe tăng T-34 của Liên Xô- sản phẩm của nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô và là nỗi khiếp đảm đối với phát xít Đức trong Thế chiến II (Ảnh: TASS) |
Nếu tính tổng sản lượng công nghiệp năm 1913 là 100%, thì các chỉ số tương ứng trong năm 1938 của Pháp là 93,2%; của Anh 113,3%; của Mỹ 120%, của Đức 131,6%; còn của Liên Xô là 908%, nghĩa là tăng gấp 9 lần! Năm 1940, GDP của Liên Xô đứng vị trí số 2 thế giới, vượt qua Anh, Pháp, Italy, Đức, Nhật Bản và chỉ đứng sau Mỹ.
Trong lịch sử, Anh cần 200 năm để trở thành một nước công nghiệp, Hoa Kỳ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm. Trong khi đó, Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa. Đây là tốc độ công nghiệp hóa phi thường và nhanh nhất trong lịch sử thế giới. Trong một khoảng thời gian chỉ hơn hai thập niên, cơ sở kỹ thuật và công nghiệp của Liên Xô phát triển nhảy vọt từ trình độ thế kỷ XVI lên trình độ thế kỷ XX. Thành công của Liên Xô trong thời kỳ công nghiệp hóa do J. Stalin lãnh đạo đã tạo ra ảnh hưởng chính trị trên thế giới. Tháng 07/1934, nhà văn Anh Herbert George Wells nói với Stalin: "Bây giờ các nhà tư bản nên học hỏi các ông để lĩnh hội tinh thần chủ nghĩa xã hội".
Trong những năm chiến tranh (1941-1945), trung bình mỗi năm Liên Xô chế tạo được 27.000 máy bay chiến đấu, 23.774 xe tăng và pháo tự hành, 24.442 khẩu pháo (từ 76mm trở lên). Để so sánh, Đức sản xuất 19.700 máy bay chiến đấu, 13.400 xe tăng và pháo tự hành, 11.200 khẩu pháo. Nhờ sản lượng vũ khí khổng lồ, sau chiến tranh, Liên Xô đã có trong tay một lực lượng lục quân mạnh nhất thế giới với 11 triệu người, được trang bị 40.000 xe tăng và pháo tự hành và hơn 100.000 khẩu pháo các loại. Nhiều loại vũ khí như xe tăng T-34, pháo Kachiusa... được coi là “vũ khí huyền thoại” trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Dàn pháo phản lực bắn loạt huyền thoại Kachiusa- sản phẩm của nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô, dội bão lửa xuống quân Đức trong Thế chiến II (Ảnh TASS) |
Ngay trong những ngày đầu Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Liên Xô phải tiến hành một cuộc di chuyển sơ tán chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thế giới cho hàng triệu người và xí nghiệp công nghiệp về phía Đông.
Tính từ tháng 7 đến 12/1941, Liên Xô phải sơ tán 2.600 xí nghiệp, 10 triệu người theo đường sắt và 2 triệu người theo đường biển. Liên Xô đã phải gánh chịu sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh. Trong đó, phát xít Đức đã phá hủy 1.710 thành phố và thị trấn, hơn 70.000 ngôi làng, hơn 6 triệu ngôi nhà, hơn 65.000 km đường sắt, 4.110 nhà ga đường sắt, 36.000 trạm bưu điện, 31.850 xí nghiệp công nghiệp, trong đó có các nhà máy luyện kim tạo ra khoảng 60% sản lượng thép, 60% khối lượng than đã được khai thác. Hàng nghìn nông trường và nông trang bị cướp bóc. Ngoài ra, phát xít Đức còn phá hủy 40.000 bệnh viện và trạm y tế, 84.000 trường học và viện nghiên cứu khoa học, 43.000 thư viện.
Sau chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của J.Stalin, Liên Xô đã hoàn thành công cuộc khôi phục vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Trong những năm 1946-1950, Liên Xô hoàn toàn khôi phục tiềm lực sản xuất. So với năm 1940, sản lượng công nghiệp của Liên Xô trong năm 1950 tăng 73%. Trong những năm kế hoạch 5 năm lần thứ tư, Liên Xô đã phục hồi và xây dựng mới 6.200 xí nghiệp công nghiệp lớn. Đặc biệt, Liên Xô đã thực hiện các biện pháp trên phạm vi toàn quốc để khôi phục và nâng cao đời sống của người dân. Trong đó, đã xây dựng mới 100 triệu m2 nhà ở, 2.700.000 ngôi nhà ở nông thôn.
Chỉ 2 năm sau chiến tranh, vào năm 1947 Liên Xô đã hoàn toàn đáp ứng được lương thực, thực phẩm, hàng hóa nông nghiệp và bãi bỏ hoàn toàn chế độ phân phối theo tem phiếu. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ một quốc gia lạc hậu về mọi phương diện so với các nước tiên tiến trên thế giới, Liên Xô đã vươn lên và trở thành cường quốc công nghiệp, sánh ngang với nhiều nước trên thế giới trong nhiều lĩnh vực. Liên Xô không chỉ là một cường quốc công nghiệp mà còn là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, san bằng ưu thế quân sự với Mỹ, trong đó có ưu thế vũ khí hạt nhân, trở thành trụ cột của nền hòa bình và an ninh quốc tế.
Đến cuối năm 1949, đầu những năm 1950, trong bối cảnh quốc tế sau chiến tranh, J. Stalin nhận thấy những hạn chế và khiếm khuyết của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở Liên Xô và đưa ra chủ trương tổ chức các cuộc thảo luận rộng rãi trên toàn liên bang về lợi ích của phương pháp hạch toán kinh tế theo cơ chế thị trường để triển khai rộng rãi phương pháp này trong thực tế.
Trong tác phẩm cuối cùng của mình có tiêu đề Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô (năm 1952), J. Stalin phân tích những hạn chế của chính sách quốc hữu hóa mọi ngành nghề và xí nghiệp. Theo ông, việc chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước không phải là hình thức quốc hữu hóa duy nhất, ngược lại có thể chấp nhận quyền sở hữu tư nhân, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên cơ sở kết quả các cuộc thảo luận đó, trong những năm 1951-1953, một số xí nghiệp của Liên Xô bắt đầu thử nghiệm các phương thức quản lý theo cơ chế hạch toán kinh tế theo cơ chế thị trường, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp. Cái chết bất ngờ và bí ẩn của J. Stalin đã làm gián đoạn quá trình cải cách do ông đề xướng.
Cũng trong thời gian đó, phương pháp quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường đã từng được nghiên cứu vận dụng ở Trung Quốc, tạo cơ sở cho chính sách cải cách sau này của Đặng Tiểu Bình. Những nguyên tắc cơ bản về xây dựng chủ nghĩa xã hội của V. Lênin và J. Stalin đã được Trung Quốc vận dụng trong quá trình cải cách và hoàn thành một kỳ tích khác về công nghiệp hóa. Các chuyên gia kinh tế ở Trung Quốc cho rằng, thành công của Trung Quốc một phần quan trọng là kế thừa kinh nghiệm cải cách của J. Stalin. Vì thế, chính phủ Trung Quốc không cho phép bất kỳ ai xuyên tạc vai trò J. Stalin trong lịch sử thế giới. Vì thế, Tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Trung Quốc đã bị lên án kịch liệt và bị người dân địa phương xua đuổi khi người này đưa ra những nhận xét tiêu cực về J. Stalin tại một cuộc triển lãm ở Bắc Kinh./.