Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, do những phức tạp trong quan hệ giữa các nước trong khối XHCN, Việt Nam khẳng định đường lối chính trị độc lập, tự chủ, không phụ thuộc, đã duy trì mối quan hệ chính trị bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào nội bộ của nhau với các nước trong khối XHCN.
Trong bầu không khí đối ngoại chính trị căng thẳng sau chiến tranh khốc liệt, Việt Nam nhanh chóng xác định được thực chất những vấn đề phức tạp đang nảy sinh trong quan hệ quốc tế và xác định rõ Liên bang Xô Viết là người bạn chung thủy và đáng tin cậy nhất trong giai đoạn này.
Nhưng Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ bình đẳng về ngoại giao với hai nước lớn trong khối XHCN đến trước năm 1979. Trước chiến lược chi phối toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương và những âm mưu đầy tham vọng của láng giềng Trung Quốc và nhằm thực hiện sách lược đã nêu, buộc nhà nước Việt Nam phải tiến hành những bước đi vững chắc nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, một trong những bước đi kiên quyết đó là gắn kết với Liên Xô trong một mối quan hệ đoàn kết hữu nghị trên tầm chiến lược.
Vào rạng sáng ngày 17.2.1979, quân đội Trung Quốc, sau hàng loạt những hành động khiêu khích, đã tiến hành cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.
Trước khi nổ ra cuộc chiến một thời gian, ngày 29.6.1978 Việt Nam đã gia nhập CMEA. Ngày 3.11.1978 tại Mowcow, đại diện nhà nước Liên bang Xô Viết và Việt Nam đã ký kết Hiệp ước hữu nghị Xô-Việt.
Ngoài các điều kiện tiêu chuẩn của hiệp ước về hợp tác thương mại và văn hóa, hiệp ước có được những vấn đề quan trọng về quốc phòng như một hiệp ước về "phòng thủ chung" có nghĩa là "tham khảo ý kiến chung và hành động hiệu quả để đảm bảo an ninh quốc phòng của cả hai nước."
Nhưng dấu hiệu của sự gia tăng của hợp tác Xô-Việt trở thành hiện thực vào mùa hè năm 1978, trong bối cảnh mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Việt Nam với nước láng giềng. Theo các nguồn tin chính thức của Hoa Kỳ vào tháng 8.1978, Việt Nam có 4.000 cố vấn và chuyên gia Liên Xô và đến giữa năm 1979 con số đã tăng lên đến 5.000-8.000.
Tháng 9.1978, Liên Xô bắt đầu thực hiện việc cung cấp vũ khí mới (máy bay, tên lửa phòng không, xe tăng và vũ khí, đạn dược, cơ sở vật chất phục vụ chiến tranh) cho Việt Nam bằng đường hàng không và đường biển.
Cũng vào thời điểm đó, quan hệ Xô – Trung trở nên vô cùng căng thẳng và có rất nhiều trở ngại lớn. Ngày 1.11.1977, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung quốc, tờ Nhân dân nhật báo trong một bài xã luận đã gọi Liên Xô như một kẻ thù nguy hiểm nhất của Trung Quốc, đồng thời coi Mỹ như là một đồng minh.
Ngày 26.4.1978. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu bổ sung thêm vào điều kiện công nhận sự tồn tại các vấn đề tranh chấp khu vực trên biên giới Trung-Xô.
Trung Quốc đòi quân đội Liên Xô phải hoàn toàn triệt thoái khỏi Mông Cổ, đồng thời giảm số lượng các lực lượng vũ trang trên suốt tuyến biên giới Trung-Xô.
Đáp trả lại yêu cầu ngang ngược của Bắc Kinh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev, vào đầu tháng 4.1978, khi đi thăm Siberia và Hạm đội Thái Bình Dương, đã tuyên bố rằng sẽ triển khai trên tuyến biên giới các hệ thống vũ khí mới, ngoài những hệ thống vũ khí trang bị hiện đại đã có sẵn trên biên giới Trung-Xô.
Các loại vũ khí mới này, theo tuyên bố của Leonid Brezhnev có khả năng đảm bảo an ninh biên giới cho Liên bang Xô Viết và các nước đồng minh, chống lại mọi âm mưu xâm lược của thế lực nước ngoài.
Thế lực nào thì Brezhnev không nêu rõ, nhưng tất cả đều đã rõ ràng. Bổ sung thêm vào lời tuyên bố của Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, ngày 12.4.1978. Ulan Bator cũng công khai bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc, tuyên bố rằng lực lượng quân đội Liên Xô được tăng cường và triển khai dọc đường biên Mông Cổ - Trung Quốc là theo yêu cầu của Mông Cổ nhằm đáp trả việc tăng cường lực lượng của PLA trên biên giới.
Tình hình ngày càng trở lên phức tạp. Tháng 5.1979 trên biên giới Xô Trung đã xảy ra một vụ xung đột nghiêm trọng lớn tính từ năm 1969. Xung đột đã lôi kéo sự tham gia của cả máy bay trực thăng chiến đấu. Ngược lại, Liên bang Xô Viết cũng tăng cường áp lực lên Trung Quốc với mục đích đạt được sự kéo dài Hiệp định Xô – Trung có giới hạn 30 năm về quan hệ Liên minh, Hợp tác hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau, được ký vào ngày 14.2.1950.
15.2.1979 là ngày đầu tiên sau 30 năm Hiệp ước Xô - Trung về Liên minh, hợp tác hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau hết hiệu lực. Trung Quốc chính thức bước ra khỏi sự ràng buộc của Hiệp định này.
Ngày 16.2.1979, Đặng Tiểu Bình tuyên bố với Moscow về khả năng sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên bang Xô Viết. Dọc tuyến biên giới Xô - Trung đã tập trung khoảng 1,5 triệu quân PLA trên tổng số quân thường trực chiến đấu là 3,6 triệu người. Ở chiều ngược lại, trên tuyến biên giới quân đội Liên Xô đã triển khai hơn 40 sư đoàn.
Sáng sớm ngày 17.2.1979, các cuộc tấn công đã đồng loạt diễn ra tại 26 điểm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc dài 1460 km của Việt Nam.
Ngày 19.2 các phương tiện thông tin công bố bản "Tuyên bố của Chính phủ Liên Xô" thứ nhất. Trong có đoạn viết: “Nhân dân Việt Nam anh hùng lại một lần nữa trở thành nạn nhân của một cuộc chiến tranh xâm lược mới, nhưng quân và dân Việt Nam có đủ sức mạnh và ý chí để đánh bại kẻ thù xâm lược, hơn nữa, nhân dân Việt Nam có những người bạn thủy chung và là chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Liên bang Xô Viết sẽ thực hiện đầy đủ những điều khoản cam kết được ghi trong Hiệp ước hợp tác hữu nghị toàn diện và giúp đỡ lẫn nhau giữa Liên Xô và Việt Nam. Liên bang Xô Viết kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa chống nhân dân Việt Nam và lập tức rút quân khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Trước thực tế nhân dân Việt Nam một lần nữa phải chịu đựng những tổn thất, mất mát tàn khốc của chiến tranh xâm lược, Liên Xô hoàn toàn không có ý định bỏ qua những trách nhiệm đã được cam kết.
Tại Việt Nam, các chuyên gia và cố vấn lập tức tham gia vào những hoạt động quân sự cùng với những người đồng chí Việt Nam. Từ phía Liên Xô, các lực lượng cố vấn và chuyên gia quân sự được tăng cường. Một cầu hàng không được thiết lập từ Liên Xô đến Việt Nam. Ngày 19.2.1979, một đội chuyên gia kỹ chiến thuật binh chủng và cố vấn quân sự của tất cả các quân binh chủng đứng đầu là đại tướng G.Obaturovym.
Đội chuyên gia và cố vấn có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ và cố vấn cho các cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam trong tình huống phức tạp của chiến trường.
Nhóm chuyên gia của Trung tướng M.Vorobevy nhận nhiệm vụ cố vấn cho bộ tư lệnh lực lượng Phòng không – Không quân. Đại tướng G.Obaturovym làm cố vấn cho Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Việt Nam Lê Trọng Tấn và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Văn Tiến Dũng đã tiến hành đồng thời nghiên cứu chi tiết tình hình.
Sau chuyến đi khẩn cấp thị sát chiến trường. Bộ tổng tham mưu đã đề xuất lãnh đạo cho phép điều động một quân đoàn từ Campuchia về hướng Lạng Sơn, điều động một tiểu đoàn pháo phản lực BM-21, vũ khí vừa được đưa sang từ Liên Xô.
Đồng thời tổ chức và huy động lại các đơn vị và các phân đội, biên chế lại một sư đoàn vừa rút ra khỏi vòng vây, tiến hành các hoạt động tác chiến vào sâu trong hậu phương địch.
Trong chiến thắng của quân và dân Việt Nam năm 1979, có sự đóng góp không nhỏ của các cố vấn, chuyên gia kỹ thuật quân binh chủng và một bộ phận các cán bộ chiến sĩ quân đội Liên Xô. Các phi công của phi đoàn máy bay vận tải An- 12 đã tiến hành không vận toàn bộ một quân đoàn từ Campuchia về Lạng Sơn.
Hoạt động đặc biệt năng động và sáng tạo là lực lượng chuyên gia thông tin liên lạc của đoàn cố vấn (biên chế có 120 người từ năm 1978 và 68 người được đưa sang ngay khi cuộc xung đột nổ ra), một bộ phận thông tin liên lạc đi cùng với các cố vấn chiến trường, thực hiện nhiệm vụ ngay trong vùng chiến sự.
Tháng 3/1979, đoàn cố vấn quân sự Liên Xô chịu một tổn thất không nhỏ, chiếc máy bay của hàng không Việt Nam An-24 khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng đã gặp phải sự cố, 6 phi công – huấn luyện viên và thiếu tướng không quân Malyh hy sinh.
Liên Xô đồng thời cũng tiến hành những hoạt động nhằm chấm dứt chiến tranh tại Liên Hiệp Quốc, đại diện chính thức của Liên bang Xô Viết đưa ra yêu cầu đòi xét xử kẻ xâm lược.
Ngày 22.2/1979, Tùy viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam cảnh cáo “Liên bang Xô Viết sẽ thực hiện những điều khoản đã ký kết Trong Hiệp định hợp tác, đoàn kết hữu nghị và tương trợ lẫn nhau (trong cả lĩnh vực quân sự) đã được ký với Việt Nam. Nhưng thời điểm đó, xung đột vẫn có thể giới hạn được, Liên Xô cũng không muốn có một cuộc chiến tranh lớn.
Phía Trung Quốc, khi phát động chiến tranh xâm lược cũng đã bị cảnh báo trước một điều đã rõ ràng, nếu quân đội của họ không rút khỏi Việt Nam, họ sẽ phải chiến đấu trên hai mặt trận.
Tờ thời báo “Times” vào tháng 3.1979 đã viết: “Cho đến khi quân đội Việt Nam vẫn giữ vững mặt trận, Liên Xô tiến hành cuộc chiến tranh trên mặt trận tuyên truyền. Nguy hiểm nằm ở chỗ, nếu nước láng giềng tiếp tục chiến tranh, tấn công Hà Nội và Hải Phòng, hoặc duy trì quân đội của mình trên vùng đất chiếm được. Liên Xô, để thể hiện sự kiên quyết và sức mạnh trước toàn thế giới, giữ lời cam kết với đồng minh, tham gia giải quyết xung đột.
Trong trường hợp này, những hành động quân sự nào Liên Xô sẽ thực hiện trong thời điểm ban đầu? Các chuyên gia quân sự cho rằng, có quá nhiều sự lựa chọn hiệu quả. Liên Xô có thể tiếp tục tăng cường và tăng cường hơn nữa viện trợ quân sự cho Việt Nam, tăng cường hơn nữa cố vấn và các chuyên gia quân sự hoặc trực tiếp tiến hành các hành động vũ trang.
Viễn cảnh đáng lo ngại nhất là những hành động quân sự mà Liên Xô có thể triển khai trên chiều dài 4.500 km đường biên giới Xô - Trung, nơi có 44 sư đoàn sẵn sàng chiến đấu đang đóng quân. Quân đội Liên Xô có thể xuất hiện trên vùng đồng bằng tuyết phủ của Tân Cương, có khả năng tấn công vào Mãn Châu - trung tâm công nghiệp nặng của Trung Quốc.
Nhưng mục tiêu xa hơn cho "ngày tận thế" - theo cách gọi của các chuyên gia - là mục tiêu các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc ở vùng hồ muối Lop Nor (mục tiêu này dường như thích hợp hơn cả trong sự đánh giá của quân đội Liên Xô)" .
Bản tuyên bố của Liên bang Xô Viết lập tức gắn liền cùng với hành động biểu dương sức mạnh. Các đơn vị tên lửa chiến thuật, các sư đoàn đang đóng quân dọc biên giới Xô – Trung đều được chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu số 1.
Tập đoàn quân có trong biên chế 250.000 quân nhân với sự yểm trợ của không quân chiến thuật bắt đầu tập trung triển khai lực lượng dọc các tuyến biên giới. Những ý đồ tác chiến thật sự được ông Eugene, lúc đó là đại đội trưởng đại đội 8 Trung đoàn lính thủy đánh bộ số 390 miêu tả lại: Vào tháng 2-3.1979, đã triển khai và biên chế trung đoàn 390 Lính thủy đánh bộ thuộc biên chế sư đoàn 55 Lính thủy đánh bộ trong trạng thái có chiến tranh, gắn liền với sự kiện tấn công Việt Nam.
Sư đoàn đã thực hiện nhiệm vụ diễn tập chiến thuật trên biên giới với Trung Quốc trong đó có nội dung đổ bộ đường biển, tiến hành các cuộc diễn tập cấp tiểu đoàn có sử dụng đạn thật.
Đối với Trung Quốc, điều đó hoàn toàn không bất ngờ, thực tế, người Trung Quốc không hề muốn thử nghiệm tính nghiêm túc của sự việc đang diễn ra và những ý đồ tác chiến của quân đội Liên Xô. Tránh đối đầu, Trung Quốc đã tự cho rằng, mục đích cuộc chiến tranh đã đạt được. Ngày 5.3.1979, Bắc Kinh tuyên bố rút quân hoàn toàn.
Rất nhiều ý kiến, khi đánh giá cuộc chiến tranh biên giới đã khẳng định, PLA trong lĩnh vực tác chiến trên thực tế chiến trường đã phơi bày những điểm yếu của mình, đồng thời cũng nói nhiều về chiến thắng của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao đối với Liên Xô.
Không ít ý kiến chỉ trích dường như Liên Xô đã không giúp đỡ được đồng minh của mình, CCCP trên thực tế chỉ là “chú gấu trắng bằng giấy”, những suy diễn này chủ yếu dựa trên cơ sở thực tế, tại sao Liên Xô không tấn công vào biên giới của Trung Quốc, nhưng rõ ràng những suy luận đó thuần túy mang tính cực đoan.
Trên thực tế, một phần nhờ lập trường kiên quyết và cứng rắn của Liên Xô cùng với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và năng lực chiến đấu mạnh mẽ của quân đội và nhân dân Việt Nam đã chặn đứng âm mưu tiến hành cuộc xung đột biên giới kéo dài, buộc kẻ địch phải rút quân mà không đạt được những mục đích đề ra.
Quân đội Việt Nam tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng một đất nước Campuchia dân chủ. Mục đích xóa bỏ những vùng đất thuộc Liên bang Xô Viết trên tuyến biên giới Trung – Xô và khẳng định vị thế của Trung Quốc ở châu Á không thành công.
Ngoài ra, Việt Nam đã triển khai hàng loạt những hoạt động ngoại giao trên trường thế giới nhằm phá thế bao vây cô lập và đã giành được sự ủng hộ nhất định. Liên bang Xô Viết, từ cuộc phiên lưu chiến tranh biên giới của Trung Quốc đã mở rộng sự hiển diện quân sự của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xây dựng các căn cứ quân sự và tăng cường viện trợ cho các đồng minh của mình.
Hải quân Liên Xô uy hiếp ngoài Biển Đông
Hạm đội Thái Bình dương cũng không đứng ngoài những sự kiện đang diễn ra trên biên giới Việt – Trung và đã đóng góp một phần không nhỏ vào nhiệm vụ quốc tế vô sản.
Ngay sau khí cuộc xung đột nổ ra trên biên giới Việt Trung, tại Liên Xô đã diễn ra các cuộc mit tinh, lên án cuộc chiến tranh biên giới do Trung Quốc tiến hành, các thủ thủ của tuần dương hạm tên lửa "Vladivostok" đã giận dữ lên án cuộc chiến tranh đồng thời phát biểu ủng hộ “Tuyên bố của Liên bang Xô viết” các thủy thủ đã khẳng định, thủy thủ đoàn sẽ duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, thực hiện mọi nhiệm vụ mà Nhà nước Liên Xô giao phó.
Rất nhanh chóng, tinh thần quốc tế vô sản của các thủy thủ được thể hiện bằng nhiệm vụ thực tế được giao. Nửa đầu tháng 3, tuần dương tên lửa "Vladivostok" được lệnh nhổ neo ra khơi, bắt đầu một chuyến hải hành thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Sớm hơn nữa, vào đầu tháng 2, khi tình hình đã rõ ràng, khả năng xảy ra xung đột vũ trang là rất lớn, các tàu ngầm của hạm đội Thái bình dương bắt đầu triển khai lực lượng.
Thuyền trưởng tàu “B-88” Fedor Gnatusin nhớ lại: "Vào đầu năm 1979, chúng tôi được nghỉ ngơi. Tàu được đưa vào sửa chữa định kỳ tại xưởng, khi đó nổ ra cuộc chiến tranh không thể hiểu nổi giữa hai nhà nước XHCN ở châu Á. Sau đó một tuần, chúng tôi được lệnh ra khơi từ nhà máy sửa chữa.
Nhanh chóng nhận nhiệm vụ, thủy thủ đoàn đưa thủy lôi và ngư lôi vào khoang vũ khí, tuần tiếp theo - chúng tôi tiếp nhận, đưa lên tàu và sắp xếp vào các khoang chứa chật cứng hàng tấn chất tái tạo, cơ số trang thiết bị vật chất đảm bảo, lương thực thực phẩm, các trang thiết bị trinh sát, thám sát và tìm kiếm mục tiêu…chúng tôi chuẩn bị hành quân ra chiến trường.
Tại các quân cảng Vladivostok, Nakhodka, Odessa đang diễn ra những hoạt động khẩn trương đưa hàng viện trợ quân sự xuống các đoàn vận tải quân sự cho một nước XHCN nhỏ bé ở Đông Nam Á.
Ngày mai, trên Biển Đông, các đoàn tàu vận tải hàng quân sự đó có thể gặp các thuyền nhỏ và các tàu cá mang thuốc nổ tấn công theo kiểu kamikaze (cảm tử), các khinh pháo hạm và các xuồng phóng lôi, các tàu hộ vệ và tàu khu trục của những “người anh em mãi mãi”, những chiếc tàu đó sẽ đối đầu cùng với các chiến hạm Xô viết, những chiếc xuồng cao tốc, tàu hộ vệ, khu trục hạm cùng dự án.
Chúng tôi, những tàu ngầm Xô viết, sẵn sàng chờ đón những chiến hạm của Hải quân Trung Quốc bằng hỏa lực và sự trừng phạt, nếu các chiến hạm của PLA hướng đến bờ biển của Việt Nam.
Chúng tôi không đơn độc. Từ Ulysses hành quân tới bờ biển của Việt Nam đã có 5 liên đội tàu. Cộng với các đội tàu đến từ Konyushko, Vanguard, Shell, Sovgavan, Magadan và Bicheva. Lực lượng của chúng tôi đầy đủ và đã sẵn sàng.
Các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình dương đang trong trạng thái trực sẵn sàng chiến đấu tại các khu vực hẹp của biển Hoa đông và Biển Đông.
Từ tháng 6.1978, sau những vụ xung đột liên tiếp xảy ra trên biên giới Việt-Trung, một cụm lực lượng công kích chủ lực bao gồm hai tàu tuần dương và hai tàu khu trục đã tiến hành một cuộc diễn tập ở eo biển Bashi giữa Đài Loan và Philippines.
Tháng 1 và 2.1979. tàu tuần dương và tàu khu trục của hạm đội đã hoạt động trong khu vực Biển Đông nhằm biểu dương lực lượng ủng hộ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Việt Nam ngay sau khi nhận được thông tin về ý đồ “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Khi chiến tranh biên giới nổ ra, các chiến hạm khác cũng được lệnh cơ động về tập kết trong khu vực cùng với 2 chiến hạm, tổ chức thành một tập đoàn lực lượng hải quân công kích mạnh, ngày 20.02 liên đoàn tàu có 13 chiến hạm Xô viết cùng hoạt động trên biển Đông, liên đoàn tàu chiến Liên Xô tiếp tục được tăng cường một cụm binh lực với kỳ hạm là tàu tuần dương "Đô đốc Senyavin."
Đến tháng 4.1979 đã có tới 30 chiến hạm hoạt động trên biển Đông. Gluhov Vladimir Efimov, đại úy hạng 2, thuyền trưởng tàu thủy văn Hạm đội nhớ lại: “Tôi lúc đó đã là tham mưu trưởng tiểu đoàn và được bổ nhiệm làm sĩ quan điều hành chính cho các tàu vận tải Xô Viết tiến vào các cảng Việt Nam.
Chuẩn bị cho chuyến hải hành chúng tôi chỉ có vài ngày, và chỉ sau năm ngày chúng tôi đã cập cảng Đà Nẵng. Nhiệm vụ được giao là: nhanh chóng thực hiện công tác bảo đảm kỹ thuật cho các chiến hạm Xô Viết cập các cảng của Việt Nam. Xác định độ sâu, hải trình cập cảng, dòng chảy và các nội dung khác…Kiểm tra và rà soát tất cả các cầu tàu.
Sau đó chúng tôi tiến vào quân cảng Cam Ranh, ở đó đã tổ chức một cơ sở đảm bảo hậu cần kỹ thuật Hải quân. Mọi công việc được hoàn thành trong vòng một tháng, và chúng tôi đã sẵn sàng chờ đợi liên đoàn chiến hạm của Hạm đội Thái Bình dương cập cảng.
Ở Cam Ranh rất lộng gió, khí hậu nóng và biển cũng rất nóng, các chàng lính thủy tầu ngầm, khi mô tả cảm giác của mình, tưởng tượng như đang bơi trong một nồi nước sôi vậy. Tôi cho rằng, bằng những hành động kiên quyết và mạnh mẽ của lực lượng Hải quân Xô viết, cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc mới trở thành một cuộc xung đột vũ trang có giới hạn”.
Các chiến hạm của Hạm đội Thái Bình Dương hoàn toàn không chỉ có dự kiến biểu dương lực lượng, Gluhov Vladimir Efimov khẳng định: “..nếu PLA mở rộng chiến tranh, chiến hạm Thái Bình Dương sẽ tiến vào Vịnh Bắc bộ. Khi đó, tên lửa đã lên bệ phóng và mọi chuyện đều có thể.. Ơn trời, chuyện đó đã không xảy ra”
Tàu quét mìn Tral, mã số nhà máy S-66, số hiệu theo biên chế 53118. Số hiệu mạn tầu 301. Tham gia chiến dịch bảo vệ hành lang vận tải biển trên Biển Đông , 01 – 04.1979
Ảnh kỷ niệm của Hải quân Liên xô – Việt nam trên tầu quét mìn Tral
Cụm chiến hạm Xô viết có mặt trên Vịnh Bắc bộ đến tận tháng 4.1979. Những hoạt động sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Thái Bình dương đã gây một sức ép nặng nề, buộc các chiến hạm của Hạm đội Nam Hải không dám tham gia cuộc tấn công, mặc dù có tới 300 tàu chiến các loại, một số lớn trong chúng là các tàu tuần biển hạng nhẹ.
Ngoài ra, các chiến hạm Xô viết còn bảo vệ an toàn tuyến vận tải biển chở hàng viện trợ vào Việt Nam, mặc dù Hải Phòng chỉ cách phòng tuyến chiến đấu từ 100 – 200 km, thường xuyên có từ 5 đến 6 tàu vận tải Liên Xô bốc dỡ hàng quân sự, trong đó có cả các đài radars và tên lửa.
Đồng thời, trên cảng Hải Phòng còn có các tàu vận tải của Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức, Bungaria. Trong tháng 3 trên cảng Hải Phòng, các tàu "Georgy Chicherin", "Valery Mezhlauk" cùng dỡ hàng quân sự.
Cũng phải nói thêm, làm việc trên bến cảng Việt Nam có cả những công dân Xô viết tham gia bốc dỡ hàng. Trên cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn, một đội bốc xếp chuyên nghiệp lớn từ các Cảng Liên Xô Vladivostok, Nakhodka, và Vanina Korsakov. Trưởng đội bốc xếp trên cảng là G.I.Pikusa, chủ nhiệm đội bốc xếp của cảng Nakhodka. Đội được cử đến Việt Nam trên tàu vận tải "Olga Androvskaya.", trong thời gian thực hiện nhiệm vụ quốc tế, đội đã bốc dỡ 26 tàu tải trọng lớn và hơn 100 nghìn tấn hàng hóa.
Sự kiện xung đột biên giới Việt-Trung đã lôi kéo vào khu vực Đông Nam Á lực lượng hải quân Mỹ. Cụm lực lương công kích chủ lực - tàu sân bay (AUG) do tàu sân bay Constellation (CV-64) là kỳ hạm, thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ngoài khơi bờ biển Đông Nam Á tính từ 06.12.1978.
Biên chế của cụm AVG bao gồm tàu tuần dương hạm Leany (CG 16), khu trục hạm Morton (DD 948), tàu vận tải đổ bộ Takelma (ATF 113). Ngày 25.02 Cụm AUG do tàu sân bay Constellation (CV-64) là kỳ hạm đậu ngoài khơi bờ biển của Việt Nam trên Biển Đông, với mục đích như tuyên bố của người Mỹ - theo dõi và kiểm soát tình hình.
Để ngăn chặn các chiến hạm Mỹ tiếp cận khu vực tác chiến quy mô lớn, các tàu ngầm diesel của hạm đội Thái Bình Dương đã lập một phòng tuyến ngăn chặn. Một số các tàu ngầm cơ động ở độ sâu tác chiến, một số tàu ngầm đã nổi hẳn lên mặt nước, trong tầm quan sát của hải quân Mỹ.
Thần kinh của các thủy thủ hải quân Xô viết thể hiện sự cứng rắn hơn sắt thép - người Mỹ đã không dám vượt qua tuyến ngăn chặn của tàu ngầm. Không đạt được mục đích đề ra, ngày 06.03 Cụm AUG dẫn đầu bởi tàu sân bay Constellation cơ động hành quân về Vịnh Aden, nơi đang xảy ra xung đột dữ dội giữa miền Bắc và Nam Yemen.
Những nhiệm vụ mà Liên đội tàu của hạm đội trên thực tế có phạm vi rất lớn, từ đảm bảo hành lang vận tải đến sẵn sàng tham gia chiến đấu và ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài. Liên đội tàu gồm có: Tuần dương – Kỳ hạm Đô đốc Senyavin (tham gia từ tháng 2 và 5), Tuần dương tên lửa Đô đốc Fokin (Thuyền trưởng – đại úy hạng - 2 A.Samofal), tầu chống ngầm Vasily Chapaev, Spasobnyi , Strogii Tầu khu trục Vozbuzdennyi (thuyền trưởng đại úy hạng 2 N. Ivanov), tầu hộ vệ Razyaschiy và nhiều tàu khác.
Vì lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được thể hiện xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được giao, 36 quân nhân thuộc hạm đội Thái Bình Dương đã được trao những giải thưởng cấp nhà nước.
Hải quân Việt Xô trên quân cảng Cam Ranh
Cuộc chiến tranh biên giới do Trung Quốc tiến hành đã đẩy nhanh tiến trình đàm phán và ký kết giữa Chính phủ Liên bang Xô Viết và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Hiệp định cho phép các chiến hạm Xô viết cập bến và neo đậu tại Quân cảng Cam Ranh của Việt Nam cũng như các máy bay chiến đấu của Không quân Hải quân Liên Xô được cất hạ cánh trên sân bay quân sự Cam Ranh.
Giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Viêt Nam có một vị trí quan trọng cấp chiến lược đối với Hải quân Xô viết trong các biển của châu Á – Thái Bình dương, và Bộ tư lệnh lực lượng hải quân Xô viết hoàn toàn không muốn bỏ qua cơ hội vô cùng quý báu này.
Tháng 5.1978 Tàu tuần dương tên lửa “ Đô đốc Fokin” ghé thăm Quân cảng Cam Ranh. Tháng 12.1978, một phái đoàn sĩ quan cao cấp của Bộ tư lệnh Hải quân Xô viết và Hạm đội Thái Bình Dương do Đô đốc Kozlov đứng đầu được đến thăm chính thức nước CHXHCN Việt Nam.
Tổng Tư lệnh lực lượng Hải quân Liên Xô Đô đốc S.Gorshkov tại cuộc họp với đoàn đã ra chỉ thị phải tìm hiểu làm quen với những gì còn lại trong Cam Ranh sau sự ra đi của người Mỹ. Cần phải làm rõ được quan điểm của cơ quan lãnh đạo cao cấp lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam về khả năng có thể sử dụng quân cảng Cam Ranh làm chỗ neo đậu và phục vụ hậu cần kỹ thuật cho hạm đội Thái Bình dương (không loại trừ khả năng cả hai bên – Hải quân Việt Nam và Hạm đội Thái Bình dương) cùng khai thác sử dụng.
Việt Nam đã bắt đầu tiếp nhận viện trợ những tàu chiến và khinh hạm được sản xuất từ Liên Xô, đồng thời trong các trường đại học quân sự và các trường huấn luyện kỹ thuật đã tiếp nhận hơn 2000 sĩ quan và hạ sĩ quan của Việt Nam sang nghiên cứu và học tập.
Phái đoàn của Hải quân Xô viết cũng được tận mắt thấy những thành quả của Hợp tác Hữu nghi Xô – Việt. Phái đoàn được đến thăm tất cả các căn cứ Hải quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam Hải Phòng, Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, Đoàn đã gặp nhóm chuyên gia quân sự, các sĩ quan và hạ sĩ quan Xô viết làm nhiệm vụ huấn luyện viên cho các thủy thủ Việt Nam điều khiển, khai thác và sử dụng các tàu tuần tra ven biển dự án 159 "SKR-82" và "SKR-96".
Chỉ huy đội chuyên gia huấn luyện là đại úy hạng 1 A.Kolomnin. Các thủy thủ Xô viết đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ rất khó khăn do phải vượt qua rào cản ngôn ngữ và trình độ kỹ thuật của các chiến sĩ hải quân Việt Nam. Kết quả là tất cả sĩ quan, hạ sĩ quan đều được tặng thưởng huy chương Hữu nghị của Việt Nam.
Được sự cho phép của Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam Chuẩn đô đốc Giáp Văn Cương, phái đoàn sĩ quan cao cấp của Bộ tư lệnh lực lượng Hải quân Xô viết và Hạm đội Thái bình dương đã tiến hành thăm, nghiên cứu và quan sát kỹ lưỡng quân cảng Cam Ranh.
Căn cứ chiếm một diện tích rất lớn, để đi vòng quanh khu vực cần tới 3 giờ ngồi xe. Xưởng sửa chữa tàu chiến rất lớn, được trang bị cẩu dàn với trọng tải lên đến 100 tấn, đã được các sĩ quan kỹ thuật quan tâm đặc biệt. Hai cầu tàu bê tông cốt thép có thể tiếp nhận tàu tất cả các lớp và các chủng loại khác nhau. Một cầu tàu đã bị hư hỏng nặng do bị một vụ nổ lớn ở trung tâm.
Tất cả các công trình trên bến cảng đều được kết nối với hệ thống cung cấp nước sạch và điện công nghiệp, nhưng cũng bị hư hỏng nặng từ khi quân đội Mỹ rút khỏi Cam Ranh.
Các sĩ quan không quân Hải quân đặc biệt quan tâm đến hai đường băng trên sân bay quân sự, chúng có chiều dài đến 3000m, một đường băng cần phải được sửa chữa do đã bị hư hỏng. Một công trình bị phá hủy nặng nề hóa ra lại là trung tâm chỉ huy điều khiển bay.
Nghiên cứu và thám sát quân cảng Cam Ranh đòi hỏi mất vài ngày, các bộ phận tham gia nghiên cứu đều có các quân nhân Việt Nam đi cùng. Các sĩ quan Việt Nam vô cùng ngạc nhiên trước khả năng làm việc và sự hiểu biết trang thiết bị Mỹ của các sĩ quan hải quân Liên Xô. Khảo sát mặt biển được thực hiện bằng ghe dân dụng, có động cơ và chân vịt treo của dân biển Miền Nam.
Sau khi hoàn thành công tác thẩm định toàn bộ quân cảng, ngày 25.12 phái đoàn lên máy bay về Hà Nội. Kozlov từ Đại sứ quán Liên Xô liên lạc với Matxcova thông qua điện thoại mật và báo cáo với Tham mưu trưởng Bộ Tổng Tham mưu trưởng Hải quân G. Egorov, và sau đó báo cáo tất cả những gì nắm được cho trực tiếp Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân Xô viết.
Kết luận được thống nhất: sau khi phục hồi Quân cảng Cam Ranh có thể có một căn cứ đảm bảo và cung cấp các dịch vụ hậu cần kỹ thuật hoàn hảo cho các chiến hạm Xô viết trong khu vực châu Á – Thái Bình dương.
Căn cứ trên các đề xuất, kiến nghị Tư lệnh lực lương Hải quân Xô viết Đô đốc Hải quân Liên Xô Sergei Gorshkov đã chuẩn bị một dự thảo hiệp ước và các tài liệu tham khảo để thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam.
Thống nhất nội dung và đồng bộ văn bản dự thảo hiệp ước với đồng chí Tư lệnh Hải quân, Chuẩn Đô đốc Cưong gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó Kozlov và Chuẩn đô đốc Giáp Văn Cương đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Thượng Tướng Trần Văn Trà.
Trong cuộc hội thảo hơn một giờ đã thống nhất được các nguyên tắc cơ bản về khai thác sử dụng quân cảng Cam Ranh, trên cơ sở cả hai bên đều đồng sử dụng quân cảng cũng như các trang thiết bị, cơ sở vật chất để giải quyết các vấn đề về hậu cần kỹ thuật và là nơi neo đậu của cả hai lực lượng hải quân Liên Xô và Việt Nam, trên thực tế đã đặt ra một tiền đề cơ bản cho sự phát triển của Hải quân Việt Nam sau này.
Đồng thời cũng thống nhất phương án khai thác sử dụng sân bay quân sự, mục tiêu đầu tiên là xây dựng và trang bị lại Trung tâm chỉ huy, điều khiển bay. 30.12.1979 các bên cùng với các đại diện chính thức của các Bộ tư lệnh Hải quân đã ký vào văn bản dự thảo hiệp ước. Cũng trong ngày đó, phái đoàn Hải quân Xô Viết lên máy bay trở về Matxcova.
Những cuộc đàm phán cuối cùng của hiệp ước xây dựng căn cứ đảm bảo hậu cần kỹ thuật và neo đậu PMTO , cũng như ký kết hiệp ước giữa hai bên được thực hiện tại Hà Nội, phía lực lượng Hải quân Liên bang Nga là Phó tư lệnh Hải quân Liên Xô, đô đốc N.Smirnov.
Ngày 02.05.1979, trên thực tế, đã ký kết hợp đồng cho lực lượng Hải quân Liên bang Nga, mà cụ thể là hạm đội Thái Bình Dương, được sử dụng căn cứ hải quân Cam Ranh cùng với Hải quân Việt Nam trong vòng 25 năm không trả phí.
Cũng theo Hiệp ước này, trên quân cảng Cam Ranh, Hải quân Liên xô được phép duy trì cùng một lúc 10 chiến hạm nổi, 8 tàu ngầm cùng với căn cứ nổi, 6 tàu hậu cần kỹ thuật và vận tải.
Vùng trinh sát bán cầu phía Đông do máy bay trinh sát của Hải quân Liên Xô đảm nhiệm -máy bay trinh sát Tu-16, Tu-142 và Tu-95, có căn cứ sân bay Cam ranh tại Việt Nam (ngày 13 tháng 9 năm 1984).
Máy bay trinh sát chống ngầm Tu-95 chuẩn bị cất cánh trên sân bay quân sự Cam Ranh
Tàu đổ bộ của Liên bang Xô viết vận chuyển trang thiết bị quân sự lên quân cảng Cam ranh.
Ngày 06.03.1979, các chiến hạm của Liên Xô tập trung tại Vũng Tàu của Đà Nẵng. Từ tháng 3 đến tháng 4, đội tầu 3 chiếc dưới quyền chỉ huy của đại úy hạng 1 D. Cherivaty bao gồm các tàu chống ngầm "Vasily Chapaev" (Thuyền trưởng E. Znahurenko), tàu hộ vệ “SKP – 46” và tàu quét mìn cập cảng Cam Ranh.
Tháng 5.1979 theo thông tin từ nước ngoài, tàu ngầm nguyên tử Xô Viết đã cập cảng Cam Ranh (có thể là tàu ngầm nguyên tử dự án 659 “K-45”). Đến tháng 9 sân bay quân sự Đà Nẵng trở thành cơ sở cất hạ cánh của các máy bay trinh sát hải quân.
Ngày 05-10.10.1979, một hải đoàn tàu chiến của hạm đội Thái Bình dương dưới quyền chỉ huy của phó Tư lệnh trưởng hạm đội Thái Bình dương chuẩn đô đốc N.Ya.Yasakov có chuyến thăm chính thức Cảng Hải Phòng, các chiến hạm có mặt trong đoàn là tàu Tuần dương tên lửa “ Đô đốc Fokin”, Tàu chống ngầm “Strogyi” và Tầu hộ vệ “Vozbuzhdennyi”.
Đô đốc Hạm đội Liên bang Xô Viết S.G.Gorshkov, Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô đến Hà Nội để đặt quan hệ công tác với Bộ Quốc phòng CHXHCN Việt Nam. Trong ảnh là Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Thiếu tướng Giáp Văn Cương đón đoàn.
Tháng 12.1979, Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân Liên bang Xô viết, đô đốc S. Gorshkov thăm chính thức quân cảng Cam Ranh. Đô đốc đã dành hẳn một ngày để thăm và làm quen với mọi nơi trong quân cảng. Dẫn đoàn là chỉ huy trưởng căn cứ PMTO đại úy hạng 1 Anokin.
Đô đốc Gorshkov sau chuyến thị sát đã không hài lòng với tiến độ phục hồi các công trình trên quân cảng và lập tức đã đưa ra những chỉ lệnh cần thiết. Những chỉ lệnh của Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân Xô Viết ngay tức khắc có hiệu lực. Tháng 4.1980 đơn vị đầu tiên của căn cứ hậu cần kỹ thuật với 50 quân nhân trên tầu vận tải “PM-156” đã cập cảng Cam Ranh.
Với quân cảng Cam Ranh, lực lượng Hải quân Xô viết đã nâng tầm những ảnh hưởng chính trị của Liên bang Xô viết trong khu vực Đông Nam Á - Khu vực nằm gần kề với các trung tâm chính trị quân sự và kinh tế của Trung Quốc, đồng thời lại cận kề với các quốc gia thuộc khối ASEAN, Ấn Độ Dương, eo biển Malacca và Indonesia.
Hải quân Xô viết đã tích cực mở rộng sự hiển diện của hải quân ở các khu vực này. Hải đoàn (AUG) bao gồm 4 chiến hạm và kỳ hạm - tàu sân bay Minsk đã xuất hiện tại Vịnh Thái Lan vào tháng 10.1980, sau khi thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu trên biển Đông trong tháng 9. Một tàu tuần dương độc lập xuất hiện vùng nước thuộc bờ biển Singapore vào tháng 02.1983.
Sự hiện diện của hải quân Xô Viết trên vùng nước phía Tây Thái Bình dương mỗi năm một tăng. Từ 6900 giờ hải hành năm 1979, lên 10 400 giờ hải hành năm 1980 và 11 800 giờ hải hành năm 1981.
Trong vòng 5 năm, CCCP đã tập trung một cụm chiến hạm rất lớn tại Vịnh Cam Ranh. Nếu cuối năm 1979 chỉ hiện diện 8 tàu, thì đến năm 1983 đã có 22 tàu, trong đó có 4 tàu ngầm cả diesel lẫn tàu ngầm nguyên tử và 6 chiến hạm có lượng giãn nước lớn.
Từ năm 1983, quân cảng Cam Ranh là căn cứ hậu cần kỹ thuật và là nơi đồn trú của phi đoàn không quân Hải quân số 15. Sang năm 1984, luôn có 24 chiến hạm Xô viết neo đậu thường xuyên tại quân cảng Cam Ranh.
Tháng 4.1984, tàu sân bay Minsk và tàu đổ bộ hạng nặng “Ivan Rogov” đã tiến hành diễn tập đổ bộ lực lượng lính thủy đánh bộ lên bờ biển Việt Nam. Trong thời gian này, giữa Việt Nam và Liên bang Xô viết đã ký kết hiệp định viện trợ không hoàn lại bằng các công trình quân sự mà phía Liên Xô đầu tư xây dựng và cung cấp trang bị. Từ năm 1984 đến 1992 đã xây dựng hơn 30 công trình, trong đó có đài radar quan sát và theo dõi vệ tinh.
Trên sân bay của căn cứ được biên chế một trung đoàn không quân hỗn hợp bao gồm 4 máy bay ném bom chiến lượng TU-95, 4 máy bay chống ngầm TU-142, phi đoàn TU-16 các cấp (20 máy bay) phi đoàn MiG – 25 (15 máy bay), hai máy bay vận tải An-24 và 3 máy bay trực thăng Mi-8.
Từ sân bay Cam Ranh, các máy bay thuộc trung đoàn không quân hỗn hợp đã thực hiện các hành động tuần thám, trinh sát toàn bộ vùng nước xích đạo và các vùng nước ven bờ phía Đông của các biển châu Á.
Từ năm 1979 – 1980, hai sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng đã tiến hành 76 lượt bay của máy bay TU-95RS. Cũng trong giai đoạn đó các máy bay TU-95RS đã thực hiện 450 chuyến bay từ các sân bay Havana, Conakry và Luanda.
Cảng Cam Ranh tháng 3-1979, các thành viên tàu BPK "Vasily Chapaev" và sỹ quan chiến sỹ vùng 4 hải quân Việt Nam chụp ảnh lưu niệm.
Thủy thủ đoàn tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Victor III Rroject 671RTM biên chế trong Sư đoàn tàu ngầm số 38 (Liên đội tàu chiến số 17) tại Cam Ranh.
Tính năng kỹ chiến thuật của căn cứ hậu cần kỹ thuật và dịch vụ bảo đảm của PMTO của quân cảng Cam Ranh.
Số lượng chiến hạm có thể đậu tại cảng – 10.
Số lượng cầu cảng – 7.
Khối lượng kho chứa dầu, xăng quân sự, nghìn tấn – 7.
Khối lượng kho chứa vũ khí đạn và chất nổ, nghìn tấn – 0,15.
Thực tế cho thấy, sự hiện diện của Hạm đội Thái Bình dương với lực lượng Không quân hỗn hợp của Hải quân Xô Viết đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bình ổn sóng nước Biển Đông nói riêng và Khu vực châu Á Thái Bình dương nói chung.
Những tham vọng của các thế lực trên biển lớn đã bị kiềm chế bởi bóng tầu trên quân cảng Cam Ranh. Một thế lực nào đó đã buộc phải giấu mình phát triển, không dám đi đầu. Những chiến hạm của hải quân Mỹ cũng không thể xuất hiện thường xuyên trên Biển Đông trong gần hai thập kỷ.
Như những công trình dân sinh được xây dựng trên đất nước Việt Nam. Quân cảng Cam Ranh thật sự là một biểu tượng Hòa bình và Tình đoàn kết hữu nghị cao cả của hai quốc gia Việt Nam – Liên Xô
Cuối những năm 80-x Lực lượng hải quân Liên xô bắt đầu thu gọn quân số có mặt trên quân cảng Cam Ranh. Năm 1998 Hà Nội có nhắc Moscow về vấn đề, thời hạn của hiệp định sử dụng quân cảng Cam Ranh đã gần đến thời điểm hết hiệu lực ( hiệu lực chấm dứt vào năm 2004) đồng thời có đề nghị Liên Bang Nga tiếp tục sử dụng căn cứ theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường với sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần của Hiệp định hợp tác hữu nghị đã ký với Liên bang Xô Viết.
Trong khi đó Mỹ và Trung Quốc cũng thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động nhằm được thuê Cảng Cam Ranh với một giá trị rất cao. Năm 2000 Bộ tổng tư lệnh lực lượng Hải quân Liên bang Nga chính thức tuyên bố sẽ tích cực sử dụng căn cứ hậu cần kỹ thuật và đảm bảo dịch vụ lực lượng nhằm phục hồi lại những hoạt động tích cực của Hạm đội tại khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời cũng đưa ra lời hứa sẽ đảm bảo cung cấp cho căn cứ một khoản ngân sách khoảng 500 nghìn rubl/năm.
Nhưng đến năm 2001 xuất hiện thông báo đầu tiên về việc nước Nga không có dự định tiếp tục duy trì Hiệp định sử dụng căn cứ Cam Ranh, 24.07.2001 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Ivanov tuyên bố rằng Nga "phải rút khỏi Cam Ranh".
Quyết định cuối cùng đã được đưa ra dựa trên báo cáo của Tư lệnh Hải quân Đô đốc Vladimir Kuroedova, nội dung cho rằng không còn thích hợp để tiếp tục duy trì căn cứ hậu cần kỹ thuật PMTO tại Cam Ranh.
Theo nhận xét của Tổng tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Anatoly Kvashnin, chi phi cho duy trì căn cứ PMTO ở Cam Ranh tương đương với chi phí để duy trì một tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất với đầy đủ vũ khí khí tài. 02.05.2002 một ngày buồn đối với Hạm đội Thái Bình dương, Liên bang Nga và Việt Nam đã ký một nghị định chuyển giao căn cứ PMTO của Nga cho Hải quân Việt Nam.
Ngày 07.03.2013. Bộ trưởng Quốc phòng Nga hoàn thành chuyến thăm hai ngày đến Việt Nam. Ông Sergei Shoigu đã khởi đầu chuyến công du Việt Nam của mình bằng hoạt động thăm Cam Ranh. Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các chiến sĩ và công dân Liên Xô, Nga, và Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp hòa bình và ổn định trong khu vực.
Nguồn: Lịch sử Hải quân Xô viết