Cụ thể, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP. HCM Lâm Đình Thắng đề xuất trong chủ trương, chính sách thời gian tới về liên kết vùng cần chọn Chuyển đổi số là nội dung trọng tâm; trong đó có những đề xuất cụ thể như lấy mục tiêu do Bộ TTTT xác định là mục tiêu Chuyển đổi số cho vùng, tăng tỷ lệ chi ngân sách cho chuyển đổi số lên tối thiểu 1% tổng chi ngân sách hàng năm, cần có vai trò nhạc trưởng của Bộ TTTT…
Đề xuất này xuất phát từ chính thực tiễn hoạt động hợp tác vùng trong thời gian vừa qua, với một số hạn chế và khó khăn đã được nhận diện.
Cụ thể, theo Giám đốc Sở TTTT TP.HCM: Nhận thức của người dân, cán bộ, công chức về hoạt động liên kết vùng chưa cao do công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao; việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước đang khó khăn; hiện trạng hạ tầng CNTT của các phường - xã (nhất là các xã vùng xa) còn chưa đồng bộ; vấn đề nhân lực và trình độ các cán bộ phường - xã trong việc sử dụng, duy trì các ứng dụng CNTT cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) do Bộ - ngành triển khai tập trung trong nhiều trường hợp chưa phù hợp với nhu cầu quản lý cụ thể của từng địa phương. Trong khi đó, việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ - Ngành với địa phương còn gặp nhiều khó khăn, do đó địa phương hoặc là sử dụng hệ thống của các Bộ - Ngành triển khai nhưng không có đủ thông tin phục vụ công tác quản lý hoặc là sử dụng cùng lúc 2 hệ thống song song (1 hệ thống do các Bộ - Ngành triển khai, 1 hệ thống do địa phương triển khai theo nhu cầu quản lý cụ thể của địa phương).
Toàn cảnh hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ sáng 12/7. |
Đối với công tác chuyển đổi số, ông Thắng cho biết, TP.HCM đứng vị trí thứ 5/63 tỉnh thành về chuyển đổi số (kết quả của năm 2021). TP đã triển khai một hạ tầng CNTT mạnh so với cả nước. Trung tâm dữ liệu tại QTSC trên nền tảng điện toán đám mây đã đáp ứng yêu cầu vận hành tập trung toàn bộ các ứng dụng, CSDL cả thành phố đảm bảo các yếu tố An toàn, an ninh thông tin. 100% xã, phường có mạng cáp quang và dịch vụ truy cập Internet băng rộng. Hạ tầng di động 3G, 4G đã được phủ khắp Thành phố; TP.HCM cũng là tỉnh thành đầu tiên đưa vào thử nghiệm mạng 5G. Kho dữ liệu dùng chung thành phố cũng đã tích hợp với khối lượng dữ liệu lớn về Bản đồ, CSDL liên quan người dân (đã số hóa toàn bộ dữ liệu Hộ tịch), CSDL doanh nghiệp giúp liên thông, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.
Tuy nhiên, TP. HCM hiện gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai chương trình Chuyển đổi số như nhận thức của các cấp lãnh đạo chưa thống nhất, dữ liệu chưa liên thông, đồng bộ và ngân sách bố trí cho các hạng mục xây dựng đô thị thông minh của các sở, ngành, địa phương. Nhiều đơn vị của TP với sự năng động đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của riêng mình; đồng thời TP đã đầu tư nhiều hệ thống CNTT từ trước nên nên việc thống nhất, liên thông đồng bộ cũng có nhiều phức tạp về mặt kỹ thuật, chẳng hạn như thực hiện Cổng dịch vụ công của TP.
Ông Lâm Đình Thắng khẳng định: “TP.HCM hướng tới đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh; hoàn thành việc kết nối toàn bộ dữ liệu kinh tế - xã hội của quận, huyện lên Hệ thống thông tin kinh tế - xã hội TP; triển khai phần mềm tiếp thu các ý kiến phản ánh của công dân; phát triển và khai thác Kho CSDL dùng chung để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, tập trung triển khai Kế hoạch cải cách hành chính TP năm 2022, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện các chỉ số CPI, PAPI, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4”./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu