Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước sử dụng công nghệ có trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bà Rosemarie DiCarlo, Phó TTK Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình, đã nêu ra những ưu nhược điểm mà các công nghệ mới đem lại. Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên cần sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm.
Ảnh: ARAB News
Ảnh: ARAB News

Công nghệ số đã biến đổi mọi khía cạnh của xã hội. Những công nghệ này mang đến cơ hội vô tận cho sự phát triển xã hội.

Tuy nhiên, các tiến bộ công nghệ cũng ngày càng bị chính phủ và các nhóm khủng bố lợi dụng để gây ra bất ổn và làm trầm trọng thêm xung đột và những vấn nạn lan truyền thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch.

Đây là một trong những điểm chính được bà Rosemarie DiCarlo, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình đưa ra hôm 23/5 trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an về công nghệ và an ninh. Đây là sự kiện thứ hai được tổ chức bởi phái đoàn Hoa Kỳ, vốn giữ chức Chủ tịch luân phiên của hội đồng sau cuộc tranh luận tuần trước về xung đột và an ninh.

Hội đồng Bảo an ngày càng tham gia nhiều hơn vào nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh mạng và vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong việc ảnh hưởng, định hình các sự kiện trong xã hội. Liên Hợp Quốc cũng đang nỗ lực tận dụng các công nghệ kỹ thuật số để nâng cao khả năng hoạt động của tổ chức trong lĩnh vực này.

Trong một cuộc họp báo khi bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch hội đồng về công nghệ và an ninh , bà Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, nói rằng vấn đề này là “một trọng tâm mới và quan trọng đối với Hội đồng Bảo an”.

Còn bà DiCarlo thì nói rằng các công cụ kỹ thuật số đang giúp tăng cường năng lực thu thập thông tin và cảnh báo sớm của Liên hợp quốc ở nhiều nơi. Ví dụ ở Yemen, Phái bộ Liên hợp quốc hỗ trợ Thỏa thuận Hudaydah đã sử dụng bản đồ, hệ thống thông tin địa lý và các công cụ công nghệ vệ tinh để tăng cường giám sát lệnh ngừng bắn tại chính phủ.

Bà DiCarlo chia sẻ, những công nghệ mới cũng góp phần giúp thúc đẩy sự hòa nhập. Điều này được minh chứng qua các cuộc thảo luận kỹ thuật số được thực hiện với quy mô hàng nghìn người tại Libya thuộc mọi tầng lớp xã hội, được phát trên TV và các phương tiện truyền thông đại chúng.

“Nỗ lực này đã giúp các tầng lớp khác biệt thấy rằng tiếng nói của họ được lắng nghe,” bà nói thêm.

Tương tự, tại Yemen, các công nghệ kỹ thuật số đã cho phép đặc phái viên của Liên Hợp Quốc khảo sát hàng trăm phụ nữ tại đây để “cung cấp cái nhìn sâu sắc về mọi khía cạnh trong cuộc chiến”, bà DiCarlo cho biết.

Tuy nhiên, bà cũng đưa ra cảnh báo rằng các sự cố liên quan đến việc sử dụng công nghệ không đúng mục đích cho các hoạt động chính trị hoặc quân sự đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2015 và cho biết mối quan tâm đặc biệt là các hoạt động nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng giúp cung cấp các dịch vụ công thiết yếu.

Một báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc được công bố vào tháng 5 năm 2020 lưu ý rằng các công nghệ mới thường được sử dụng để giám sát, trấn áp, kiểm duyệt trực tuyến, đồng thời kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa để phát triển cách áp dụng các tiêu chuẩn quyền con người trong thời đại kỹ thuật số.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tháng trước đã thông qua một nghị quyết liên quan đến vai trò của các quốc gia trong việc chống lại những tác động tiêu cực của thông tin sai lệch.

“Các tổ chức phi nhà nước ngày càng trở nên thành thạo trong việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số chi phí thấp và có sẵn để theo đuổi các chương trình của họ”, DiCarlo nói.

“Các nhóm như (Daesh) và Al-Qaida vẫn hoạt động trên mạng xã hội, sử dụng các nền tảng và ứng dụng nhắn tin để chia sẻ thông tin và giao tiếp với những người theo dõi nhằm mục đích tuyển dụng, lập kế hoạch và gây quỹ khủng bố”.

Đề cập đến việc sử dụng công nghệ sai mục đích của “các tác nhân phi chính phủ”, Bà Lana Nusseibeh, đại diện thường trực của UAE tại LHQ, nói về nguy cơ các máy bay không người lái hiện có khả năng bay nhanh hơn với khoảng cách xa hơn, mang theo trọng tải lớn hơn và tận dụng trí tuệ nhân tạo để hoạt động mà không cần điều khiển thủ công.

“Vào ngày 3 tháng 3 năm 2020, nhóm khủng bố Houthi đã sử dụng một chiếc phi cơ không người lái chở đầy chất nổ để tấn công một tàu chở dầu ngoài khơi bờ biển Yemen".

“Nếu thành công, cuộc tấn công sẽ có tác động tàn phá không chỉ đối với tàu chở dầu và thủy thủ đoàn mà còn đối với môi trường, các tuyến đường dọc bờ biển Yemen và những người dân phụ thuộc vào biển để kiếm sống”.

Bà DiCarlo nói việc lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội cũng có thể thúc đẩy bạo lực, lan truyền thông tin sai lệch, cực đoan hóa, phân biệt chủng tộc.

Bà kêu gọi các quốc gia thành viên nắm bắt những cơ hội quan trọng để xây dựng sự đồng thuận về cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số vì lợi ích của con người, hành tinh và đồng thời giải quyết các rủi ro đi kèm.

Theo ARAB News