Lệnh cấm mới của EU sẽ buộc Apple phải loại bỏ ứng dụng cài đặt sẵn trên iPhone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Liên minh Châu Âu (EU) muốn cấm các ứng dụng của bên thứ nhất cài sẵn lên các thiết bị di động.

Apple đang dần cởi mở hơn khi cho phép các nhà phát triển bên thứ ba có đất sống nhiều hơn trên nền tảng iOS. Nhưng Liên minh Châu Âu (EU) có thể buộc Apple phải thực hiện một thay đổi mà công ty chắc chắn không thích.

Theo Financial Times, Ủy ban Châu Âu (EC) đang xem xét các quy định mới và sẽ sớm ban hành với tên gọi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số. Đạo luật này sẽ buộc các nhà sản xuất thiết bị đang bán hàng tại các nước EU không được phép cài đặt sẵn các ứng của hãng, tức là bên thứ nhất.

Động thái này được cho nhằm giúp các công ty nhỏ hơn có thể cạnh tranh công bằng với nhiều gã khổng lồ công nghệ. Đặc biệt thông qua đạo luật này, EU sẽ yêu cầu Apple không được tải sẵn ứng dụng của hãng trên iPhone và cung cấp cho người dùng những lựa chọn thay thế khác.

EU cho rằng, các công ty không nên quá ưu ái chính mình hoặc các dịch vụ bên thứ ba bất kỳ nào. Ngoài Apple, Google và Facebook cũng được yêu cầu phải thực hiện kiểm toán hàng năm đối với dữ liệu quảng cáo của họ.

Apple hiện nay đã cho phép người dùng xóa gần như tất cả các ứng dụng được cài đặt sẵn. Tuy nhiên Apple sẽ không còn kiếm được tiền bằng cách cho phép Google đặt công cụ tìm kiếm mặc định trên iOS.

Gần đây Google cũng bị EU yêu cầu phải cung cấp tùy chọn công cụ tìm kiếm trên các thiết bị Android nhằm phá thế độc quyền của công ty này và mở ra cơ hội cho các công ty cạnh tranh khác.

Và trong thời gian tới khi đạo luật mới của EU được ban hành, các mẫu iPhone bán ra tại thị trường EU sẽ sớm phải tuân thủ điều này. Nhưng hiện tại nó mới chỉ đang trong giai đoạn xây dựng dự luật và sẽ còn điều chỉnh thêm trước khi ban hành.

Ủy ban Châu Âu giờ đây đang tỏ ra không đồng thuận với sự thống trị, thậm chí là độc quyền của các gã khổng lồ công nghệ tại Châu Âu.

Theo Bloomberg, dự thảo đạo luật này có thể sẽ được công bố vào tháng 12 tới với khoảng 30 điều khoản liên quan đến lệnh cấm và nghĩa vụ đối với các hãng công nghệ. Sau khi có hiệu lực, mọi công ty trong phạm vi chịu tác động của dự luật sẽ phải chấp hành nghiêm chỉnh.

Hồi năm 2016, ủy ban này cũng đã kiện Apple lên tòa án với cáo buộc trốn thuế và khoản tiền phạt lên tới 14,8 tỷ USD. Nhưng mới đây, Apple đã bất ngờ kháng cáo thành công nhưng hiện vụ kiện đang được đưa lên Tòa án công lý Châu Âu để chờ phán quyết cuối cùng.

Theo Diễn đàn đầu tư