Lập tổ công tác giám sát việc thực hiện 2 luật kinh doanh mới

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ đề xuất giải pháp tổng thể triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, trong đó có việc thành lập tổ công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện hai luật này.
Doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ đơn giản hơn khi hàng loạt điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ kể từ 1-7 rồi
Doanh nghiệp gia nhập thị trường sẽ đơn giản hơn khi hàng loạt điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ kể từ 1-7 rồi

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng với nội dung như trên tại công văn số 5073/VPCP-PL về việc triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa rồi. 

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 là hai luật quan trọng về kinh doanh, tác động sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp, gắn với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên việc xây dựng, trình các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai luật này hiện nay đều đang bị chậm tiến độ.

Đến thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất băn khoăn về việc thực thi luật, từ việc chưa có các văn bản hướng dẫn đến năng lực thực thi của cơ quan hành pháp.

Chỉ đạo trên của Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị báo cáo về kết quả rà soát các điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư 2014.

Ngay khi hai luật trên có hiệu lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức công bố danh mục các điều kiện kinh doanh đối với toàn bộ 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn.

Danh mục điều kiện này được phân chia theo 16 ngành, lĩnh vực, gồm an ninh quốc phòng; tư pháp; tài chính; công-thương; lao động, thương binh và xã hội; giao thông - vận tải; xây dựng, thông tin – truyền thông; giáo dục – đào tạo; nông nghiệp và phát triển nông thôn; kế hoạch và đầu tư; y tế; khoa học và công nghệ; văn hóa, thể thao và du lịch; tài nguyên và môi trường; và ngân hàng.

Trong từng danh mục, có các ngành nghề cụ thể đi kèm các điều kiện đang được áp dụng. Việc đăng ký kinh doanh các ngành nghề có điều kiện sẽ được thực hiện theo danh mục này được kỳ vọng sẽ mang lại tác động tích cực tới môi trường kinh doanh trong nước.

Về phía doanh nghiệp, khi muốn tham gia thị trường ở các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp có thể nắm bắt được thông tin về các điều kiện mà mình phải thực hiện, giảm được thời gian, chi phí tìm hiểu thông tin, gia tăng cơ hội kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có quyền từ chối thực hiện các yêu cầu điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước không được pháp luật quy định.

Trước đó, để chuẩn bị triển khai thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát và tập hợp được khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh cho 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh đang nằm tại khoảng 170 thông tư, quyết định của các bộ.

Theo công văn trên của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị báo cáo về công tác tổ chức, triển khai thực hiện Luật Đoanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7-2015.

Theo TBKTSG