Hãng tin Bloomberg ngày 22/6 đưa tin Việt Nam đang đẩy mạnh cạnh tranh về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với các quốc gia khác tại Châu Á.
Vốn FDI cam kết vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 4,3 tỷ USD, chưa bằng 20% so với mức dự báo cho cả năm, và giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân giai đoạn này lại tăng 7,6% lên 4,95 tỷ USD.
Trong khi đó, tại Philipines, vốn FDI được phê duyệt giảm 41,7% trong quý I/2015, còn FDI của Indonesia tăng 14% trong quý đầu của năm nay.
Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bloomberg cho biết Việt Nam đang đặt mục tiêu thúc đẩy làn sóng đầu tư từ cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ông Vinh cho biết Việt Nam đang đưa ra nhiều ưu đãi hơn trong các lĩnh vực như thuế và đất đai để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi đặt mục tiêu nằm trong top 4 nước thu hút FDI nhiều nhất ASEAN vào năm 2016”, ông Vinh nói, đồng thời dự báo vốn FDI cam kết sẽ đạt 23 tỷ USD trong năm 2015, cao hơn mức 21,9 tỷ USD năm 2014, và vốn FDI giải ngân năm nay sẽ đạt khoảng 12,5 tỷ USD.
Cũng theo lời ông Vinh, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ tạo ra thay đổi to lớn giúp cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh và tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng.
Theo các luật này, kể từ ngày 1/7 tới, số ngành nghề bị cấm kinh doanh ở Việt Nam sẽ được giảm từ 51 ngành xuống còn 6 ngành. Chính phủ cũng sẽ nới lỏng quy định đối với hơn 100 lĩnh vực khác – một đợt cải tổ quy định kinh doanh lớn nhất trong nền kinh tế kể từ khi doanh nghiệp tư nhân được phép hoạt động tại Việt Nam kể từ năm 1990.
Bộ trưởng Vinh cho biết, trong tháng tới, Chính phủ sẽ công bố 6 nghị định hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các luật sửa đổi này, theo đó sẽ có lượng lớn giấy phép bị bãi bỏ để tạo điều kiện dễ dang hơn và minh bạch hơn cho nhà đầu tư.
Ngoài việc nới lỏng các quy định về kinh doanh, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh tiến trình bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước như một cách thu hút đầu tư.
Bộ trưởng Vinh cho biết nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm cơ hội đầu tư do có thêm nhiều công ty nhà nước cổ phần hóa trong năm nay, và Việt Nam sẽ bán cổ phần với khối lượng lớn, không chỉ 5%, 10% hay 20% như trước kia.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng Việt Nam đang gặp thách thức trong việc đạt được mục tiêu cổ phần hóa 289 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015, vì theo số liệu của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay với chỉ cổ phần hóa được 43 doanh nghiệp.
Một trong những lo ngại của nhà đầu tư, theo Bloomberg, là do lượng cổ phần nắm giữ sau cổ phần hóa của các cổ đông tư nhân quá nhỏ để có thể gây ảnh hưởng đến khả năng quan trị của doanh nghiệp. Một ví dụ là hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hồi tháng 11 năm ngoái bán 5% cổ phần ra công chúng nhưng không thu hút được nhà đầu tư nước ngoài nào.
Bộ trưởng Vinh cho biết việc bán cổ phần với khối lượng nhỏ như vậy sẽ không tạo ra thay đổi nào cho doanh nghiệp trong khi việc nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp là điều Chính phủ thực sự đang cần. Cho nên, Chính phủ sẽ bán cổ phần với khối lượng lớn hơn để tạo sự hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư, cho phép họ tham gia vào quản trị doanh nghiệp.
Theo NDH