Sự sốt sắng của Bộ KH-ĐT khi được giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách này là điều dễ hiểu, bởi lâu nay các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoạt động không hiệu quả; đồng vốn được đóng góp từ tiền thuế của người dân không những không sinh sôi, còn vơi dần, thậm chí thất thoát sau khi các con tàu Vinashin và Vinalines bị "đắm".
Gần đây nhất, dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên trị giá hơn 8.000 tỉ đồng; Nhà máy đạm Ninh Bình 12.000 tỉ đồng; dự án Nhà máy sợi Đình Vũ 7.000 tỉ đồng tại Hải Phòng; dự án mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải 7.000 tỉ đồng... cũng rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.
Tất cả số liệu công bố từ trước đến nay vốn chỉ được tổng hợp thông qua báo cáo rất sơ sài của nhiều bộ, ngành và địa phương. Do đó, việc lập một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ để quản lý là điều cần phải làm ngay
TS Nguyễn Đình Cung, chủ trì đề án thành lập cơ quan chuyên tráchCha chung có "siêu bộ" khóc ?
Chủ trì đề án thành lập cơ quan này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, tỏ ra ngán ngẩm khi tình trạng này nói đi, nói lại nhưng vẫn kéo dài năm này qua năm khác. Đặc biệt khi xảy ra đổ vỡ, thua lỗ thì lại tái diễn cảnh "cha chung không ai khóc", không bộ nào chịu trách nhiệm. "Ông có nói giời, nói biển gì thì như Bộ Công thương hay một số bộ, ngành khác doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ nhưng rốt cuộc có ai chịu trách nhiệm đâu", ông Cung nói.
Chưa có số liệu thống kê một cách chính xác, nhưng theo ông Cung, ước chừng tổng giá trị tài sản trên sổ sách của các DNNN đang sở hữu vốn khoảng 250 tỉ USD. Điều đáng nói, dù là tài sản công, vốn nhà nước và thuế của dân nhưng nó chưa được rà soát, thống kê một cách chính xác từ tổng giá trị sổ sách đến phần vốn sở hữu... “Tất cả số liệu công bố từ trước đến nay vốn chỉ được tổng hợp thông qua báo cáo rất sơ sài của nhiều bộ, ngành và địa phương. Do đó, việc lập một cơ quan chuyên trách trực thuộc Chính phủ để quản lý là điều cần phải làm ngay”, ông Cung khẳng định.
Dự thảo nghị định lập cơ quan chuyên trách vốn sở hữu nhà nước theo kế hoạch sẽ được trình Chính phủ khóa mới cho ý kiến, trước khi Quốc hội xem xét quyết định vào tháng 7.2016. Về mô hình, cơ quan này sẽ trực thuộc Chính phủ, chuyên trách đầu tư, tách bạch quyền sở hữu nhà nước, quyền điều tiết kinh doanh và chức năng ban hành chính sách. Đặc biệt, theo TS Nguyễn Đình Cung, với việc quy tụ vốn DNNN tại 14 bộ, ngành về một đầu mối sẽ khắc phục được cảnh “cha chung không ai khóc”. Có một cơ quan, một đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Siêu bộ "đè" siêu tổng công ty
Không đồng tình với việc lập thêm một siêu bộ, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng nếu để tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu với DN thì bản thân cơ quan này vẫn là cơ quan nhà nước. Như vậy, về chủ thể không khác gì các bộ, ngành và hệ quả lại dẫn tới tình trạng một DNNN chịu sự chỉ đạo của cùng 2 cơ quan, vô cùng chồng chéo.
Cũng với những con người đưa sang từ các bộ, ngành và vẫn mang tính chất hành chính thì cũng chỉ là đánh bùn sang ao, không giải quyết được vấn đề gì. Hệ quả càng làm cho bộ máy trở nên cồng kềnh, ngân sách đang khó khăn lại phải chi thêm tiền, vô cùng tốn kém
Một chuyên gia tài chính
Bên cạnh đó, để có một cơ quan chuyên trách nắm sâu sát tình hình hoạt động kinh doanh của DN, theo TS Ngô Trí Long việc thông qua quản lý vốn không hề đơn giản vì quá trình quản trị mỗi DN liên quan đến một ngành nghề khác nhau, từ: gang, thép, sắt, sữa, viễn thông, ngân hàng... "Lập cơ quan mới thuộc Chính phủ sẽ cần rất nhiều thời gian, lại phải tăng biên chế trong khi bộ máy hiện nay đang cồng kềnh, nên cần phải tính toán một cách hết sức thận trọng", TS Long đề nghị.
TS Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), nói thẳng nếu cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các DN, Chính phủ có thể yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bắt buộc thực hiện và coi đó như mệnh lệnh sẽ hiệu quả hơn. Còn thành lập cơ quan chuyên trách, thực hiện bàn giao các DN sẽ mất thời gian với hàng loạt vấn đề như: nguồn gốc tài sản, tài sản tồn kho, văn bản giấy tờ... "Hơn nữa, Tổng công ty kinh doanh và quản lý vốn nhà nước (SCIC) sẽ làm gì trong khi cũng đang thực hiện các công việc này. Việc lập nên một siêu bộ mới có cần thiết không, tại sao không nâng cấp tổng công ty này lên?", ông Hải đặt vấn đề.
Vẫn theo ông Hải, hiện đang có tình trạng một số DNNN như Sabeco, Habeco dù có chỉ đạo cổ phần hóa, bán vốn nhà nước và bàn giao về SCIC nhưng vẫn chần chừ, dai dẳng không làm. Do đó, việc cổ phần hóa phải được thúc đẩy một cách quyết liệt, nhà nước không giữ vốn ở các DN không cần thiết; giải quyết triệt để tình trạng bộ, ngành muốn ôm khư khư các con gà đẻ trứng vàng không chịu nhả. "Nhưng cũng không vì thế mà phải lập ra một siêu bộ. Trước kia chúng ta có Tổng cục Quản lý và kinh doanh vốn nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính quản lý cả DN T.Ư và địa phương bị tan rã. Nay cần phải tính toán xem xét kỹ, có thể nâng cấp SCIC để đỡ tốn kém, cồng kềnh hay không", ông Hải đề nghị.
Một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, nếu thực sự cần một đầu mối quản lý vốn nhà nước tại các DN theo đúng tính chất đầu tư sinh lời thì chỉ cần nâng cấp SCIC là đủ. Dự thảo nghị định các DN phải chịu sự quản lý về vốn của cơ quan chuyên trách, đồng thời vẫn chịu sự quản lý nhà nước của các bộ chủ quản theo lĩnh vực. Như vậy, việc thành lập cơ quan chuyên trách chưa thực hiện được mục tiêu tập trung toàn quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, vô hình trung chúng tạo ra một cấp hành chính mới gây cồng kềnh bộ máy quản lý. "Cũng với những con người đưa sang từ các bộ, ngành và vẫn mang tính chất hành chính thì cũng chỉ là đánh bùn sang ao, không giải quyết được vấn đề gì. Hệ quả càng làm cho bộ máy trở nên cồng kềnh, ngân sách đang khó khăn lại phải chi thêm tiền, vô cùng tốn kém", chuyên gia này nói.
Theo Thanh Niên