Động thái trên được tuyên bố trong lúc mà chính quyền Tokyo đang cân nhắc áp dụng một số chính sách bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước.
Cả 3 tập đoàn nêu trên đều có lượng khách hàng ít hơn nhiều so với các đối tác Mỹ như Google, Amazon.com và Facebook. Tuy nhiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của những "người khổng lồ" Internet của Trung Quốc lại đang làm dấy lên nhiều quan ngại về rủi ro gây tác động tới nhiều thị trường cùng khả năng dữ liệu người dùng bị tập trung trong tay của một số bên ít ỏi.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông đã đặt ra mục tiêu giảm thiểu các rủi ro như vậy trong lúc Ủy ban Nghiên cứu Sức cạnh tranh của Thị trường của LDP nghiên cứu các nền tảng trực tuyến lớn.
Các công ty Internet này đã tạo dựng được mạng lưới khách hàng khổng lồ để có thể thu về lượng dữ liệu lớn, và lượng dữ liệu này được tận dụng để mở rộng hoạt động làm ăn ra nhiều lĩnh vực khác như tài chính và bán lẻ. Sự mở rộng này làm dấy lên nhiều lời kêu gọi chính phủ Nhật và LDP phải có biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trong nước có thể chịu tổn thương từ tiến trình này.
Ủy ban Nghiên cứu Sức cạnh tranh của Thị trường của đảng cầm quyền Nhật Bản từng tổ chức nhiều phiên điều trần trong tháng 3 năm nay, với các đại diện đến từ các công ty hoạt động ở nước này như Google, Amazon, Facebook và Apple. Ủy ban này sau đó kêu gọi các nhà cung cấp tăng sự minh bạch trong các thỏa thuận của họ với bên bán hàng.
Nhưng các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc lại gây ra thách thức lớn hơn bởi họ được tin là có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. Nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma, người đã từ chức Chủ tịch tập đoàn này vào hồi tháng 9 năm ngoái, từng được phát hiện là một thành viên của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sự phối hợp giữa chính quyền Bắc Kinh và bộ ba Baidu-Alibaba-Tencent nhằm thu thập dư liệu người dùng có thể giúp Trung Quốc giành lợi thế lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp mới. Giới quan sát cũng bày tỏ quan ngại về việc các công ty này thu thập và tận dụng thông tin cá nhân bất chấp quyền bảo vệ sự riêng tư của người dùng.
Tuy nhiên, một số thành viên của đảng LDP cảnh báo rằng, việc quản lý các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc một cách quá chặt chẽ có thể gây tổn hại tới các công ty trong nước. Ví dụ, Baidu hợp tác với Toyota Motor và Honda Motor để phát triển công nghệ lái xe tự động. Tập đoàn này cũng làm ăn với nhiều công ty đối tác ở Nhật trong việc phát triển ứng dụng ngôn ngữ Nhật có tên Simeji và quảng cáo các tour du lịch Trung Quốc ở Nhật Bản.
(Theo Nikkei Asian Review)