Điểm lại những đợt tăng vốn của Kosy
CTCP Kosy (Mã Chứng khoán: KOS) chào sàn Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HSX) kể từ ngày 22/7/2019. Trước thời điểm chuyển sàn 1 năm, vào tháng 7/2018, KOS đã thực hiện đợt tăng vốn đáng chú ý nhất kể từ khi thành lập, từ 415 tỷ đồng lên mức 1.037,5 tỷ đồng. Đợt tăng vốn được thực hiện thông qua tiến hành chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Theo báo cáo kết quả phát hành được KOS công bố, có 7 nhà đầu tư mua vào số cổ phiếu phát hành, nhưng hầu hết không phải là những cái tên quá xa lạ đối với công ty.
Trong đó, ông Nguyễn Việt Cường - nhà đầu tư được phân phối 32 triệu cổ phần - là cổ đông lớn nhất và cũng là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của KOS. Bên cạnh đó, những người thân của ông Cường cũng tham gia tích cực vào đợt phát hành riêng lẻ này.
Mặt khác, kết quả phát hành cũng cho thấy cơ cấu cổ đông cô đặc của KOS khi 7 nhà đầu tư kể trên đã nắm giữ tới 89,93% vốn điều lệ. Phần lớn trong số đó là những người có liên quan đến vị Chủ tịch KOS Nguyễn Việt Cường. Vị thế chi phối của nhóm cổ đông này tại KOS vẫn được duy trì tới cuối Quý 2/2019.
Xét trong giai 2014 - 2018, hàng năm KOS đều thực hiện tăng vốn điều lệ. Quy mô vốn của công ty được nâng từ 120 tỷ đồng lên mức 1.037,5 tỷ đồng, tăng gấp 8,64 lần chỉ sau 5 năm.
Trong 3 đợt phát hành đầu, KOS chủ yếu tăng vốn thông qua phát hành cho các cổ đông hiện hữu (số lượng tăng từ 3 lên 6 cổ đông vào thời điểm cuối tháng 11/2016).
Tiếp đó, 2 lần tăng vốn diễn ra vào năm 2017 và 2018 đều được thực hiện qua các đợt phát hành riêng lẻ. Nhưng như đã thấy, các nhà đầu tư tham gia chủ yếu xoay quanh các cổ đông lớn, lãnh đạo của KOS, dù rằng công ty này đã đại chúng hóa và niêm yết trên sàn UPCOM (thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) từ cuối năm 2017. Đáng chú ý, sau đợt phát hành tăng vốn vào tháng 7/2018, KOS cũng chỉ ghi nhận có 111 cổ đông.
“Cuộc chơi” tăng vốn bó hẹp cho những cổ đông đang nắm quyền chi phối tại KOS khiến các nhà đầu tư không khỏi e ngại về tính minh bạch và thực chất của những hoạt động này.
Mặt khác, theo các phương án sử dụng vốn được KOS công bố, phần lớn số vốn tăng thêm đều được dành cho lĩnh vực bất động sản - trụ cột phát triển được công ty này theo đuổi đã nhiều năm nhưng chưa đem lại hiệu quả.
Phía sau quá trình tăng vốn “thần tốc”
Kể từ năm 2011, KOS đã chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, lấy đây làm điểm tựa phát triển. Sự ưu ái mà KOS dành cho lĩnh vực này là điều có thể thấy rõ trong mỗi đợt tăng vốn khi phần lớn nguồn lực được dành cho các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu của KOS đến từ hoạt động mua bán vật liệu xây dựng (hay được biết tới là hoạt động thương mại), chiếm từ 70 - 80% doanh thu mỗi năm. Trong nửa đầu năm 2019, hoạt động thương mại vẫn chiếm tới 81,19% trong cơ cấu doanh thu của KOS, với giá trị ghi nhận đạt hơn 462,13 tỷ đồng.
Nhưng với giá vốn cao, nguồn lợi tích lũy từ hoạt động thương mại không nhiều, trong khi nhu cầu vốn của KOS ngày một tăng thêm để đổ vào các dự án bất động sản. Theo bản cáo bạch niêm yết gần nhất của KOS, chỉ riêng các dự án mà công ty đang triển khai đã có tổng mức đầu tư lên tới 2.506,032 tỷ đồng.
Dấu hiệu thiếu hụt dòng tiền của KOS khởi phát từ năm 2016 khi dòng tiền lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận giá trị âm 110,2 tỷ đồng. Đỉnh điểm là năm 2018, khi KOS ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 532,52 tỷ đồng.
Cần lưu ý rằng, năm 2016 cũng là lúc những nguồn doanh thu từ thương mại và bất động sản được KOS ghi nhận mới thực sự đột biến, trong khi năm 2015 các hoạt động này không mang lại nguồn thu. Đây cũng là thời điểm mà KOS rục rịch chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trên báo cáo tài chính, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho cũng có tốc độ gia tăng đáng lưu ý với số dư cuối kỳ tăng nhanh qua từng năm. Đây cũng là những khoản mục mà các nhà đầu tư đặc biệt lưu ý vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ thao túng báo cáo tài chính.
Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của KOS tăng mạnh từ mức 2,8 tỷ đồng năm 2015, đạt 302,4 tỷ đồng vào cuối Quý 2/2019. Tương tự, các khoản trả trước cho người bán cũng tăng mạnh từ mức 6,7 tỷ đồng cuối năm 2015, lên mức 596,43 tỷ đồng tại ngày 30/6/2019.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn trong số dư trả trước người bán của KOS là 2 pháp nhân: CTCP Đầu tư và Xây dựng hạ tầng Thủ đô và CTCP KPT Việt Nam. Đây đều là những doanh nghiệp ít nhiều đã từng có mối liên hệ với gia định vị Chủ tịch KOS.
Việc ứ đọng vốn khiến hoạt động kinh doanh chính không đem lại thặng dự về dòng tiền nhưng KOS vẫn đều đặn dành từ 70 tỷ đến hơn 80 tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động đầu tư và góp vốn vào đơn vị khác.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt về dòng tiền, như đã thấy, KOS đã nhiều lần thực hiện tăng vốn trong suốt giai đoạn 2014 - 2018.
Song, vấn đề cần đặt ra là tính thực chất của những hoạt động này, bởi mỗi đợt tăng vốn của KOS đều có sự đóng góp không nhỏ của nhóm cổ đông nắm quyền chi phối, trong khi báo cáo tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro mà những cổ đông nhỏ lẻ - với sự giới hạn thông tin về hoạt động của công ty - khó có thể nắm bắt được một cách tường tận./.