Lần đầu nối gân Asin bằng kỹ thuật hiện đại, giúp giảm biến chứng và sớm ra viện

VietTimes  -  Lần đầu tiên ở Việt Nam, phương pháp nối gân Asin bằng đường mổ nhỏ đã được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào sáng nay, 17/4, với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Ca mổ nối gân Asin bằng kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên ở Việt Nam được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ca mổ nối gân Asin bằng kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên ở Việt Nam được tiến hành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

TS. Đỗ Văn Minh – Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao của Bệnh viện này cho biết, phương pháp mới mang đến nhiều ưu thế so với mổ kinh điển. Nếu mổ theo phương pháp truyền thống sẽ phải rạch đường da rộng, đồng thời phải bộc lộ vào gân vết hở rộng tương đương và khâu nối bằng chỉ không tiêu. Bệnh nhân sẽ phải bó bột thời gian khá dài, 6-12 tuần. Đã vậy, mổ theo phương pháp kinh điển thì tỉ lệ nhiễm trùng cao do vết mổ dài (có thể tới 30cm), đặc biệt là có thể làm tổn thương dây thần kinh cảm giác, khiến bệnh nhân bị biến chứng tê chân; mép da dễ bị hoại tử, không liền được và những bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi thì sẽ bị sẹo nổi cộm, to và dài phía gót chân nên đi giày sẽ bị đau. Thời gian nằm viện từ 7 đến 14 ngày, trong khi vẫn phải bó bột khoảng 3 tháng và bệnh nhân phải đi bằng nạng.

“Ngược lại, áp dụng phương pháp lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện, bác sĩ chỉ rạch đường mổ nhỏ chừng 3cm, theo chiều ngang, nên sau khi liền cũng không bị biến chứng dù có sẹo lồi. Do đường mổ nhỏ, nên giảm tối đa nguy cơ tổn thương dây thần kinh cảm giác, ít nhiễm trùng và thời gian nằm viện giảm chỉ còn 3-5 ngày. Đặc biệt, kỹ thuật này có cấu trúc gia cố bên trong miệng nối, nên bảo vệ cho miệng nối gân Asin bền vững để người bệnh có thể vận động sớm hơn. Thời gian bất động bằng bó bột ngắn và có thể vận động được sau 10 ngày bó bột”- TS. Đỗ Văn Minh cho hay.

Chuyên gia nước ngoài trao đổi với các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Chuyên gia nước ngoài trao đổi với các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

TS. Minh cũng cho hay, việc đưa kỹ thuật mới này vào sử dụng ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, nhất là trong bối cảnh bệnh nhân bị đứt gân Asin và viêm điểm bám gân Asin ngày càng tăng. Riêng tổn thương ở gân Asin do chấn thương thể thao mỗi ngày cũng có vài chục người đến đây khám và điều trị.

Theo TS. Đỗ Văn Minh, bệnh nhân bị đứt gân Asin do chấn thương thể thao và hầu hết ở người trẻ; còn viêm điểm bám gân Asin do hoạt động nhiều, có ở mọi lwad tuổi. Đáng lưu ý khi nhiều người cho rằng việc tổn thương gân Asin không cần điều trị, trong số này, đáng tiếc có cả bác sĩ ở bệnh viện ngoại khoa hàng đầu. Vì thế, hầu hết các bệnh nhân đều đến bệnh viện muộn, nên việc điều trị rất khó khăn. Các bệnh nhân bị viêm điểm bám gân Asin cũng thường chỉ đến khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi đã điều trị nội khoa thất bại, có người bị đứt gân Asin do tiêm thuốc không đúng chỉ định.

TS. Đỗ Văn Minh – Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang phẫu thuật
TS. Đỗ Văn Minh – Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang phẫu thuật

“Khi thấy có các dấu hiệu tổn thương gân Asin như đau đớn ở gót chân, đi lại khó khăn, không kiễng bằng chân bị đau được, cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn, để không bị phát hiện và điều trị khi quá muộn” –TS. Minh khuyến cáo.

Cũng trong ngày 17/4, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng lần đầu tiến hành phẫu thuật tạo hình dây chằng cổ chân bằng kỹ thuật mới cho một bệnh nhân. Các bác sĩ đã sử dụng một vật liệu nhân tạo gia cố cho dây chằng sên mác để bảo vệ trong quá trình làm, từ đó giảm thời gian bất động, giúp bệnh nhân sớm đi lại cũng như sớm quay lại với thể thao.