Năm 2010, sau khi đỗ vào một trường cấp 3, tôi bắt đầu được tiếp xúc với điện thoại. Thời đó, iPhone hay những chiếc Samsung Galaxy đều là những thiết bị xa xỉ mà không phải ai cũng có thể tiếp cận. Thiết bị đầu tiên tôi sử dụng cũng không phải là một chiếc điện thoại thông minh, đó là chiếc Samsung Champ C3303K, một thiết bị cơ bản với màn hình cảm ứng bằng bút có kích thước 2,4 inch.
Khi đó, khái niệm smartphone vẫn còn là một điều gì đó khá xa lạ đối với tôi. Tuy nhiên, khoảng nửa năm sau, khi làn sóng điện thoại qua sử dụng xách tay từ Hàn Quốc bắt đầu bùng nổ, tôi đã có suy nghĩ “sao không thử sử dụng một chiếc smartphone Android xem có gì khác biệt".
Vậy là tôi mua một chiếc LG Optimus 2X cũ, xách tay Hàn Quốc với mức giá hơn 3 triệu đồng từ một người quen. Cũng từ thời điểm đó, tôi đã gắn bó với hệ điều hành Android với đủ các smartphone đến từ những thương hiệu như LG, Samsung, Sky, HTC, Sony... hay gần đây là các model cao cấp đến từ Xiaomi, Vivo, Oppo. Có thể nói, gần 10 năm qua, tôi đã sử dụng smartphone cả cao cấp lẫn giá rẻ đến từ hầu hết nhà sản xuất điện thoại Android.
Thương hiệu duy nhất tôi chưa từng trải nghiệm là iPhone của Apple. Thậm chí, một số người bạn còn coi là là một "anti-fan chân chính" của táo khuyết. Trước đây, cá nhân tôi cũng không thực sự thích những chiếc iPhone vì nhiều lý do khác nhau như giá bán hay thiết kế.
Mức giá "trên trời"
Tháng 1/2019, tôi đã quyết định chuyển qua trải nghiệm nền tảng iOS với chiếc iPhone 8 Plus. Lý do chính khiến tôi chọn mua chiếc máy này nằm ở giá bán của sản phẩm.
Hiện tại, để có thể sở hữu một thiết bị cao cấp nhất, đời mới nhất là iPhone XS Max, chi phí cần bỏ ra lên tới 40 triệu đồng. Với tôi, đây là một mức giá cao vô lý cho một chiếc điện thoại.
Ngay cả với những mẫu máy đời cũ hơn như iPhone X hay iPhone 8 Plus, người dùng cũng cần chi trả khoản tiền hơn 20 triệu đồng. Mức giá này thậm chí tương đương với chi phí dành cho những thiết bị Android cao cấp nhất vừa ra mắt của các hãng.
Do đó, giá bán sẽ là yếu tố lớn nhất cản trở người dùng tiếp cận với những chiếc iPhone. Điểm cộng duy nhất mà tôi biết được của những thiết bị này nằm ở khả năng giữ giá của máy sau khi bán lại.
Bất tiện không đáng có
Từ thế hệ iPhone 7, Apple đã bắt đầu loại bỏ đi giắc cắm tai nghe và buộc người dùng sử dụng chung với cổng sạc Lightning. Với tôi, đây là một ý tưởng thực sự tồi tệ.
Chiếc tai nghe bán kèm trong hộp có chất lượng không hề tốt. Chỉ sau 2 tháng, dây cáp đã đứt và không thể dùng được. Sợi cáp chuyển đổi giữa cổng sạc và giắc cắm tai nghe cũng không giúp ích được gì nhiều bởi tôi đã vô tình làm mất nó trong một chuyến đi du lịch. Nó quá nhỏ và dễ rơi, tôi thậm chí không biết mình đã làm mất lúc nào.
Tôi cũng đã trang bị cho bản thân một chiếc tai nghe không dây để sử dụng chung với máy. Tuy nhiên, nó cũng không phải giải pháp tối ưu khi tôi thường xuyên để quên chúng ở nhà.
Với tôi, việc thiếu sót giắc cắm tai nghe là điều tồi tệ nhất Apple đã làm trên chiếc iPhone 8 Plus. Nó cũng hạn chế việc sử dụng máy với những mẫu tai nghe mà tôi đã mua trước đó.
Một điểm khác khiến tôi chưa hài lòng trên iPhone 8 Plus nằm ở thời lượng sử dụng pin. Cá nhân tôi không phải là một người thường xuyên chơi game. Do tính chất công việc, tôi luôn luôn sử dụng Wi-Fi và 4G cùng các ứng dụng mạng xã hội. Điều này khiến máy nóng lên nhanh chóng và tốn khá nhiều pin.
Trên thực tế, thời lượng sử dụng pin của mẫu máy này không phải quá tệ. Tuy nhiên, so với những thiết bị có pin dung lượng cao khoảng 4.000 mAh mà tôi từng sử dụng trước đây, viên pin 2.681 mAh trên iPhone 8 Plus vẫn chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng ở cường độ cao. Thông thường, tôi sẽ phải sạc pin cho máy 2 lần mỗi ngày.
Những trải nghiệm đáng giá
Hai yếu tố trên là những thứ khiến tôi cảm thấy chưa hài lòng về chiếc iPhone 8 Plus. Tuy nhiên, những điều còn lại máy đều có thể đáp ứng tốt, thậm chí vượt trội so với smartphone Android.
Đầu tiên là trải nghiệm ổn định của hệ điều hành. Những ứng dụng có thể cài được trên máy đều hoạt động một cách đơn giản và trơn tru. Tôi gần như không gặp bất cứ hiện tượng giật lag trong quá trình sử dụng. Phần mềm trên nền tảng iOS cũng thường xuyên được cập nhật tính năng mới, giao diện mới hơn so với ứng dụng trên hệ điều hành Android.
Trong hơn 3 tháng sử dụng, tôi chưa từng gặp bất cứ tình trạng bị báo lỗi ứng dụng, thoát ra ngoài khi đang sử dụng hay phải khởi động lại máy. Đây là những vẫn đề vẫn thường xuyên xuất hiện ở những chiếc điện thoại Android dù giá rẻ hay cao cấp.
Có thể nói, iPhone mang đến những trải nghiệm hết sức đơn giản và người dùng có thể dễ dàng làm quen với giao diện sử dụng máy chỉ trong thời gian ngắn. Tôi cũng đã hiểu được vì sao các bạn nữ ít hiểu biết về công nghệ hay những người cao tuổi có thể sử dụng iPhone dễ dàng.
Mọi thao tác, ứng dụng trên nền tảng này đều được hãng thiết kế tối giản. Các phần mềm cũng có khả năng hoạt động tự động tốt. Với ứng dụng camera, người dùng cũng chỉ cần cầm máy lên và bấm chụp, máy sẽ tự động tính toán mọi thông số để đưa ra bức ảnh đủ tốt.
Một điểm cộng lớn nữa của iOS so với smartphone Android là khả năng cập nhật phần mềm hệ thống. Với nền tảng Android, khi Google công bố phiên bản hệ điều hành mới, những thiết bị Pixel sẽ được cập nhật sớm nhất. Với những thiết bị khác từ Samsung, LG, Sony, người dùng sẽ cần chờ đợi ít nhất 2 tháng để được cập nhật. Tuy nhiên với iPhone, khi Apple ra mắt phiên bản phần mềm mới, ngay lập tức mọi thiết bị nằm trong diện được nâng cấp đều có thể cập nhật.
Không chỉ phần mềm hệ thống, những ứng dụng của bên thứ 3 như Facebook, Instagram, VSCO... trên iOS đều mượt và nhanh hơn, ổn định hơn, thậm chí giao diện có phần tinh xảo và hợp lý hơn. Những tựa game ưa thích của tôi đều chạy êm trên chiếc iPhone, không mấy vất vả.
Đây là điều khiến người dùng cảm thấy được chăm sóc và quan tâm, thứ mà gần 10 năm sử dụng điện thoại Android tôi không có được. Hiện tại, tôi cũng chưa có ý định quay trở lại dùng smartphone Android, dù chiếc iPhone 8 Plus đã khá lỗi thời về mặt công nghệ camera hay kết nối 5G so với những bom tấn di động của năm 2019.