Làm thế nào để Việt Nam có hệ thống đấu thầu qua mạng minh bạch như Ukraina?

VietTimes -- Năm 2018, một loạt các báo đưa tin Việt Nam kỳ vọng được như Ukraina trong công tác đấu thầu qua mạng. Theo đó, hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro của Ukraina đã giúp cho nước này giảm 10% tổng giá trị ngân sách mua sắm quốc gia. Vậy, Việt Nam có thể học gì ở hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro của nước bạn?
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (ảnh Báo Đấu thầu)
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (ảnh Báo Đấu thầu)

Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro của Ukraina

Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro được ra đời vào năm 2014 với tham vọng trở thành một sáng kiến giúp thay đổi thực trạng tham nhũng trong hoạt động mua sắm công tại Ukraina.

Sau 3 năm triển khai, hệ thống đã đem lại nhiều con số đầy ấn tượng: 97.000 nhà thầu đã sử dụng ProZorro, 754.700 gói thầu được thực hiện thông qua hệ thống, giúp tiết kiệm 770 triệu euro - tương đương 10% tổng giá trị ngân sách mua sắm hàng năm tại quốc gia này, tổng giá trị gói thầu trên hệ thống tính đến năm 2017 là 19 tỷ euro.

Với những thành tựu này, ProZorro đã được trao giải thưởng toàn cầu về Chính phủ Mở (Open Government Global Awards) tại Hội nghị thượng đỉnh về Sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở lần thứ 4 tổ chức tại Paris vào ngày 7 tháng 12 năm 2016. Trước đó, hệ thống còn đạt giải thưởng Đấu thầu Thế giới (World Procurement), cũng như được Hợp tác Hợp đồng Mở (Open Contracting Partnership) tôn vinh là ví dụ điển hình về mô hình điện tử hóa hoạt động mua sắm công.

Việt Nam có thể học gì ở hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro của Ukraina?

Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro của Ukraina (ảnh Báo Đầu tư)
Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro của Ukraina (ảnh Báo Đầu tư)

Việt Nam đang xây dựng lại hệ thống Mua Sắm Công của chính phủ, đây là cơ hội rất tốt để học hỏi mô hình hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro của Ukraina. Với kinh nghiệm vận hành hệ thống Mua Sắm Công 10 năm, hệ thống hành lang pháp luật tương đối đầy đủ và hệ thống công nghệ thông tin hoàn toàn có thể làm chủ được, đây là những tiền đề tốt để Việt Nam học hỏi mô hình hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro của Ukraina. Tuy nhiên hệ thống của Việt Nam cần rút kinh nghiệm các vấn đề sau:

1. Nền tảng phần mềm tốt - sử dụng phần mềm nguồn mở & công nghệ mở.

Sử dụng phần mềm nguồn mở & công nghệ mở là điều kiện tiên quyết để sở hữu một nền tảng phần mềm tốt với ngân sách phù hợp. Giúp tránh lặp lại vết xe đổ như hiện tại khi phần mềm bắt buộc phụ thuộc nền tảng Internet Explorer và Windows và buộc phải cài quá nhiều phần mềm hỗ trợ.

2. Quy trình nhanh gọn, hiệu quả

Quy trình thủ tục đấu thầu phức tạp, hệ thống đòi hỏi phức tạp (ví dụ buộc phải cài quá nhiều phần mềm hỗ trợ) là lý do các nhà thầu vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ ngại tham gia hệ thống đấu thầu điện tử. Ngay cả hệ thống thanh toán cũng cần đa dạng, hỗ trợ tất cả các phương thức một cách tự động, nhanh gọn giúp nhà thầu dễ dàng tham gia hệ thống.

3. Hệ thống thống kê rõ ràng, công cụ giám sát hiệu quả

Dữ liệu có tính liên kết, có khả năng thống kê, so sánh và đối chiếu dữ liệu... giúp mọi thứ truy cập dễ dàng, công khai, minh bạch... là thứ mà hệ thống Mua Sắm Công hiện tại của Việt Nam đang thiếu. Hệ thống mới cần có các chức năng này để đảm bảo việc giám sát thông tin có thể dễ dàng thực hiện.

ProZorro đã tạo ra những công cụ giám sát (xem thêm tại bi.prozorro.org/en) bao gồm thông tin công khai về các nhà thầu, cơ quan thực hiện mua sắm, những người tham gia, đơn từ khiếu nại, các bản tóm tắt hợp đồng và tất cả những văn bản được người dùng đăng tải lên trên web.... đây là những cái mà hệ thống Mua Sắm Công mới của Việt Nam cũng cần có, để nhà thầu giám sát chủ đầu tư/ bên mời thầu, và cơ quan nhà nước dễ dàng giám sát các nhà thầu.

4. Dữ liệu hoàn toàn mở, dễ dàng tiếp cận, khai thác, được cấp phép theo giấy phép dữ liệu mở

Hệ thống đấu thầu điện tử ProZorro không che giấu bất kỳ thông tin nào, người dùng có thể xem tất cả dữ liệu sẵn có, được cấp phép là dữ liệu mở (Open Data), bản thân hệ thống phần mềm cũng được xây dựng trên mã nguồn mở (open source). Thậm chí nội dung này còn được ghi đầu tiên trong phần giới thiệu về ProZorro, như sau: “Theo Luật Mua hàng Công cộng của Ukraine, cổng thông tin web này (ProZorro) là tài nguyên dữ liệu mở chính thức cung cấp quyền truy cập miễn phí vào tất cả dữ liệu mua công khai trên tất cả các đấu thầu được công bố từ tháng 7, 31 năm 2016 bằng tiếng Ukraina, với thông báo đấu thầu về giá trị dự kiến có thể được công bố bằng tiếng Anh”.

Như vậy, đảm bảo khả năng tiếp cận dữ liệu là vấn đề then chốt mà hệ thống Mua Sắm Công mới của Việt Nam cần có. Việc này không những đảm bảo khả năng tiếp cận thực tế của người dùng trên hệ thống mà còn giúp phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp start-up tham gia vào xây dựng những hệ thống phụ trợ cho nền tảng dữ liệu thầu (trong trường hợp hệ thống phần mềm của chính phủ chưa thể đáp ứng ngay được). Đây sẽ là những cánh tay nối dài, giúp việc đấu thầu trở lên tiện lợi, dễ tiếp cận.

Bốn điểm mấu chốt nêu trên sẽ giúp hệ thống Mua Sắm Công mới của Việt Nam giải quyết các thách thức mà một hệ thống như ProZorro đã gặp phải: Hòa hợp các bên tham gia và giải quyết vấn đề niềm tin trong mua sắm công.

Đấu thầu trực tuyến, hay còn gọi là "Đấu thầu qua mạng" là hình thức đấu thầu online qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Hình thức này sẽ loại bỏ tình trạng Quân xanh - Quân đỏ, tạo sự minh bạch, tăng cơ hội tham gia cho các nhà thầu có năng lực. Mở rộng cơ hội cho các nhỏ và vừa tham gia vào thị trường mua sắm chính phủ nhờ các lợi ích như: Tiết kiệm chi phí tham gia, giảm tiêu cực trong việc hạn chế mua hồ sơ thầu; Phá bỏ rào cản, gia tăng cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; Xóa bỏ tình trạng "quân xanh quân đỏ" mà lâu nay chưa có cách "điều trị", gia tăng niềm tin cho các nhà thầu tham gia mạng mẽ và tích cực. Đây đều là những điểm cố hữu mà bấy lâu nay hệ thống mua sắm công của Việt Nam chưa thể giải quyết được. Tuy nhiên bằng công nghệ và công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực đấu thầu, xu hướng này là tất yếu, chỉ có điều Việt Nam lựa chọn sớm hay muộn mà thôi.