Kỳ quan bầu trời đêm có nguy cơ bị xóa sổ vì các vệ tinh của Elon Musk!

VietTimes –  Các nhà thiên văn học đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa khi mà bầu trời nguyên sơ ở New Zealand và Úc bị che lấp bởi dàn vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk.
Các vệ tinh Starlink của SpaceX có thể được quan sát bằng mắt thường trên bầu trời đêm. Ảnh: The Guardian
Các vệ tinh Starlink của SpaceX có thể được quan sát bằng mắt thường trên bầu trời đêm. Ảnh: The Guardian

Bầu trời đêm không chỉ là một không gian văn hóa thiêng liêng mà còn là nó còn cho chúng ta thấy sự biến đổi không ngừng của các dạng vật thể. Ngắm bầu trời đêm, bạn có thể nhìn thấy những vì sao, chòm sao, mặt trăng, sao băng, và đôi khi là các hành tinh chỉ bằng mắt thường.

Bầu trời đêm ở Úc và New Zealand trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới vì vẻ đẹp thoát tục của nó. Kỳ quan thiên nhiên này đã thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về các khu bảo tồn như Tekapo trên đảo Nam New Zealand và công viên quốc gia Warrumbungle ở New South Wales.

Ngoài y nghĩa du lịch, bầu trời đêm còn có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực thiên văn học.

Tuy nhiên, các nhà thiên văn học tại đây cho biết các vệ tinh Starlink của SpaceX đang thay đổi bầu trời đêm mãi mãi.

Ảnh: Fooshya
Ô nhiễm ánh sáng do các vệ tinh gây ra đã gây cản trở quá trình quan sát và nghiên cứu vũ trụ. Ảnh: Fooshya

“Chúng ta cần có một cuộc thảo luận về bầu trời đêm - đây là vấn đề khẩn cấp”, Tiến sĩ Michele Bannister, giảng viên cao cấp về thiên văn học tại Đại học Canterbury, New Zealand cho biết.


“Bầu trời đêm bắt đầu xuất hiện hàng loạt những vệ tinh phát sáng. Khi bạn nhìn lên bầu trời, bạn muốn ngắm những thứ tự nhiên hay muốn nhìn thấy những công trình nhân tạo?”

Kể từ tháng 5 năm ngoái, SapceX đã phóng vào không gian khoảng 400 vệ tinh. Theo công ty, nhiệm vụ của các vệ tinh này là cung cấp internet băng thông tốc độ cao, giá rẻ đến các vùng xa xôi trên toàn cầu. Nhưng tác dụng chưa thấy đâu thì sự hiện diện của quá nhiều vệ tinh đang gây ra báo động.

Kể từ khi các vệ tinh được triển khai, chúng được phóng theo nhóm khoảng 60 vệ tinh, giống như một chuyến tàu hỏa trên bầu trời. Hình ảnh của Hệ Mặt trời được chụp bởi các đài quan sát khoa học cũng bị phá hủy do ô nhiễm ánh sáng mà chúng phát ra.

Ảnh: The Guardian
Sự xuất hiện của các vệ tinh trên bầu trời đêm ở Úc. Ảnh: The Guardian

Giáo sư Jonti Horner, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Nam Queensland, Úc, cho biết bầu trời đêm đang bị đe dọa. Theo ông, bầu trời đêm có giá trị như một di tích lịch sử thiêng liêng và quý giá nhưng nó lại “không hề có một cơ quan quản lý không gian, không có sự giám sát và không ai thực sự kiểm soát được”.


“Bầu trời đêm đã trải qua nhiều thập kỷ xuống cấp. Tôi lớn lên ở phía bắc nước Anh và bầu trời đêm của tôi màu cam. Thực sự, không có nơi nào ở Anh có bầu trời đêm đẹp như ở Úc hay New Zealand”, ông nói.

“Chúng ta đã mất rất nhiều bầu trời đêm và đây dường như là bước tiếp theo dẫn đến sự biến mất hoàn toàn của chúng - trừ khi chúng ta làm điều gì đó”, ông nói thêm.

Nhiều nhà thiên văn học và các nhà thám hiểm nghiệp dư cũng đã bày tỏ những mối quan tâm tương tự. Có rất nhiều hình ảnh về một bầu trời đêm bị “bốc cháy” bởi các vệ tinh Starlink được họ chia sẻ trên các phương tiện truyền thông xã hội.

“Thứ gây chú ý ở đây chính là ánh sáng chói mà “chuỗi ngọc trai” Starlink tạo ra trên bầu trời”, Keith Jeff Hall, Giám đốc Đài Thiên văn Lowell ở Arizona nói với Space News.

Đặc biệt, ở khu vực bán cầu nam, khi mà mức độ ô nhiễm ánh sáng khá thấp, các vệ tinh Starlink của SpaceX lại càng gây chú ý nhiều hơn, thậm chí, chúng có thể được nhìn thấy bằng mắt thường.

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Về phía SpaceX, hãng từng có kế hoạch phóng 12.000 vệ tinh. Tuy nhiên, sau làn sóng phản đối của cộng đồng thiên văn học, công ty đã bắt đầu tìm cách để làm cho các vệ tinh này trở nên tối hơn như sơn màu tối, lắp kính nhằm hạn chế phản xạ ánh sáng.


Theo một báo cáo mới đây của CNBC, thiết kế mới có tên DarkSat của SpaceX có thể giảm 55% độ sáng của các vệ tinh. Đến tháng 6 này, tất cả các vụ phóng Starlink của hãng sẽ sử dụng thiết kế VisorSat - về cơ bản, đây là những tấm vật liệu che nắng giúp giảm khả năng phản xạ của vệ tinh.

Tuy nhiên, các nhà thiên văn học vẫn bày tỏ thái độ hoài nghi về tuyên bố của SpaceX. Họ cho biết, bất kể công ty có đưa ra điều gì cũng không thể chối bỏ được sự hiện diện của chúng trên bầu trời đêm.

Ảnh: News Break
Dàn vệ tinh Starlink của SpaceX phát sáng trên bầu trời. Ảnh: News Break

Tiến sĩ Ian Griffin, một nhà thiên văn học và cũng là Giám đốc của bảo tàng Otago (thuộc đảo Nam New Zealand) đã đưa ra loạt hashtag “#muskdestroysdusk” (Musk phá hủy bầu trời đêm), ông cũng mô tả các vệ tinh của SpaceX là “ký sinh trên bầu trời”.


Kể từ năm 2019, tại New Zealand, các nhà thám hiểm đã nhanh chóng nhận ra sự khác lạ trên bầu trời. Ở Úc, một nhiếp ảnh gia đã cho rằng anh ta đã chụp được một trận mưa sao băng Eta Aquarids nhưng thực tế, người này đã chụp được các vệ tinh của SpaceX.

Michael Brown, một giáo sự hiện đang làm việc tại khoa vật lý thiên văn học của Đại học Monash lo ngại rằng Starlinks đang đánh cắp “cái nhìn hoang dã về thế giới của chúng ta”. Ngoài SapceX, một số công ty vũ trụ tư nhân khác cũng đang chuẩn bị ra mắt các vệ tinh của riêng họ.

“Bạn muốn ngắm nhìn bầu trời đêm như nhiều người đã nhìn thấy trong nhiều thiên niên kỷ - điều đó thực rất quý giá và quan trọng”, ông Brown nói. “Những vệ tinh này là lời nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện của công nghệ loài người dù bạn có có đang ở đâu trên thế giới vào buổi đêm. Nó thực sự rất đáng lo ngại”.

Theo The Guardian