Kỷ niệm 10 năm App Store: Apple đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về các app như thế nào?

VietTimes – Ngày 11/7/2008, Apple đã chính thức ra mắt chợ ứng dụng App Store dành cho iOS. Mặc dù App Store không hoàn hảo nhưng nó đã góp phần làm thay đổi nhận định của xã hội ngày nay về các ứng dụng.
App Store đã thay đổi suy nghĩ của người dùng về phần mềm, ứng dụng. Ảnh: Engadget
App Store đã thay đổi suy nghĩ của người dùng về phần mềm, ứng dụng. Ảnh: Engadget

Chiếc iPhone thế hệ đầu tiên ra đời năm 2007 chỉ có 12 ứng dụng tích hợp sẵn nhưng iOS 2.0 và App Store xuất hiện mở ra một thế giới ứng dụng không chỉ bị giới hạn bởi ý tưởng của các nhà phát triển và nhanh chóng lấp đầy bộ nhớ thừa thãi trên điện thoại của bạn.

Một sự thật trớ trêu, CEO Apple từng kiên quyết phản đối ý tưởng về chiếc iPhone chạy phần mềm do bên thứ 3 phát triển. Cây bút Walter Isaacson đã kể lại trong cuốn tiểu sử về Steve Jobs như sau: “Ông ấy không muốn bên thứ 3 tạo ra các ứng dụng cho iPhone vì họ có thể làm hỏng nó, phát tán virus hoặc phá hủy tính toàn vẹn của iPhone”.

Ảnh: Engadget
 Ảnh: Engadget

Cuối cùng, ông Jobs đã thay đổi ý kiến của mình và giúp mang đến một cuộc sống mới trong ngành công nghiệp thiết bị di động. Ngày nay, chúng ta có thể xác định vị trí, đọc văn bản, gọi taxi, thanh toán hóa đơn, tìm việc làm, hẹn hò… hay đơn giản chỉ là giết thời gian đều nhờ sự phát triển của các ứng dụng di động. Những chiếc smartphone luôn song hành cùng bạn mỗi ngày và sự hữu ích của các ứng dụng là không thể phủ nhận.

Có lẽ tôi sẽ không cần kể cho bạn về sự phát triển không ngừng của các ứng dụng di động trong những năm qua. Với bất kỳ ứng dụng, kể cả đơn giản và vô dụng nhất như ứng dụng mô phỏng cốc bia, máy cạo râu cũng tồn tại hàng tá phiên bản khác nhau trên App Store.

Trong những sự kiện lớn của mình, Apple luôn đề cập tới tác động tài chính của App Store. Công ty cho biết các nhà phát triển đã kiểm được 100 tỷ USD từ khi chợ ứng dụng dành cho iOS ra mắt. Tuy nhiên, sau 10 năm thay đổi của công nghệ, điều quan trọng nhất chúng ta nên ghi nhớ là chính App Store đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về ứng dụng.

Giờ đây, ứng dụng không chỉ còn là thứ bạn buộc phải gò mình ngồi trước màn hình PC tải xuống và cài đặt. Ứng dụng trên smartphone nói chung và thiết bị iOS nói riêng chỉ mất vài phút để cài đặt và bạn có thể sử dụng chúng như cơm ăn, áo mặc hàng ngày. Không quá lời khi nói khả năng tiếp cận dễ dàng của các ứng dụng trên Apple Store (với người dùng) đã mở ra một thời đại mới của smartphone.

Hiển nhiên, việc cho phép các nhà phát triển bên ngoài xây dựng ứng dụng đi kèm với không ít rủi ro. Apple đã không dám tiên phong trong ý tưởng tạo ra chợ ứng dụng, nơi người dùng có nhiều quyền lựa chọn hơn để tải xuống công cụ mong muốn trên máy tính. Tới năm 1991, Steve Jobs mới giới thiệu 1 cơ sở ứng dụng tập trung dành cho thế hệ máy tính NeXT. Tuy nhiên, với mặt bằng chung của công nghệ cuối những năm 90 đầu những năm 2000, các ứng dụng này thường có giao diện không trực quan và người dùng PC truyền thống thực sự phải mày mò rất lâu mới có thể sử dụng thuần thục.

Hướng dẫn sử dụng rắc rối của thế hệ máy tính NeXT. Ảnh: Engadget
Hướng dẫn sử dụng rắc rối của thế hệ máy tính NeXT. Ảnh: Engadget

Tương tự, hãy nhìn sang các phiên bản Windows trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX, việc tìm kiếm phần mềm là quá trình phức tạp; từ tìm kiếm trên các trang web, các diễn đàn đến tải về và cài đặt chúng lên máy một cách mù quáng.  Các cổng chia sẻ phầm mềm nổi tiếng như Download.com và Softpedia chắc chắn đã giúp đỡ rất nhiều nhưng để tìm ra phần mềm thực sự đáp ứng nhu cầu vẫn giống như “mò kim đáy bể”.

Trong một thời gian dài, nền tảng mã nguồn mở như Linux đã được coi là hệ điều hành hoàn hảo nhất. Linux không chỉ cho phép người dùng truy cập dễ dàng vào kho phần mềm mà bạn còn có thể tinh chỉnh hệ thống trong nháy mắt bằng vài dòng lệnh ngắn. Linux sở hữu kho phần mềm hữu ích nhưng lại rất kén người dùng. Không phải người dùng mới nào cũng đủ kiên nhẫn để học những thao tác sử dụng trên Linux, điều này khiến Linux chưa bao giờ có thể trở nên phổ biến.

Thủa sơ khai, các chợ ứng dụng dành cho điện thoại di động cũng chẳng thực sự tốt. Số lượng ứng dụng hữu ích vô cùng ít, các trò chơi cũng kém hấp dẫn. Với bộ công cụ lập  trình và mã nguồn được cung cấp giới hạn, rất khó để bạn có thể tìm thấy một ứng dụng từ bên thứ 3. Hài hước hơn là các nhà cung cấp dịch vụ mạng lại đóng vai trò như ông lớn trong lĩnh vực phân phối phần mềm, ứng dụng di động. Họ thực hiện bằng cách xây dựng các cửa hàng kỹ thuật số, cài đặt sẵn trên thiết bị như Get It Now của Verizon (ra mắt 2002) và Media Mall của AT&T (2004). Và bất cứ khi nào bạn quyết định cài đặt phần mềm thì cũng phải sẵn sàng để đối mặt với hóa đơn cao ngất ngưởng cuối tháng.

Các nhà mạng từng đóng vai trò nhà phân phối ứng dụng di động lớn nhất. Ảnh: Engadget
Các nhà mạng từng đóng vai trò nhà phân phối ứng dụng di động lớn nhất. Ảnh: Engadget 

Một số người có điều kiện tài chính tốt sẽ chọn cho mình một chiếc PDA. Đối với Windows Mobile, bạn có thể tải về miễn phí đa số các phần mềm (miễn phí & trả phí) nếu biết nơi để tìm. Trong khi đó, một nền tảng hệ điều hành phổ biến khác dành cho PDA là Palm OS cho phép bạn mua ứng dụng trực tiếp trên thiết bị thông và tải về qua trình duyệt. Chất lượng của các ứng dụng trên PDA thường khá ổn nhưng quá trình tải về và cài đặt lại không trực quan.

Cuối cùng, iPhone và App Store xuất hiện. So với hàng nghìn ứng dụng dành cho Palm Treos và thiết bị Windows Mobile, 500 ứng dụng có sẵn trên phiên bản App Store đầu tiên là con số không tệ, một phần bởi các nhà phát triển không có cách nào khác cung cấp ứng dụng cho người dùng iPhone. Một số đã tìm đến giải pháp JailBreak để phá vỡ “bức tường” của Apple để thêm vào cho chiếc iPhone của mình nhiều tính năng hơn.

Quá trình tìm kiếm và cài đặt ứng dụng trên smartphone ban đầu rất giống với cách thức bạn phải làm trên PC truyền thống. Nếu may mắn, bạn có thể khám phá rất nhiều ứng dụng hay trong một ngõ ngách nào đó trên Internet, ngược lại bạn sẽ phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ đào bới mà không thể tìm thấy công cụ mong muốn. Sự bảo thủ của Apple trong việc quản lý, khăng khăng giữ ứng dụng trên App Store đã gây ra một số luồng phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, yêu cầu này đảm bảo được khả năng tương thích thiết bị và rút ngắn thao tác cài đặt ứng dụng chỉ qua vài thao tác chạm nhẹ

Cài đặt ứng dụng di động ngày càng dễ dàng. Ảnh: Engadget
 Cài đặt ứng dụng di động ngày càng dễ dàng. Ảnh: Engadget

Sự ra mắt của iPhone vào năm 2007 thực sự là dấu mốc quan trọng của giới công nghệ. iPhone đã tạo tiếng vang và màn thành công của App Store, sau đó 1 năm, do đáp ứng mong muốn của người dùng: Tất cả ứng dụng đều tập trung ở một chỗ. Nếu bạn sở hữu một chiếc iPhone và muốn tìm kiếm ứng dụng thì đơn giản chỉ cần tìm tới vào App Store. Và quan trọng hơn, chiếc iPhone không giống như bất kỳ thiết bị di động nào khác, nó cung cấp cho bạn quyền lựa chọn ứng dụng từ vô số nhà phát triển khác nhau. Khả năng truy cập nhanh, thao tác sử dụng đơn giản kết hợp cùng những tính năng được thiết lập sẵn trên iPhone đã tạo ra “cơn sốt ứng dụng di động”, điều ngành công nghiệp máy tính truyền thống chưa thể làm được.

Theo thời gian, quá trình tải xuống và cài đặt ứng dụng di động ngày càng trở nên dễ dàng. Điều này đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta về phần mềm nói chung và ứng dụng di động nói riêng. Bằng cách rút ngắn tối đa quá trình cần thiết để cài đặt, Apple đã kích thích sự tò mò, thúc đẩy nhu cầu trải nghiệm ứng dụng mới. Thực tế, chẳng ai dám chắc mình chưa từng tải xuống một vài ứng dụng hàng đầu trên App Store để xem chúng có thực sự tốt hay không? Và nếu không thích bạn cũng có thể xóa chúng vĩnh viễn chỉ trong tích tắc.

Bạn đang tìm kiếm bộ công cụ chỉnh sửa ảnh và ứng dụng vừa tải về chưa đáp ứng chính xác những gì bạn mong muốn? Không sao cả, hãy xóa đi và thử lại. Điều này tạo ra một sự cạnh tranh tự nhiên giữa các nhà phát triển với nhau. Họ sẽ phải liên tục tìm kiếm những ý tưởng mới nếu không muốn sản phẩm của mình chìm nghỉm trong hàng trăm ngàn ứng dụng cung cấp tính năng tương tự. Động lực của các nhà phát triển sẽ giúp người dùng hưởng lợi bởi chúng ta sẽ luôn được trải nghiệm những ứng dụng tốt nhất.

Trong báo cáo doanh thu mới đây, Apple công bố có 1,3 tỷ thiết bị trên toàn cầu tải xuống ứng dụng từ cơ sở dữ liệu của công ty, bao gồm iPhone, iPad và AppleTV… Đó là một con số lớn nhưng chẳng đáng là bao nếu so với số lượng ứng dụng được tải xuống từ App Store: 180 tỷ ứng dụng tải về.

Giá thành rẻ và sử dụng đơn giản là lý do ứng dụng di động tiếp cận được với đông đảo người dùng. Ảnh: Engadget
 Giá thành rẻ và sử dụng đơn giản là lý do ứng dụng di động tiếp cận được với đông đảo người dùng. Ảnh: Engadget

Một trong những yếu tố tạo nên số lượng lượt tải về khủng khiếp này là giá của các ứng dụng. Để sở hữu một ứng dụng, tựa game hàng đầu trên PC, bạn sẽ phải chi vài chục tới vài trăm USD. Mặc dù ứng dụng di động không thể cung cấp những chức năng chuyên nghiệp, trò chơi di động không thể đạt chất lượng đồ họa như trên PC, nhưng lại có giá rất rẻ, dễ tiếp cận hơn với người dùng. Bạn mở App Store hằng ngày và việc tải xuống ứng dụng di động là không thể tránh khỏi.

Apple không phải công ty duy nhất tạo nên cuộc cách mạng của ngành công nghệ phần mềm. Sau phản hồi tích cực của người dùng với App Store, Google đã tung ra kho ứng dụng riêng mang tên Android Market (tiền thân của Play Store) trên HTC Dream (T-Mobile G1) vào năm 2008. Blackberry ra mắt App World. Còn Microsoft, tuy muộn nhưng cũng xây dựng chợ ứng dụng dành cho Windows Mobile vào năm 2009 và kết hợp với chợ ứng dụng trên nền tảng Windows Phone sau đó 1 năm.

Thời gian trôi qua, trong khi một số công ty đã thành công với chợ ứng dụng của mình thì một số khác không được may mắn đến thế. Nhưng họ đã giúp củng cố cách nghĩ mới về phần mềm và ứng dụng mà Apple khởi xướng. “Táo khuyết” đã thay đổi suy nghĩ về phần mềm phức tạp thành một thứ thân thiện hơn và dễ dàng tiếp cận hơn ở quy mô lớn. Nếu có bất cứ điều gì muốn làm với chiếc smartphone, hãy lên chợ ứng dụng và tìm kiếm bởi luôn tồn tại ứng dụng có thể giúp đỡ cho bạn.