Theo đánh giá của giới marketing online, với tính tương tác cao của mạng xã hội Facebook, tại Việt Nam hiện đang chứng kiến thực tế nhà nhà người người kinh doanh online đổ xô mở trang cá nhân trên mạng xã hội này để bán hàng, livestream mời chào quảng cáo.
Bảng xếp hạng được Facebook công bố hồi tháng 7/2017 cho thấy, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 trên thế giới với tổng số 64 triệu người dùng mỗi tháng. TP.HCM lọt vào top 10 thành phố có đông người dùng Facebook nhất thế giới. Và theo ước tính có hơn 400.000 tài khoản tại Việt Nam có trả tiền trên Facebook.
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, việc quá phụ thuộc vào Facebook cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến cho dân kinh doanh online “khóc ròng” mỗi khi mạng xã hội này gặp trục trặc.
Những sự cố như đứt cáp quang biển AAG, APG trong suốt thời gian qua đã khiến nhiều người dùng không vào được Facebook, Google và nhiều website quốc tế khác, khiến cho việc kinh doanh bị đình trệ, gián đoạn.
Hoặc có thể truy cập được nhưng tốc độ rất chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh.
Theo ông Hoàng Bá Tầu, Giám đốc Marketing của Success Oceans, Facebook hay Google cũng chỉ là kênh đưa traffic (lưu lượng truy cập) vào hệ thống, không kiểm soát được. Vì vậy, khi kinh doanh online, điều quan trọng là phải sở hữu những kênh kiểm soát được.
“Mỗi khi bị đứt cáp, mọi người không truy cập được Facebook. Tuy nhiên với những doanh nghiệp không quá bị phụ thuộc như vậy thì đơn hàng của họ vẫn chảy về đều đặn”, ông Hoàng Bá Tầu nói.
Chuyên gia này gợi ý, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam nên tham khảo thêm kênh như Inbox trong Facebook (có thể có thời điểm Facebook bị lỗi nhưng Inbox thì không) hay e-mail marketing. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân làm thương mại điện tử nên quan tâm tới kênh e-mail marketing thay vì thường không sử dụng một cách đúng đắn như hiện nay.
Còn theo chuyên gia Tuấn Hà, CEO Vinalink, làm marketing online có 2 phương pháp là “săn bắn” và “nuôi dưỡng”. Trong đó hình thức “săn bắn” dễ bị tác động bởi Google và Facebook, phải chạy quảng cáo và khi có vấn đề biến động như giá dầu cao, đứt cáp hay đối thủ cạnh tranh, thì giá quảng cáo sẽ cao hơn, người kinh doanh rất bị động.
“Thậm chí khi đó có những người than phiền bỏ nhiều tiền chạy quảng cáo Facebook nhưng hiệu quả đem lại không cao, chỉ có vài comment”, ông Tuấn Hà cho hay.
Trong khi đó, phương pháp “nuôi dưỡng” thì người làm marketing online chỉ coi Facebook hay Google là kênh thu hút khách hàng, cùng các công cụ khác như Inbox, email marketing, SMS…, gây dựng nên cơ sở dữ liệu cho doanh nghiệp của mình.
Hay theo như quan điểm của ông Nguyễn Bá Hưởng, CEO F5 Media, khi quảng cáo Facebook đã bị “nhờn” với người tiêu dùng thì các doanh nghiệp cũng nên để ý tới các kênh khác như Zalo, kênh video YouTube để giới thiệu bán hàng.
Do đó theo khuyến cáo của các chuyên gia, trong kinh doanh, làm marketing online, các chủ cửa hàng, doanh nghiếp cần xây dựng được hệ thống các kênh bán hàng của riêng mình và cố gắng kiểm soát từng kênh (Facebook, Zalo, sàn giao dịch, website…), không quá phụ thuộc vào bất cứ kênh nào để có thể tận dụng công nghệ vào trong kinh doanh một cách hiệu quả nhất trong mọi điều kiện.