Thông tin về kết quả của Bộ GD&ĐT đối với việc thực hiện Quyết định 28 ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT của Bộ này cho hay, đến nay gần như 100% văn bản của Bộ GD&ĐT đã được số hóa và ký số. Tại Bộ GD&ĐT, chữ ký số đã được cấp tới các chuyên viên, với khoảng gần 600 chữ ký số. Tất cả tờ trình từ chuyên viên đến lãnh đạo các Vụ, Cục cho đến các lãnh đạo Bộ GD&ĐT đều được giải quyết qua mạng, có xác thực bằng chữ ký số.
“Triển khai văn bản điện tử, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia đã và đang hỗ trợ tốt cho công tác quản lý, điều hành của Bộ GD&ĐT”, ông Nguyễn Sơn Hải chia sẻ.
Cùng với việc tích cực xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐT phiên bản 2.0 dự kiến sẽ ban hành trong tháng 4, tháng 5 năm nay, Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai dự án hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ theo hướng tích hợp với Cổng hành chính một cửa điện tử. Đại diện Cục CNTT – Bộ GD&ĐT cho biết thêm, dự kiến khoảng giữa năm 2020 nhiệm vụ này sẽ được hoàn thành.
Đề cập đến việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ GD&ĐT Nguyễn Sơn Hải nhận định, để xây dựng Chính phủ điện tử thành công, khâu rất quan trọng thậm chí là khâu đầu tiên chúng ta phải làm là số hóa được dữ liệu, thông tin cần quản lý.
Với quan điểm trên, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành được mã định danh của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. Hiện mã định danh này đã được gán trên hệ thống E-Office của Bộ GD&ĐT và hệ thống văn bản điện tử quốc gia.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã định danh được 53.000 trường học trong cả nước, nghĩa là tất cả các cơ sở giáo dục đào tạo do Bộ GD&ĐT quản lý đều có mã định danh phục vụ quản lý thống nhất trong ngành. Tương tự, thông tin của 1,5 triệu giáo viên và 23 triệu học sinh do ngành GD&ĐT quản lý cũng được số hóa, đánh mã định danh.
“Đến nay, tất cả thông tin cơ bản phục vụ quản lý trong ngành giáo dục như người dạy, người học, danh mục các cơ sở giáo dục đào tạo, chúng tôi đều đã số hóa, đánh mã định danh. Một việc nữa Bộ GD&ĐT đã làm là đã chuẩn hóa những dữ liệu ngành cần quản lý. Chính vì chúng tôi làm được khâu chuẩn hóa dữ liệu, cho nên bước tiếp theo là xây dựng, thu thập dữ liệu phục vụ quản lý ngành mới thực hiện được một cách dễ dàng, thuận tiện”, người đứng đầu Cục CNTT của Bộ GD&ĐT chia sẻ.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành địa phương hồi giữa tháng 2/2020, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh đến vấn đề chuẩn hóa dữ liệu.
Vị tư lệnh ngành Giáo dục cho biết, trong nội bộ ngành, Bộ GD&ĐT đã ban hành các quyết định quy định về chuẩn của hệ thông cơ sở dữ liệu bậc mầm non, giáo dục phổ thông và đại học. Để tiếp tục triển khai trong năm 2020, Bộ GD&ĐT quan tâm đến thiết kế cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành đảm bảo thống nhất, tránh trùng lắp. “Chúng tôi rất mong sớm ban hành được chuẩn dữ liệu và chuẩn kết nối giữa các bộ, ngành để theo đó thực hiện một cách thống nhất trên toàn quốc”, người đứng đầu Bộ GD&ĐT đề xuất.