Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm: Vấn đề "sống còn" để nâng cao chất lượng, giảm chi phí điều trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với việc quản lý chất lượng chuyên nghiệp, Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường ĐH Y Hà Nội có vai trò đặc biệt trong công tác KCB và trong phòng, chống dịch COVID-19, góp phần phát triển KT-XH.
Lãnh đạo Bộ Y tế chúc mừng các thế hệ lãnh đạo Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội về những kết quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Lãnh đạo Bộ Y tế chúc mừng các thế hệ lãnh đạo Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội về những kết quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Tại hội thảo “Tổng kết công tác quản lý chất lượng xét nghiệm giai đoạn 2019 – 2021”, GS.TS. Tạ Thành Văn – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết: 12 năm qua, Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học đã song hành cùng các cơ sở xét nghiệm triển khai các chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng xét nghiệm trong nước, góp phần kiểm soát chặt chẽ chất lượng xét nghiệm trên toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Theo GS.TS. Tạ Thành Văn, hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) gồm hai lĩnh vực cấu thành: Y học lâm sàng và Y học cận lâm sàng. Hai lĩnh vực này song hành và có mối quan hệ biện chứng với nhau để cùng hướng đến đích cuối cùng là chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của con người.

GS.TS. Tạ Thành Văn – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội - phát biểu khai mạc

GS.TS. Tạ Thành Văn – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội - phát biểu khai mạc

Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội được Bộ Y tế phân công phụ trách kiểm chuẩn các phòng xét nghiệm y học các tỉnh từ Huế trở ra, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng xét nghiệm phục vụ công tác điều trị.

Vấn đề này càng đặc biệt có ý nghĩa, khi việc chẩn đoán một số bệnh lý trên lâm sàng dựa vào “tiêu chuẩn vàng” là căn cứ kết quả xét nghiệm một số dấu ấn sinh học (như chẩn đoán tế bào học/giải phẫu bệnh trong ung thư; chẩn đoán đột biến gen/nhiễm sắc thể trong bệnh lý di truyền…) trong khi ngay chính những xét nghiệm của cơ sở y tế đó thì lại chưa được kiểm chuẩn một cách khách quan để xem có thực sự có đạt yêu cầu về độ chính xác hay chưa.

“Kết quả kiểm chuẩn xét nghiệm của các cơ sở y tế được phân tích đánh giá, bảo mật và được Trung tâm thông báo cho từng phòng xét nghiệm thuộc khu vực quản lý. Qua đó giúp các phòng xét nghiệm tự đánh giá được quy trình và chất lượng xét nghiệm của mình để xác định được khâu nào, lĩnh vực nào cần phải đầu tư nâng cao hay cải tiến.

Thông qua Trung tâm Kiểm chuẩn, các cán bộ làm việc tại các cơ sở xét nghiệm được cung cấp đầy đủ thông tin, chương trình đào tạo và được thực thi chế độ ngoại kiểm thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn có khả năng giám sát chất lượng của từng xét nghiệm trong đơn vị mình. Trung tâm cũng triển khai các hoạt động tư vấn, đào tạo tại chỗ hoặc trực tuyến để hỗ trợ các cá nhân, cơ sở xét nghiệm các vấn đề nảy sinh trong quá trình hoạt động chuyên môn” – GS.TS. Tạ Thành Văn nhấn mạnh.

Việt Nam hiện có 3 đơn vị kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học là: Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Trường Đại học Y Hà Nội; Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Đại học Y dược TP.HCM; Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm TP.HCM.

Theo GS.TS. Tạ Thành Văn, trong bối cảnh cả nước có hàng ngàn cơ sở KCB với nhiều cơ sở xét nghiệm quy mô khác nhau, thì việc thiết lập quản lý hệ thống, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình chuyên môn chuẩn cho toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực y học cận lâm sàng là điều đặc biệt quan trọng, nhằm liên thông và công nhận kết quả lẫn nhau giữa các cơ sở KCB, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, thực sự là vì quyền lợi người bệnh.

Từ khi dịch COVID-19 diễn ra, các phòng xét nghiệm COVID-19 tăng rất nhanh trên cả nước, nên vấn đề chất lượng xét nghiệm được lãnh đạo Bộ Y tế và nhân dân đặc biệt quan tâm, vì tác động xã hội rất lớn, nhất là trong giai đoạn Chính phủ chủ trương “zero COVID-19”. Trung tâm Kiểm chuẩn được sự tài trợ của CDC Hoa Kỳ đã tiến hành đánh giá chất lượng xét nghiệm COVID-19 của các phòng xét nghiệm COVID-19 trong toàn quốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống dịch, đem lại lòng tin cho nhân dân, có tác động lớn để góp phần phát triển kinh tế -xã hội.

Trong thời gian cao điểm của dịch, Trung tâm đã chủ động tập huấn chuyên môn online miễn phí cho các đơn vị và cá nhân trong toàn quốc với các nội dung thiết thực và cụ thể như: An toàn sinh học; cách lấy mẫu, mã hóa, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm; cách xử lý mẫu, tách chiết và phân tích mẫu; cách quản lý và trả kết quả xét nghiệm; quy trình quản lý đảm bảo chất lượng xét nghiệm COVID-19. Có thời điểm có tới trên 500 đầu cầu trong toàn quốc tham gia các bài giảng với hàng ngàn cán bộ.

Khi mới thành lập (năm 2010), Trung tâm mới chỉ có 3 chương trình ngoại kiểm và có mấy chục cơ sở xét nghiệm tham gia kiểm chuẩn, đến nay, Trung tâm đã có 19 chương trình ngoại kiểm với khoảng 800 đơn vị tham gia.

Đáng chú ý khi GS. Tạ Thành Văn cho hay: Các đơn vị tư nhân ngày càng tham gia kiểm chuẩn nhiều hơn, nhằm khẳng định chất lượng xét nghiệm và thương hiệu của họ.

PGS.TS. Trần Huy Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội

PGS.TS. Trần Huy Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội

Theo PGS.TS. Trần Huy Thịnh – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn – công tác ngoại kiểm đã góp phần ý nghĩa trong công tác KCB. Vì thế, Trung tâm đã tăng dần đều các chương trình ngoại kiểm, “phủ sóng” đến tuyến huyện và các phòng khám tư nhân để đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Ở các bệnh viện lớn, Trung tâm còn triển khai các chương trình đặc thù như tim mạch, nhóm máu, ung thư… Số lượng các phòng xét nghiệm tham gia các chương trình ngoại kiểm của Trung tâm tăng hàng năm. Năm 2021 đã có gần 800 đơn vị tham gia. Riêng năm 2020, khi xuất hiện dịch COVID-19, Trung tâm đã hỗ trợ các phòng xét nghiệm ngoại kiểm Sars-CoV-2 theo chương trình miễn phí do CDC tài trợ với số lượng tăng gần gấp đôi năm 2021.

CN. Nguyễn Hữu Hùng giới thiệu phần mềm quản lý ngoại kiểm

CN. Nguyễn Hữu Hùng giới thiệu phần mềm quản lý ngoại kiểm

Năm 2021, 31 tỉnh/thành phố phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra đều tham gia từ 4-17 chương trình ngoại kiểm của Trung tâm. Tỷ lệ đạt chung của các chương trình theo tỉnh/thành phố từ khoảng 80%-95%, trong đó có 3 tỉnh/thành phố có tỷ lệ cao nhất là Quảng Bình, Thái Bình và Hà Nội. Số lượng thiết bị tham gia của các chương trình cũng tăng trong 3 năm qua. Trong đó, nhiều nhất là chương trình miễn dịch, khí máu, giang mai, năm 2021 tăng khoảng 30% so với 2020.

Đặc biệt, so với những năm đầu, tỉ lệ các phòng xét nghiệm đạt yêu cầu về ngoại kiểm còn thấp, thì nay, đạt 100% ở chương trình sàng lọc trước sinh, 100% ở chương trình ngoại kiểm Sars-Cov-2; chương trình hóa sinh và huyết thanh học đạt > 80% các thông số ở mức 78% và 67%. Từ năm 2019 đến năm 2021, tỷ lệ đạt > 80% tăng nhanh ở chương trình Tim mạch, khí máu, HBV-DNA.

Tại hội thảo, GS.TS. Tạ Thành Văn cho biết thêm: Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Trung tâm hiện đang có lộ trình triển khai các hoạt động kiểm chuẩn sang các lĩnh vực mới của hệ thống y học cận lâm sàng bao gồm: giải phẫu bệnh, tinh dịch đồ, y học sinh sản, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh, y sinh học phân tử, để tiến tới tất cả các cơ sở trong lĩnh vực y học cận lâm sàng đều được Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng y học đánh giá và giám sát khách quan nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Các cán bộ của Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội kiểm tra chất lượng xét nghiệm của các đơn vị cơ sở
Các cán bộ của Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội kiểm tra chất lượng xét nghiệm của các đơn vị cơ sở
Hoạt động tại Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội

Hoạt động tại Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học Trường Đại học Y Hà Nội

Hội thảo Tổng kết công tác quản lý chất lượng xét nghiệm giai đoạn 2019 – 2021 diễn ra vào sáng nay, 29/3, tại Trường Đại học Y Hà Nội, do Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học tổ chức. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khoa học – Đào tạo Phạm Văn Tác cùng PGS.TS. Hoàng Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội Hoá sinh y học Việt Nam và đại diện nhiều Sở Y tế, bệnh viện tham dự.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Những năm gần đây, công tác quản lý chất lượng xét nghiệm nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền các cấp.

Thứ trưởng chỉ đạo: Trung tâm Kiểm chuẩn cần đề xuất, tham mưu với Bộ Y tế để xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý chất lượng xét nghiệm y học; Tiếp tục mở rộng triển khai ngoại kiểm trong các lĩnh vực mới của hệ thống y học cận lâm sàng; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nâng cao năng lực về quản lý và đảm bảo chất lượng xét nghiệm y học vv....

Ảnh: Hữu Linh