Nói là làm. Tháng 6 vừa qua, Mitsumoto bắt đầu cho chạy một ứng dụng để kiểm tra nghi vấn của mình. Ứng dụng làm việc tốt hơn anh tưởng nhiều. Sau 16 tiếng đồng hồ, anh choáng váng khi phát hiện ra mình đã sập bẫy với số tiền lên đến 360 triệu yen (tương đương 72 tỷ đồng VN) và cho dừng ngay dịch vụ. Nhưng hôm sau, các xe tải chất đầy quần áo và đồ điện tử bắt đầu xuất hiện. Những nhân viên trong startup của anh phải xếp thành hàng để chuyển những kiện hàng vào văn phòng nhỏ bé của công ty tại Tokyo.
Mọi người đều nói rằng, cứ 10 người rao bán đồ cũ thì chỉ có không đến một người là không giao hàng như đã hứa. Thế là đã đủ tốt đối với Mitsumoto. Đến tháng 8, anh mở lại dịch vụ - được đặt tên là Cash - như một cách mới thu thập hàng không dùng đến để bán trên một chợ trời trực tuyến. Tổng số hàng hóa mua bán hàng ngày giới hạn ở mức 10 triệu yên (khoảng 2 tỷ đồng VN), với các mặt hàng chỉ giới hạn là điện thoại thông minh, túi xách sang trọng, đồng hồ, quần áo và một danh sách cụ thể khoảng vài nghìn loại. Khách hàng xem ảnh và được đề nghị không mặc cả. Giá bán được đưa ra dựa trên dữ liệu thu thập được từ các thị trường đồ cũ khác. Dịch vụ Cash kiếm tiền bằng cách bán lại hàng hóa.
Mitsumoto, người đã bắt đầu bán hàng trên web từ năm 1996, cho biết: "Đó là một thử nghiệm xã hội". Sau đó, anh tung ra dịch vụ Shop.jp - một phiên bản kiểu Nhật của Shopify. Một thời gian sau, anh bán dịch vụ này, rồi lại tiếp tục mua lại. "Tất nhiên, tôi tin rằng những người tốt nhiều hơn số người xấu, nhưng câu hỏi đặt ra là nhiều hơn bao nhiêu. Đó không phải là điều bạn có thể tìm ra nếu không thử nghiệm”.
Điều mà Mitsumoto phát hiện ra chính là một cú hích để loại bỏ sự tiếc nuối cuối cùng để mọi người tìm thấy giá trị của những đồ vật cũ vốn chất đống một cách lãng phí trong tủ. Anh bước vào một thị trường của những người, hoặc là thiếu thời gian hoặc thiếu sự kiên nhẫn để chụp ảnh đẹp, viết mô tả sản phẩm và mặc cả với người mua.
Anh cũng biết rằng, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các đối thủ lớn hơn theo bước mình với những dịch vụ tương tự. Vì thế, khi nhận được một tin nhắn từ Facebook vào lúc 1h58 sáng "Chào! Kameyama đây! Hãy bán dịch vụ Cash cho tôi ! Không à? ", Mitsumoto đã thấy một cách để vẫn dẫn trước trong cuộc đua.
Ai chứ Keishi Kameyama thì không cần phải dài dòng. Đó là một trong những người giàu nhất Nhật Bản và là người sáng lập ra DMM.com, một đế chế truyền thông và công nghệ với doanh thu 1,6 tỉ USD. Khởi đầu với ngành công nghiệp tình dục, sau đó phát triển công ty của mình thành một tập đoàn lớn các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, trò chơi video, một trường học Anh ngữ trực tuyến và các trang trại năng lượng mặt trời. Mitsumoto đã đồng ý bán dịch vụ Cash cho DMM với giá 7 tỷ yen (tương đương 1.400 tỷ đồng VN) và tiếp tục điều hành kinh doanh.
Mitsumoto nói: "Đối với những người làm trong lĩnh vực Internet ở Nhật, DMM là một sự hiện diện đáng sợ. Bạn không bao giờ biết khi nào họ khởi sự việc làm ăn trong cùng lĩnh vực và trở thành đối thủ chơi rắn với bạn. Tôi cho rằng, tốt nhất là nên gặp nhau càng ít càng tốt".
Thật vậy, chỉ một tuần sau khi thỏa thuận được công bố, Mercari (một trang mua bán đồ đã qua sử dụng trực tuyến) đưa ra một lời đề nghị tương tự. Sự thăng tiến của Cash chứng tỏ rằng một dịch vụ như vậy là cần thiết - ông Takeo Iyo, phó chủ tịch thường trực của Mercari Now - cho biết.
Kameyama nói rằng, công ty ông đã nhận ra tiềm năng của thị trường được phát hiện bởi Mitsumoto, nhưng thừa nhận rằng việc định giá ước lượng bằng mắt cho một công ty chỉ có sáu người và thậm chí chưa tròn còn một năm tuổi cũng là một phần của "acquihire" - một sự mua lại dựa trên việc tuyển dụng.
Kameyama, 56 tuổi, trả lời trong một cuộc phỏng vấn: "Kinh doanh trên Internet thì vốn và thiết bị không phải là tất cả. Bạn cần một trực giác nhất định, khả năng thiết kế và năng lực triển khai dịch vụ. "Tôi cũng có thể đánh giá được một vở diễn táo bạo. Bởi thực ra không có nhiều người bạo gan trong thế giới này".