Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC - thuộc NHNN) cho biết cơ quan này sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC - thuộc Bộ Tài chính) nhằm đặt nền móng cho một thị trường mua bán nợ.
VAMC kỳ vọng Chính phủ sẽ sớm ban hành các quy định cụ thể để hướng dẫn hoạt động của một thị trường mua bán nợ như vậy. Mục đích là nhằm giúp cả 2 cơ qua này có thể bán nợ xấu cho bên thứ 3. Đến nay VAMC mới chỉ thu hồi được 7% trong số 211 tỷ đồng nợ xấu mua từ các ngân hàng kể từ khi thành lập vào cuối 2013.
Một dấu hiệu tốt
Theo CTCK TP.HCM (HSC), ở đây đã có tiến triển trong xử lý nợ xấu. Hai cơ quan thuộc hai bộ của Chính phủ và trước đây không có sự hợp tác nhiều. Do vậy việc hai cơ quan này hợp tác cùng nhau là một dấu hiệu tốt.
Cả hai đều đang mua vào nợ xấu (đặc biệt là VAMC) trong khi việc xử lý nợ xấu được mua còn hạn chế do những vấn đề chẳng hạn như quyền của người cho vay khi khoản nợ trở thành nợ xấu chưa được quy định rõ; quá trình xét xử tại tòa án mất nhiều thời gian với kết quả không chắc chắn; thiếu thị trường phục vụ cho việc xử lý nợ xấu.
“Vấn đề thứ 3 nhiều khả năng sẽ sớm được giải quyết. Ít nhất cũng là xây dựng khung cho một thị trường mua bán nợ thứ cấp. Chúng tôi cho rằng có thể sẽ phải mất nhiều lần điều chỉnh trước khi một khung như trên có thể hoạt động tối ưu”, HSC bình luận.
Sau khi thị trường mua bán nợ được xây dựng sẽ có có những khoản nợ được mua bán. HSC luôn cho rằng cho đến khi giá trị sổ sách của nợ xấu được điều chỉnh giảm xuống sát giá trên thị trường thứ cấp (ước tính là khoảng 25-30% theo như số liệu trung bình trong quá khứ của DATC; trường hợp Vinashin và kinh nghiệm tại các quốc gia khác) thì thị trường mua bán nợ xấu sẽ chưa có nhiều thương vụ mua bán.
Trên thực tế, thị trường mua bán nợ cần thời gian nhất định để xây dựng và giả sử sẽ đi vào hoạt động vào quý II/2016, thì khi đó sẽ có một số giao dịch được thực hiện.
HSC cho rằng số một số lượng nợ xấu nhất định sẽ được trích lập dự phòng ở mức mà ngân hàng sẵn sàng đồng thuận bán lại nợ cho một bên thứ 3.
Ngân hàng tăng thu hồi nợ xấu
HSC cũng cho biết thêm, số lượng nợ xấu được thu hồi của các ngân hàng đang tăng lên qua việc khoản mục “thu nhập khác” của nhiều ngân hàng đã tăng trong 12-18 tháng qua. Khoản mục này thường bao gồm nợ xấu đã được xử lý và loại khỏi bảng cân đối kế toán. Và sau đó nếu khoản nợ xấu này được bán thì ngân hàng sẽ ghi nhận thu nhập. Và với dự phòng trích lập tăng thì HSC cho rằng việc “thu nhập khác” tăng sẽ trở nên phổ biến hơn.
Trên thực tế so với tổng số lượng nợ xấu (bao gồm nợ xấu các ngân hàng bán cho VAMC), thì nợ xấu được thu hồi được đến nay là khá khiêm tốn. Tuy nhiên đây mới chỉ là khởi đầu nên quy mô còn nhỏ.
HSC kỳ vọng thị trường mua bán nợ xấu sẽ được thành lập xong và hoạt động trước mùa hè. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là liệu các tổ chức nước ngoài thể tham gia đáng kể vào thị trường mua bán nợ hay không vì hiện vẫn có những hạn chế về loại tài sản mà đối tượng nhà đầu tư này được phép mua.
Theo Trí thức trẻ/HSC