Tiên phong phát triển dịch vụ điện toán đám mây, Amazon đã xây dựng thành công AWS trở thành át chủ bài của công ty và chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực kinh doanh này. Công ty này vẫn đang tiếp tục theo đuổi chiến lược giảm giá đều đặn để kích cầu, tăng doanh thu.
Khách hàng, đối tác, nhà phát triển,... trên toàn cầu tham dự một sự kiện của AWS tại Mỹ.
Át chủ bài của Amazon
Dù chỉ góp phần khiêm tốn trong doanh thu của Amazon, nhưng dịch vụ điện toán đám mây AWS (Amazon Web Services) lại là mảnh kinh doanh mang về phần lớn thu nhập ròng cho công ty này.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017, Amazon đạt thu nhập ròng 3 tỷ USD trên doanh thu 177,9 tỷ USD, tăng hơn 31% so với năm trước. Tuy hoạt động thương mại điện tử của Amazon vẫn rất ấn tượng, nhưng Amazon Web Services mới chính là con gà đẻ trứng vàng cho công ty Mỹ này.
Chỉ tính riêng trong quý 4/2017, AWS đã chiếm đến 73% tổng thu nhập ròng của Amazon. AWS đạt doanh thu 5,1 tỷ USD trong quý cuối năm 2017, tăng hơn 17% khi so sánh với thu nhập 3,5 tỷ USD của thời điểm cùng kỳ năm 2016. Tổng kết năm 2017, AWS đạt doanh thu 17,456 tỷ USD, tăng hơn 43% so với kết quả 12,219 tỷ USD của năm 2016. Trong đó, thu nhập kinh doanh của AWS đã tăng 39%, từ 3,1 tỷ USD năm 2016 lên 4,3 tỷ USD năm 2017.
AWS hiện nay là công ty con độc lập với Amazon, cung cấp dịch vụ đám mây cho chính Amazon và vô số doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn cầu. AWS tiền thân là bộ phận công nghệ vận hành amazon.com, cung cấp giải pháp cho website thương mại điện tử này và các khách hàng kinh doanh trên đó. Năm 2006, bộ phận này tách ra và thành lập công ty Amazon Web Serivices, tức các dịch vụ trên nền web của Amazon, nay được biết đến với cụm từ điện toán đám mây.
AWS từ đó phát triển khách hàng ra toàn cầu và trở thành doanh nghiệp tiên phong có số má trong ngành này.
Nghe có vẻ hơi nghịch lý nhưng ngoài những đổi mới về công nghệ, thì chiến lược kinh doanh kiên trì giảm giá của AWS dường như cũng đang trở thành bí quyết quan trọng giúp công ty này tiếp tục có doanh thu tăng nhảy vọt. Và mảng kinh doanh trên mây này đã và đang mang đến sự thăng hoa về lợi nhuận cho Amazon qua từng năm.
Nước cờ giảm giá để tăng doanh thu
Tính đến thời điểm tháng 5/ 2017 - 11 năm kể từ thời điểm ra mắt - AWS đã trải qua tổng cộng hơn 60 lần giảm giá và trở thành một trong những lựa chọn kinh tế nhất trên thị trường cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Theo lời của Brian Olsawsky – CFO Amazon: “Việc giảm giá là một phần cốt lõi trong triết lý kinh doanh của công ty, chúng tôi cảm thấy thoải mái với việc giảm giá”.
Những lời bình luận trên của Olsawsky, trong bài phỏng vấn hồi năm 2016, đã cho thấy rằng các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như AWS, Google, Microsoft đang tiếp tục bước vào cuộc chiến giảm giá hướng đến mức giá “rẻ như cho”.
Microsoft đã đưa ra mức giảm giá sâu cho các khách hàng doanh nghiệp để thuyết phục họ chuyển sang dịch vụ đám mây Azure, trong khi Google được biết đến khi đề ra mức giá thấp với hy vọng có thêm người dùng mới.
Mô hình kinh doanh mà Amazon áp dụng trên dịch vụ thương mại điện tử lẫn dịch vụ đám mây cho thấy hoạt động hiệu quả dựa trên biên lợi nhuận mỏng. Cách tiếp cận này đã thúc đẩy các công ty lớn phải chú ý và tập trung cách tân ở cả mảng bán lẻ công nghiệp điện toán đám mây.
Một trong những phương pháp chủ yếu để Amazon có thể đạt được thị phần lớn trong “đấu trường” điện toán đám mây là thông qua chính sách giảm giá đều đặn. Điều đáng kinh ngạc là AWS vẫn tiếp tục báo cáo kết quả kinh doanh với biên lợi nhuận lớn, mặc cho việc giảm giá cứ tiếp tục, trong khi các dịch vụ đám mây khác như Azure và Google được dự đoán lỗ nặng.
Có vẻ như, AWS không chỉ duy trì chiến lược giảm giá để thu hút thêm người dùng, tăng doanh thu mà còn dùng nó để “bóp chết” các dịch vụ đám mây khác ngay từ khi đối thủ chưa kịp lớn mạnh.
Người tham dự từ khắp nơi đang đổ về khán phòng một sự kiện của AWS năm 2017.
Có nhiều lý do Amazon tiếp tục thống trị thị trường điện toán đám mây và có thể tiếp tục chính sách giảm giá đều đặn.
Trước hết, việc khởi đầu trước và mạnh mẽ cho phép Amazon chiếm được miếng bánh thị trường lớn và có thể chăm chỉ giảm giá nhờ quy mô thị phần lớn.
Thực tế, Amazon đã giới thiệu dịch vụ điện toán đám mây từ hơn thập kỷ trước, lâu hơn các đối thủ như Microsoft, IBM và Google nên tích lũy được kinh nghiệm nhiều hơn.
Tiếp theo là lợi thế thị phần, theo thống kê doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trong quý II năm 2017, Amazon tiếp tục chiếm giữ 30% phần phần dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây. Trong khi Microsoft đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua nhưng cũng chỉ chiếm 10%, dù vậy thì con số này đã bỏ xa IBM và Google.
AWS cung cấp dịch vụ bằng cách cho thuê, do đó phù hợp với nhiều khách hàng từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn. Doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể thuê gói dung lượng nhỏ, tùy chỉnh theo thời gian dùng nhiều hay ít để chỉ phải trả tiền đúng phần dung lượng đã dùng, không lãng phí. Trong quá trình dùng, khách hàng của AWS có thể tùy chỉnh mua gói dung lượng cao lên hay thấp xuống dễ dàng, do đó rất linh hoạt khi đầu tư.
Cuối cùng là, mô hình hoạt động công ty đã được chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn với những kết quả kinh doanh thành công. Vì Amazon tiên phong trong lĩnh vực điện toán đám mây, họ tự tin vào các tiếp cận của mình và do đó sẵn sàng cắt giảm chi phí để tiếp tục phát triển kinh doanh của công ty.
Thực tế cho thấy, chiến lược giảm giá đều đặn đã góp phần đáng kể trong việc giúp AWS thành công trong thu hút khách hàng mới, kể cả khách hàng đang sử dụng dịch vụ đám mây của các công ty khác.
Đó là, sau khi AWS giới thiệu dịch cho phép khách hàng di chuyển cơ sở dữ liệu từ hạ tầng công ty cung cấp dịch vụ đám mây sang công ty khác kể từ năm 2016, thì có đến 54.000 cơ sở dữ liệu đã được chuyển sang AWS từ những công ty cạnh tranh cùng lĩnh vực, bao gồm cả Oracle.
Theo ICT News