Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng kích hoạt Luật Sản xuất Quốc phòng để buộc General Motors "chấp nhận, xử lý và ưu tiên" các hợp đồng sản xuất máy thở của chính quyền liên bang.
Tuy nhiên, CNN dẫn lời các chuyên gia y tế khẳng định chuyển đổi từ sản xuất ôtô sang máy thở là điều không hề dễ dàng. Máy thở là thiết bị phức tạp, sử dụng các phần mềm và phụ tùng hiện đại, chuyên biệt.
Nhóm đại gia xe hơi muốn sản xuất máy thở sẽ đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm bản quyền sở hữu trí tuệ, việc thiếu chuyên viên vận hành máy và các vấn đề về an toàn. Máy thở của các công ty ôtô cũng cần được nhà chức trách Mỹ thông qua sử dụng.
Các công ty xe hơi Mỹ giải quyết vấn đề bằng cách hợp tác với một số nhà sản xuất máy thở truyền thống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế nhấn mạnh đây là cuộc đua nước rút và đầy khó khăn.
Cơn khát máy thở
Theo New York Times, riêng tại thành phố New York đã có gần 34.000 ca nhiễm Covid-19 tính đến hết ngày 29/3. Khoảng 8.500 bệnh nhân đang được chữa trị trong bệnh viện. Trong đó, 2.037 người đang nằm trong các phòng hồi sức tích cực được trang bị máy thở.
"Chúng tôi cần rất nhiều máy thở", Thống đốc New York Andrew Cuomo khẳng định. Ông cho biết theo kịch bản tồi tệ nhất, bang New York cần tới 30.000 máy thở khi số lượng bệnh nhân tăng vọt.
Theo thống kê của Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, ở Mỹ có tổng cộng 160.000 máy thở. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng nổ, nước này có thể cần tới 740.000 chiếc.
Máy thở có thể cứu sống những bệnh nhân Covid-19 trong cơn nguy kịch, không thể tự thở. Thiết bị này trợ thở để phổi của bệnh nhân có thể nghỉ ngơi khi chiến đấu chống lại virus.
Có nhiều loại máy thở khác nhau. Những thiết bị phức tạp, dành cho các bệnh nhân trong tình trạng tồi tệ nhất (phổi đã cứng lại) có giá lên đến 50.000 USD. Và loại máy thở cao cấp này cần được vận hành bởi những chuyên viên y tế được đào tạo bài bản.
CNN dẫn lời ông Vafa Jamali - Phó chủ tịch hãng máy thở Medtronic - khẳng định chỉ các nhà sản xuất truyền thống mới có đủ năng lực sản xuất và lắp ráp các máy thở cao cấp. Bởi các phụ tùng chính của thiết bị được sản xuất bởi nhóm công nhân rất lành nghề.
"Rất khó để các công ty ôtô sản xuất máy thở cao cấp. Đây là thiết bị cứu sống sinh mạng của con người. Kinh nghiệm và sự quen tay là những yếu tố cực kỳ quan trọng", ông Jamali nhấn mạnh.
Medtronic cho biết đã tăng sản lượng hàng tuần thêm 40% kể từ tháng 1 bằng cách duy trì hoạt động của dây chuyền sản xuất 24/24. Và công ty quyết đẩy sản lượng lên 200% trong vòng vài tuần tới bằng cách tăng gấp đôi số công nhân. Mục tiêu là sản xuất 500 máy thở cao cấp mỗi tuần.
Vẫn cần sự hỗ trợ của các đại gia xe hơi
Dù vậy, những công ty truyền thống như Medtronic chỉ có đủ năng lực xuất xưởng hàng trăm máy thở mỗi tuần, trong khi các thành phố tại Mỹ cần hàng chục đến hàng trăm nghìn máy. Do đó, Medtronic thừa nhận sự tham gia của các hãng xe hơi là điều cần thiết.
Nguồn tin CNN Business cho biết Medtronic đã thảo luận với Tesla, General Motors và Ford về việc hợp tác sản xuất máy thở. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa công bố kế hoạch hợp tác cụ thể nào cả.
Cuối tuần trước, General Motors thông báo đang hợp tác với nhà sản xuất máy thở Ventec Life Systems để giúp hãng này đẩy sản lượng lên 10.000 máy/tháng. Nhà máy xe hơi của General Motors ở Kokomo (bang Indiana) cũng sẽ tham gia sản xuất máy thở.
Những chiếc máy đầu tiên của liên doanh General Motors - Ventec Life Systems sẽ được tung ra thị trường trong tháng 4. Trước đó, New York Times đưa tin Nhà Trắng muốn ký hợp đồng mua 80.000 máy thở từ liên doanh này, nhưng sau đó rút lui vì cái giá lên đến 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Ford thông báo đang hợp tác với GE Healthcare để thúc đẩy sản xuất của hãng này. Ông Jim Baumbick là phó chủ tịch phụ trách các dây chuyền sản xuất của Ford, và giờ ông dồn toàn bộ tâm trí vào việc hỗ trợ GE Healthcare.
Toyota cũng cho biết đang đàm phán với ít nhất 2 công ty để sản xuất máy thở. Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo đang điều chỉnh hệ thống quy định để tạo điều kiện cho các nhà sản xuất xe hơi tham gia sản xuất máy thở và những thiết bị y tế khác.
Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất truyền thống lo lắng với việc hợp tác với các công ty thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế. "Chỉ một lỗi nhỏ trong khâu sản xuất cũng dẫn tới thảm họa. Bệnh nhân có thể sẽ bị tổn thương nghiêm trọng", ông Jamali cảnh báo.
Ngoài ra, vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ cũng là một cản trở. Thiết kế máy thở, phần mềm và những phụ tùng thiết yếu đều được bảo vệ bản quyền và được coi là bí mật thương mại.
"Ngành công nghiệp thiết bị y tế luôn tìm cách bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ bằng mọi giá", nhà phân tích Debbie Wang của Morningstar nhận định. "Điều đó sẽ không thay đổi kể cả khi đại dịch đang hoành hành tại Mỹ".