Sau 4 tuần liên tiếp tăng điểm, VN-Index trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6/2023 đã chịu áp lực điều chỉnh, chốt lãi ở vùng kháng cự mạnh 1.140 điểm.
VN-Index kết thúc tháng 6 và quý 2/2023 ở mức 1.120,18 điểm, tăng 4,19% so với tháng 5 và tăng 5,22% so với quý trước. Thanh khoản trung bình mỗi phiên trên sàn HOSE đạt trên 17.000 tỉ đồng, tăng 38,5% so với tháng trước.
Theo FiinTrade, dòng tiền tháng 6 tăng mạnh vào cổ phiếu vốn hóa lớn, giảm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm tài nguyên cơ bản, bán lẻ, ngân hàng; giảm ở nhóm chứng khoán, dầu khí, điện nước xăng dầu khí đốt.
Trong tháng 6/2023, khối ngoại tiếp tục bán ròng nhưng giá trị bán thu hẹp đáng kể so với 2 tháng trước đó, xuống còn 380 tỉ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 368 tỉ đồng, tập trung vào các mã HPG (+1.811 tỉ đồng), SSI (+713,7 tỉ đồng), VND (+534 tỉ đồng), VHM (+483,5 tỉ đồng), FRT (+2563 tỉ đồng).
Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh các mã cổ phiếu VNM (-1.461,6 tỉ đồng), VRE (-512,1 tỉ đồng), CTG (-430,3 tỉ đồng), NVL (-406,8 tỉ đồng), VPB (-391,9 tỉ đồng).
Nhìn lại chứng khoán tuần từ 26-30/6
Trong tuần cuối tháng 6/2023, thị trường đã đón nhận nhiều thông tin như Quốc hội thông qua tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT); tăng trưởng GDP quý 2/2023 ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước; GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%.
Mức tăng trưởng GDP không như kỳ vọng cùng diễn biến giằng co quanh vùng giá 1.130 – 1.140 điểm trong 3 phiên đầu tuần đã khiến thị trường chịu áp lực điều chỉnh với độ rộng tiêu cực.
Theo đó, hầu hết các mã trong nhóm cổ phiếu chứng khoán chịu áp lực điều chỉnh mạnh với thanh khoản gia tăng như VIX (-11,48%), WSS (-8,97%), BVS (-7,11%), FTS (-7,04%), BSI (-5,65%).
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tương tự với đa số chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản đột biến khá tiêu cực như QCG (-24,15%), LGL (-15,21%), TDC (-12,07%), CEO (- 9,16%), NHA (-8,37%), DIG (-7,68%).
Trong khi đó, các cổ phiếu khu công nghiệp lại có diễn biến phân hóa khá tích cực trước những kỳ vọng gia tăng thu hút FDI, mở rộng hoạt động kinh doanh với nhiều mã tăng giá tốt như SIP (+5,78%), IDV (+3,48%), D2D (+3,06%), GVR (+2,11%), KBC (+1,21%).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau tuần tăng điểm tích cực đã chịu áp lực điều chỉnh trở lại với thanh khoản dưới mức trung bình như BVB (-6,09%), VAB (-4,82%), MSB (-3,08%), TPB (-2,70%)./.