Tại hội nghị triển khai thí điểm thu thập thông tin dân cư trong dự án Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), Đại tá Tống Viết Trung cho biết, hiện nay tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã và đang sử dụng công cụ số định danh cá nhân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện quản lý xã hội như: Singapore, Malaysia, Đức, Áo, Thụy Điển, Hàn Quốc... Đặc biệt, Malaysia và Áo đã có những thành công đặc biệt giúp thay đổi cơ bản cách thức giải quyết giao dịch hành chính công gắn với công dân cũng như cách thức quản lý nhà nước và hoạt động của các cơ quan hành chính.
“Cùng với sự phát triển của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; việc quản lý, khai thác thông tin về dân cư một cách khoa học sẽ là yếu tố quyết định để Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành đưa ra sách lược phù hợp cho sự phát triển của đất nước”, ông Tống Viết Trung nhận định.
Theo Đại tá Tống Viết Trung, với quy mô dân số Việt Nam ước tính lên tới 92 triệu người, CSDL quốc gia về dân cư sẽ góp phần giảm chi phí hành chính cho người dân hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, CSDL quốc gia về dân cư sẽ tạo chuyển biến căn bản về tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về dân cư; nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước và giao dịch dân sự.
Theo kế hoạch và phương án triển khai thí điểm của Viettel và đối tác đã thống nhất, bên cạnh việc trang bị hệ thống máy tính, máy quét, kênh truyền và phần mềm quét phiếu, phần mềm quản lý thu thập cũng như sẵn sàng nguồn lực trong quá trình thí điểm, Viettel cũng đã chuẩn bị các tài liệu truyền thông, tập huấn, đào tạo; in ấn hơn 310.000 phiếu thu thập thông tin dân cư phục vụ công tác thí điểm thu thập thông tin dân cư tại TP Phủ Lý và TP Hòa Bình.
“Mục tiêu của giai đoạn triển khai thí điểm này là để xác định phương pháp thu thập và phương pháp cập nhật dữ liệu sao cho đơn giản nhất, thuận tiện nhất nhưng đảm bảo tính chính xác cao nhất. Chính vì vậy, ngoài sự tham gia của các đơn vị chuyên môn như Viettel, cơ quan công an 2 thành phố Phủ Lý, Hòa Bình thì còn cần có sự tham gia của tất cả các lực lượng chính trị trên địa bàn gồm UBND thành phố, các lực lượng quản lý ở cấp xã/phường để có được kết quả tốt.
Kết quả của quá trình này, hai bên sẽ rà soát lại phương pháp mà Viettel và C72 đã thống nhất có phù hợp hay không; cần có điều chỉnh gì không, trước khi dự án này sẽ triển khai ở quy mô lớn hơn”, đại diện lãnh đạo Viettel chia sẻ.