Theo SlashGear, khi Apple tập trung vào kết nối duy nhất, công ty đã khai tử rất nhiều cổng khác, từ tiêu chuẩn do hãng phát triển cho đến các tiêu chuẩn chung trong giới công nghệ. Những phân tích dưới đây cho thấy Apple đã làm gì với các cổng kết nối của mình, và tương lai công ty hướng đến là gì.
Mini DisplayPort
Apple tham gia phát triển cổng kết nối đầu tiên với Mini DisplayPort vào năm 2008. Mục tiêu của Apple là tạo ra một phiên bản kết nối nhỏ hơn của giao diện DisplayPort. Nhờ sức mạnh của Apple trên thị trường mà Mini DisplayPort nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn được nhiều hãng ủng hộ.
VESA, hiệp hội đứng đằng sau những đặc điểm kỹ thuật DisplayPort, đã thông qua Mini DisplayPort trong vòng 1 năm. Kể từ đó, vô số thiết bị, đặc biệt là máy tính xách tay bắt đầu hỗ trợ kết nối. Ngay cả Microsoft cũng đã sử dụng Mini Display trong tablet Surface Pro của mình. Mini DisplayPort trở thành tiêu chuẩn trong kết nối máy tính đến màn hình, ít nhất trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hầu hết thiết bị tiêu dùng, HDMI là cổng kết nối phổ biến hơn.
Rất nhiều thiết bị hiện nay đang sử dụng cổng mini DisplayPort của Apple |
Dẫu vậy, 3 năm sau Apple đã hợp tác với Intel để giới thiệu Thunderbolt đến thế giới, từ đó công ty đã chuyển sang ủng hộ Thunderbolt thay cho Mini DisplayPort, để VESA và các OEM khác quyết định số phần của kết nối mà hãng đã tạo ra trước đó.
Thunderbolt
Thunderbolt được phát triển từ hai công nghệ kết nối sợi quang Light Peak của Intel và phiên bản dựa trên kết nối bằng đồng đến từ Apple (tên được đặt bởi Apple). Giống như Mini DisplayPort, Thunderbolt có thể kết nối máy tính với màn hình ngoài. Trong thực tế, hai thế hệ của Thunderbolt đều sử dụng kết nối tương tự như Mini DisplayPort. Nhưng không giống như tiêu chuẩn cũ, Thunderbolt chuyển dữ liệu nhiều hơn, thậm chí là cấp điện cho các thiết bị khác. Có vẻ giống như USB, nhưng tốc độ của Thunderbolt là nhanh hơn đáng kể khi so với bất kỳ tiêu chuẩn USB cung cấp tại thời điểm đó.
Đối với MacBook mới nhất (bản Macbook 12 inch), Apple đã chọn USB-C với hiệu suất xử lý tốt hơn. Apple cũng không còn ủng hộ Thunderbolt, đặc biệt khi hãng muốn hướng đến các thiết bị siêu mỏng như MacBook.
Jack âm thanh 3,5 mm
Một trong những tin đồn dai dẳng nhất về iPhone 7, chính là việc máy sẽ bỏ jack âm thanh 3,5 mm đã trở thành tiêu chuẩn cho kết nối tai nghe có dây ở hầu hết các thiết bị ngày nay. Nguyên nhân là gì?
Chỉ nhìn vào iPhone 6S, rõ ràng là lỗ tròn cổng 3,5 mm là vị trí cao nhất trong số các kết nối có trên iPhone. Vì vậy, có lẽ Apple thực sự không muốn nó tồn tại trên sản phẩm làm ảnh hưởng đến độ mỏng của máy.
Tuy nhiên, Apple không phải là công ty đầu tiên thực hiện loại bỏ jack 3,5 mm. Vào năm 2014, OPPO đã ra mắt R5 có thiết kế mỏng 4,5 mm nhờ hy sinh jack âm thanh này. Trong khi đó, hãng sản xuất LeEco của Trung Quốc cũng mới vừa công bố ba smartphone chỉ sử dụng một cổng USB-C cho kết nối tai nghe.
Loại bỏ jack âm thanh 3,5 mm sẽ giúp giảm kích thước thiết bị một cách đáng kể |
Hiện tại, dường như chắc chắn Apple sẽ từ bỏ jack âm thanh 3,5 mm, nhưng điều này gây ra một số tranh luận về những gì mà Apple sẽ sử dụng để thay thế cho tiêu chuẩn này. Ứng viên rõ ràng nhất tất nhiên là Lightning mà Apple đã sử dụng để kết nối dữ liệu và sạc pin trên iPhone lẫn iPad.
USB Type-C
Apple đã tạo ra USB-C và sau đó đưa nó vào nhóm các tính năng dành cho kết nối USB. Kết nối đảo ngược từ lâu trở thành một tính năng vượt trội của Lightning (cổng kết nối đang dùng trên các sản phẩm iPhone, iPad... mới hiện nay).
USB-C hoặc Lightning đang là những ứng viên thay cho jack âm thanh 3,5 mm trên iPhone |
Một điều cũng đáng chú ý là, MacBook mới của Apple cũng không được trang bị Thunderbolt 3, đặc tả kỹ thuật dựa trên Mini DisplayPort cồng kềnh. Dựa vào những gì đã nói, có lẽ USB-C sẽ đáp ứng tất cả những chức năng tốt nhất và có thể sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn rộng hơn so với Thunderbolt.
Theo Thanh Niên