Đây là một vấn đề lớn mà các nhà khoa học máy tính đã và đang cố gắng giải quyết trong nhiều năm qua.
Vấn đề này gần như không thể giải quyết được nếu không có một trong những phát minh mới đây nhất (và đáng sợ nhất) của loài người: khả năng học tập của máy móc.
Logic ở đây là máy móc không có trí thông minh, và để cho chúng làm được những việc như dịch thuật, lái xe hay thắng một ván cờ vây, chúng ta phải làm cho chúng thông minh. Và cách duy nhất để làm điều này một cách hiệu quả là dạy chúng cách học - giống như với con người.
Nếu phải ngồi giảng giải cho một chiếc máy tính tất cả những gì bạn đã học, bạn có thể sẽ phải mất hàng trăm năm.
Bạn không mất nhiều thời gian như vậy, nhưng đó là vì bạn có những điều kiện rất thuận lợi. Chẳng hạn, não bộ của bạn có khả năng hiểu các quy tắc vật lý một cách gần như bản năng. Não có thể nhìn thấy cảnh một quả bóng được ném vài lần và sau đó sử dụng kinh nghiệm trong quá khứ để đoán xem quả bóng sẽ bay tới đâu vào lúc nào để bạn có thể đỡ được nó.
Nếu máy móc không thể học tập, bạn sẽ cần tới một hệ thống hết sức phức tạp để huấn luyện một chiếc máy làm những việc đơn giản nhất.
Nhưng một khi bạn đã bắt đầu dạy máy tính cách học, các khả năng của máy sẽ trở nên bùng nổ. Không giống như con người, máy tính có thể ở hàng trăm, hàng nghìn nơi cùng một lúc. Chúng gần như có thể ở bất kỳ nơi nào. Và chúng có thể giao tiếp trực tiếp qua mạng Internet.
Mỗi chiếc xe tự lái của Google đều nắm giữ thông tin mà tất cả các chiếc xe đã thu thập được. Khi có chung một nguồn hiểu biết, một vài chiếc xe có thể có được kinh nghiệm đi đường nhiều hơn hàng trăm, hàng nghìn con người. Đó là sức mạnh thực sự của khả năng học tập của máy móc. Máy móc có thể, và đang học tập tốt hơn và nhanh hơn chúng ta. Điều này cũng không có dấu hiệu chậm lại trong nay mai.
Tháng 11 vừa qua, Google đã bắt đầu áp dụng sức mạnh của khả năng học tập của máy móc vào một trong số những sản phẩm hữu ích, nhưng cũng thường xuyên bị chỉ trích nhất của mình - Google Translate.
Gần như chỉ sau một đêm, công cụ này đã bắt đầu đưa ra những bản dịch gần như không thể phân biệt được với bản dịch của các dịch giả chuyên nghiệp, khiến các chuyên gia về tương tác người-máy phải kinh ngạc.
Jun Reikimoto, một giáo sư thuộc Đại học Tokyo, đang chuẩn bị cho một bài giảng khi nghe được tin này.
Ông Reikimoto đã cho chạy một đoạn văn mẫu từ một bản dịch của truyện "The Great Gatsby" để so sánh với bản gốc (tức là phiên bản của Google Translate đã dịch từ tiếng Anh sang tiếng Nhật sau đó dịch lại sang tiếng Anh), và đã thu được hai đoạn văn giống nhau đến mức gần như không thể phân biệt được.
Một bài báo trên tạp chí New York Times Magazine có tiêu đề "The Great AI Awakening" (tạm dịch: Sự thức tỉnh lớn của trí thông minh nhân tạo) đã lưu ý rằng ngoài một mạo từ bị thiếu, hai đoạn văn gần như giống nhau hoàn toàn.
Nhưng không lâu sau đó, Google đã tổ chức một sự kiện ở London để biểu diễn tính năng mới. Họ đã phục vụ những chiếc bánh có lời chúc bên trong, được viết bằng một vài thứ tiếng, và các khay thức ăn và đồ uống với tên gọi và hương vị được liệt kê bằng nhiều thứ tiếng từ tiếng Đức đến Bồ Đào Nha.
Tại sự kiện này, Google đã công bố rằng chỉ sau vài tháng làm việc, họ đã tạo ra một mạng lưới thần kinh máy tính có khả năng đọc như bất kỳ con người nào.
Đây là bước tiến mới nhất trong cuộc chạy đua vũ trang về công nghệ giữa các công ty như Google, Facebook và Apple để đạt tới trí thông minh nhân tạo thực sự. Tức là trí thông minh nhân tạo có thể thích nghi, hiểu được hàm ý và làm mờ ranh giới giữa con người và máy móc.
Quá trình phát triển của máy tính luôn mở rộng theo cấp số nhân, dựa trên một quy luật có tên là luật của Moore. Vì lý do này, cứ sau vài năm, khả năng phân tích của máy tính lại tăng gấp đôi, và chúng ta đã sở hữu những chiếc điện thoại thông minh hơn gấp hàng trăm triệu lần những chiếc máy tính đã đưa Neil Armstrong và Buzz Aldrin lên mặt trăng.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự phát triển của máy tính đã chậm dần lại, và thay vào đó, sức mạnh của máy tính được rút ra từ một nguồn khác, đó là đám mây.
Cách đây vài năm, đám mây có thể chỉ là một công cụ marketing bị phóng đại lên, nhưng giờ nó đã thay đổi cách thức sử dụng công nghệ của chúng ta.
Alexa của Amazon và Home của Google là những ví dụ điển hình của bước đầu này. Google Translate và Deepmind là những ví dụ khác nữa.
Nhưng khi ngày càng có nhiều những hệ thống như vậy hỗ trợ cho hàng triệu máy tính làm việc và học tập cùng nhau, chúng ta đã vượt qua một trong số những ngưỡng cửa lớn nhất của trí thông minh nhân tạo.
Cũng phải nói rằng chúng ta vẫn còn phải đi rất xa mới đạt tới trí thông minh nhân tạo thực sự, nhưng với mỗi bước đi lớn của mình, chúng ta sẽ tăng tốc cho quá trình này để ngày càng tiến nhanh hơn tới mục tiêu có thể coi là cuối cùng của nhân loại.
Chúng ta liên tục vượt qua những rào cản tưởng chừng không thể vượt qua được, chẳng hạn như việc một máy tính đánh bại một người chơi trong môn cờ vây.
Với việc Google áp dụng công nghệ của mình vào nhiều sản phẩm, ta càng thấy rõ hơn tốc độ phát triển chóng mặt của những “đứa con công nghệ” của mình.
Theo Vietnam+