iOS 12 và MacOS Mojave làm đảo lộn cuộc sống của tôi như thế nào?

VietTimes – Apple đã phát hành phiên bản Public Beta của iOS 12 và macOS Mojave với nhiều cải tiến. iOS 12 có thêm bộ Memoji, Animoji mới, hỗ trợ Siri Shortcut và nền tảng ARKit 2; trong khi macOS Mojave được bổ sung một số tính năng, cùng giao diện Dark Mode hoàn toàn mới. Nhưng những chừng đó có đủ để đánh đổi sự ổn định không? Bài viết của cây bút Adam Clark Estes từ Gizmodo sẽ lý giải cho bạn điều này.
Ảnh: Gizmodo
Ảnh: Gizmodo

Là một người yêu công nghệ, các bản cập nhật hệ điều hành luôn khiến tôi hứng thú. Tôi thường nói với bạn bè, những người chậm cập nhật thiết bị rằng: “Này, cậu đang bỏ lỡ những thứ hay ho”. Đây là lý do tại sao tôi luôn tình nguyện trở thành “chuột bạch” và tải về những bản thử nghiệm Beta. Mặc cho sự khó chịu bởi những lỗi tồn tại thì trải nghiệm tính năng mới luôn là điều tuyệt vời.

Cách tiếp cận này của tôi đã phản tác dụng khi dùng thử macOS Mojave và iOS 12 nhưng có lẽ nó sẽ giúp tôi trở thành người dùng thông thái hơn. Câu chuyện ngốc ngếch bắt đầu khi thấy một đồng nghiệp chạy phiên bản Beta của macOS Mojave, trông thực sự ngầu với chế độ Dark Mode mới và tôi quyết định phải dùng thử nó. Tôi nghĩ rằng sẵn đây, mình có thể đùng thử phiên bản Public Beta của iOS 12 để xem nó mang lại những gì.

Trong vòng 24 giờ, sau khi tải xuống và cài đặt macOS Mojave và iOS 12 cho MacBook Pro và iPhone, cuộc sống của tôi đã bị đảo lộn. Tôi không thể nhận thông báo như bình thường trên điện thoại và không thể gửi tin nhắn SMS. Máy tính của tôi thì thường xuyên đứt kết nối Wi-Fi. Thời lượng pin thì đúng là một tấn bi kịch.

Tôi không phủ nhận lỗi của mình (khi tải xuống phiên bản thử nghiệm). Nhưng nói một cách hơi tiêu cực thì đó một phần là lỗi của Apple.

Không phải lần đầu

Tải xuống phiên bản Beta cho các hệ điều hành không phải thứ mới mẻ với tôi. Vài năm trước, tôi đã có một trải nghiệm hãi hùng với phiên bản Beta của iOS 7. Tôi thừa hiểu rằng bất cứ nhà phát triển nào cũng không khuyến khích người dùng sử dụng các phiên bản Beta một cách thường xuyên.

Người dùng thông thái sẽ khuyên bạn không bao giờ nên tải xuống một phiên bản Beta trên máy tính hoặc điện thoại chính. Chúng được gọi là Beta vì một lý do, các phiên bản này chưa hoàn thành, đầy lỗi và có thể gặp những sự cố bất ngờ. Bởi vậy, nếu bạn tò mò Apple sẽ ra mắt những gì trên bản iOS tiếp theo thì hãy cài đặt nó trên một chiếc iPhone cũ.

Trong lần thử phiên bản Beta của iOS 7, tôi cũng chỉ dùng duy nhất một chiếc iPhone. Không thể cưỡng lại sức hút của giao diện sử dụng mới trên nền thiết kế phẳng (flat-design), tôi đã bỏ lại phía sau iOS 6 đáng tin cậy và đăng ký một tài khoản nhà phát triển. Sau khi cài đặt, tôi mong chờ một ai đó sẽ để ý chiếc iPhone của tôi trông khác biệt và sẽ hỏi làm như thế nào (chẳng có ai hỏi).

Sự thật phũ phàng là tôi đã bỏ lỡ nhiều email trong giờ làm việc, pin thì cạn vào lúc 10 giờ sáng (trong vòng vài tiếng). Sau trải nghiệm với iOS 7 Beta, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ cài đặt các phiên bản Beta nữa. Tôi đã bỏ qua nhiều phiên bản Beta của iOS cho tới khi iOS 12 Public Beta được phát hành.

iPhone X là chiếc điện thoại duy nhất và chiếc MacBook là máy tính chính của tôi. Một tuần trước, tôi đã tải xuống cả 2 phiên bản Beta cùng lúc và cảm thấy tự hào vì quyết định táo bạo vừa đưa ra, nhưng cảm giác tự hào trở thành hối hận trong chưa đầy một ngày.

Trải nghiệm iOS 12 và macOS Mojave phiên bản Public Beta

Ảnh: Gizmodo
 Ảnh: Gizmodo

Hóa ra, iOS 12 không khác nhiều so với iOS 11. Chúng ta đều biết định hướng của Apple cho iOS 12 là hoàn thiện phiên bản hệ điều hành di động, tập trung vào sự đơn giản và ổn định. Tương tự, macOS Mojave cũng chỉ được cải tiến đôi chút. Ngoài chế độ Dark Mode thì những tính năng được nâng cấp khác bạn chỉ có thể nhận ra sau một thời gian vọc. Chúng khá tuyệt, tôi rất thích các tùy chọn chỉnh sửa mà macOS Mojave cho phép thực hiện trong Finder.

Tuy nhiên, các lỗi trong phiên bản Beta của macOS Mojave và iOS 12 thật sự khủng khiếp. Khi thực hiện bài viết này, tôi phải sử dụng iPhone làm điểm phát sóng vì chiếc MacBook chạy macOS Mojave thường xuyên mất kết nối với các điểm phát Wi-Fi. Trong khi đó, chiếc iPhone X của tôi cũng sắp cạn pin, mặc dù nó mới được sạch đầy 90 phút trước.

Tôi vẫn không thể nhận hầu hết các tin nhắn SMS, danh bạ thì vẫn chưa được đồng bộ hết bởi vậy ngay cả khi nhận được tin nhắn thì tôi cũng không rõ là ai gửi. Những lỗi này, mặc dù không phải quá thảm họa như các phiên bản Beta trước đây của Apple nhưng cũng từng là thứ tôi gặp trong quá khứ.

Thành thật mà nói, nếu Apple đem tới trải nghiệm mới tốt hơn thì tôi có thể chịu đựng sự phiền phức này. Đúng là macOS  Mojave có chế độ Dark Mode nhưng phân nửa các phần mềm lại không hỗ trợ. Trong khi iOS 12 hứa hẹn đem tới cải tiến với Siri Shortcut và ARKit2 nhưng hai nền tảng này chưa hỗ trợ hãng phát triển ứng dụng bên thứ 3 (cho tới khi iOS 12 được phát hành chính thức). Nhìn chung, có vẻ Memoji là tính năng mới lạ duy nhất của iOS 12 Public Beta.

Mọi thứ trở nên cực kỳ phức tạp khi bạn sớm cài đặt một hệ điều hành Beta. Một số người bạn của tôi cũng gặp lỗi tin nhắn tương tự trên iOS 12 (được cho là do iMessage) và phải khắc phục bằng cách đăng xuất hoàn toàn khỏi iCloud trên thiết bị iOS và đăng nhập lại.Vấn đề Wi-Fi trên macOS Mojave liên quan tới sự tương thích giữa mạng Wi-Fi công cộng và trình duyệt Safari và không phải là không có cách giải quyết. Nhưng đau đầu nhất là số lượng lớn các cửa sổ pop-up tự mở ra suốt ngày khiến tôi cảm thấy máy tính của mình kém an toàn hơn so với khi chạy phiên bản macOS High Sierra chính thức.

Vì những phiền nhiễu đó, tôi quyết định quay lại hệ điều hành cũ sau một tuần đau khổ. Apple cho biết chương trình thử nghiệm công khai cho phép bạn quay lại dễ dàng. Nếu bạn không hài lòng với hệ điều hành thiếu ổn định, bạn chỉ cần xóa hồ sơ Public Beta, đặt thiết bị ở chế độ khôi phục và chờ đợi để hệ thống tự phục hồi về bản sao lưu cuối cùng trước khi cài đặt Beta. Apple cũng xây dựng một trang web hướng dẫn bạn làm từng bước. Nhưng hãy lưu ý rằng bản sao lưu macOS chỉ hoạt động nếu bạn dùng Time Machine. Tôi sao lưu mọi thứ chủ yếu trên Google Drive và macOS Mojave không gặp quá nhiều lỗi nên tôi sẽ tạm chung sống với nó.

Nói thì dễ nhưng thoát khỏi iOS 12 khó hơn tôi tưởng. Tôi đã sao lưu iPhone qua iTunes và trên lý thuyết có thể khôi phục lại hoàn toàn iOS 11 cũ. Tuy nhiên, macOS Mojave Beta lại không thể nhận diện chiếc iPhone bởi vậy không thể dùng cách đó. May mắn thay, nhờ một số bộ chuyển đổi và Finder, tôi đã lôi được tập tin sao lưu của iPhone ra và phục hồi trên một máy tính khác. Hãy nhớ đặt iPhone ở chế độ phục hồi trước khi bắt đầu quá trình khôi phục từ bản sao lưu nếu không bạn sẽ chẳng thể thoát khỏi iOS 12. Không hề phóng đại, quá trình quay về iOS 11 sẽ tiêu tốn của bạn cả ngày.

Và sẽ không có lần sau

Ảnh: Gizmodo
 Ảnh: Gizmodo

Sau khoảng thời gian lãng phí với hệ điều hành chưa hoàn chỉnh, tới nay iPhone của tôi về cơ bản đã trở lại bình thường, trừ vài ngày dữ liệu bị mất. MacBook thì hơi lộn xộn một chút nhưng tôi sẽ giải quyết sau. Thực sự, tôi có đôi chút xấu hổ. Tất cả những sự bất tiện xảy ra bởi tôi sử dụng phiên bản Beta cho cuộc sống hàng ngày, thứ mà tôi hiểu rõ và thực sự có thể tránh được. Thực tế, Apple cũng tuyên bố rằng bạn thực sự sẵn sàng cho lỗi trên phiên bản Beta và nên sao lưu mọi thứ trước khi bắt đầu.

Câu chuyện này khiến tôi suy nghĩ kỹ hơn về cách sử dụng các thiết bị công nghệ ngày nay. Đôi khi tôi quá tự tin về việc có thể tự khắc phục các sự cố và sửa chữa phần cứng cơ bản, mặc dù tôi không phải lập trình viên. Tôi cũng không sao lưu dữ liệu trên MacBook như hướng dẫn chỉ vì háo hức nhất thời muốn thử chế độ Dark Mode.

Vì thế, tôi mắc kẹt với phiên bản Beta cho đến mùa thu, khi Apple phát hành phiên bản chính thức. Tôi mắc kẹt với những lỗi và sự thất vọng. Tôi sẽ ngừng tự cho mình là siêu nhân có khả năng sử dụng một phần mềm chưa hoàn thiện để giải trí. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu tôi sao lưu thiết bị theo hướng dẫn để khôi phục chúng khi cần. Tôi sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm này nữa và hy vọng nó có thể giúp tôi trở thành người dùng thông thái hơn.