VietTimes xin giới thiệu bài viết của nhà báo Shira Ovide đăng tải trên New York Times
Tôi không quá hào hứng về Internet vệ tinh, một công nghệ đầy hứa hẹn nhưng đang bị thổi phồng quá mức. Công nghệ này dùng các vệ tinh cỡ nhỏ để cung cấp Internet. Amazon, Boeing và một loạt các công ty khác có thể sớm theo chân SpaceX của tỉ phú Elon Musk trong việc truyền tải Internet từ trên cao.
Vâng, Internet vệ tinh nghe khá hấp dẫn, nhưng các công ty liên quan và những người hào hứng với Internet vệ tinh có xu hướng phóng đại quá mức khả năng mà nó có thể mang lại trên thực tế. Có những rào cản khiến cho việc truy cập Internet không thể giải quyết được bằng công nghệ.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho các chính phủ, công ty công nghệ tìm cách biến việc truy cập Internet trở thành một nhu cầu thiết yếu như điện và nước sạch. Internet sẽ khó có thể phổ cập trừ khi tất cả các bên làm việc cùng nhau để cải thiện các chính sách Internet của chính phủ, giảm các rào cản kinh tế và xã hội đối với việc truy cập Internet, cũng như đối mặt với tất cả những thách thức khác để đưa Internet đến được với nhiều người hơn.
Tôi thường xuyên nhận được những phản hồi từ phía độc giả tờ On Tech – những người cảm thấy hào hứng với Internet vệ tinh. Nhưng hãy để tôi đi sâu vào những giới hạn của Internet vệ tinh. Nếu chỉ tập trung vào khía cạnh công nghệ thì sẽ thiển cận.
Gần như tất cả các chuyên gia chính sách và nhà công nghệ mà tôi từng nói chuyện về dịch vụ Internet vệ tinh đều có chung nhận định: Internet vệ tinh sẽ không phổ biến với hầu hết mọi người và mọi nơi.
Internet vệ tinh được cho là một sự bổ sung hữu ích cho các khu vực trên thế giới mà các đường cáp quang thông thường không thể tiếp cận được, chẳng hạn như các khu vực miền núi hoặc vùng sâu vùng xa.
Những người bị cuốn hút bởi ý tưởng này có xu hướng cho rằng Internet vệ tinh như một liều thuốc chữa trị tiềm năng cho cho căn bệnh không truy cập được Internet ở vùng sâu vùng xa. Nhưng Internet vệ tinh không phải là viên thuốc ma thuật.
Trong một cái nhìn thực tế, Elon Musk cho biết dịch vụ Internet vệ tinh của SpaceX (Starlink) sẽ cung cấp Internet cho “5% dân số thế giới sống ở những nơi mà các mạng không dây và cáp quang thông thường không thể tiếp cận”.
5% dân số thế giới có thể là hàng trăm triệu người không thể trực tuyến. Nhưng đó là một con số nhỏ so với hàng tỉ người không sử dụng Internet ngày nay.
Các vấn đề công nghệ không phải là lý do duy nhất khiến nhiều người không sử dụng Internet. Đó là do các chính sách không hiệu quả của chính phủ, sự bất bình đẳng xã hội và kinh tế, lợi ích cố hữu của doanh nghiệp và những người có nhu cầu cấp thiết khác hơn là trực tuyến.
Tuy nhiên, những ông chủ các công ty cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh như Elon Musk và Jeff Bezos của Amazon hiếm khi nói về việc giải quyết những thách thức rộng lớn đó. Họ cũng không có xu hướng tự mô tả mình như một phần nhỏ của sứ mệnh hợp tác để làm cho Internet trở nên dễ tiếp cận hơn, giá cả phải chăng và phù hợp hơn.
Vài ngày gần đây, Elon Musk đã đăng tweet về các khoản thuế của mình, về chuyến bay trở về của các phi hành gia trong tàu SpaceX. Ông Musk đã không nói một lời nào dự luật cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ, bao gồm 65 tỉ USD tài trợ cho người đóng thuế mới để cố gắng thu hút nhiều người Mỹ tham gia mạng Internet hơn. Trong khi đó, giống như nhiều công ty Internet của Hoa Kỳ, Starlink nhận được rất nhiều tài trợ của chính phủ.
Phần lớn số tiền thuế mới sẽ được cấp cho chính quyền địa phương và tiểu bang để chi tiêu cho các dự án quy mô nhỏ mà họ tin rằng tốt nhất là để mở rộng dịch vụ Internet. Một số bang trong đó có Virginia và Minnesota là những hình mẫu cho các dự án thu hút nhiều người trực tuyến hơn. Cô Anna Read, một quan chức cấp cao của Sáng kiến Truy cập Băng thông rộng của Quỹ từ thiện Pew, nói với tôi như vậy.
Tỉ phú Elon Musk có tham vọng phóng 42.000 vệ tinh Internet lên quỹ đạo. Hiện nay công ty của ông đã phóng được hơn 1.500 vệ tinh |
Cải tiến từng chút một là một việc khó nhưng cần thiết để mở rộng phạm vi truy cập Internet của người dân. Và sẽ rất hữu ích nếu những người chủ các công ty Internet vệ tinh cũng nhìn thấy việc này như một phần trách nhiệm của mình.
Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Musk ủng hộ những thanh thiếu niên ở Baltimore - những người đã vận động thành công dịch vụ Internet miễn phí cho hàng xóm của họ? Điều gì sẽ xảy ra nếu các Giám đốc điều hành dịch vụ Internet vệ tinh của Amazon cũng chú ý đến chi phí dịch vụ Internet di động cao ở châu Phi cận Sahara? Điều gì sẽ xảy ra nếu Boeing sử dụng quyền lực vận động hành lang của mình ở Washington để buộc các nhà lập pháp nói không với các nhà cung cấp Internet lớn vốn cản trở các chính sách trực tuyến hiệu quả?
Những người tôi đề cập ở trên đều có mục tiêu phá vỡ các rào cản để mang Internet đến cho nhiều người hơn. Nhưng với các giám đốc điều hành công ty Internet vệ tinh, họ hành xử như mình đang hoạt động trong một không gian đổi mới ở đâu đó chứ không phải thực tại trên Trái Đất.