Theo BusinessInsider, HTC đã từng là một công ty đáng để dõi theo trong những năm qua. Tập đoàn Đài Loan này được coi là một trong những nhà sản xuất điện thoại Android hấp dẫn nhất trong những năm đầu của nền tảng này, với các sản phẩm như HTC Hero hay Sensation. Sau đó, họ đã ôm trọn thị trường với hai siêu phẩm là chiếc HTC One X và One M7 trong năm 2013.
Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, HTC đã bước vào chu kì "tụt dốc không phanh" mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn. Những chiếc điện thoại flagship của họ trở nên giống hệt nhau, thiếu đi sự đột phá và thường có giá quá cao. Điều này đã được phản ánh trong kết quả tài chính của công ty, cứ mỗi quý trôi qua mọi thứ lại trở nên tồi tệ hơn, với mức thua lỗ lên đến hàng trăm triệu USD mỗi chu kì. Nhưng vị thế của HTC bị ảnh hưởng không chỉ do sự cạnh tranh từ các hãng sản xuất top đầu (Samsung, Apple) mà còn đến từ các thương hiệu nhỏ hơn ở phía sau (chủ yếu là các hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc).
HTC U11 là nỗ lực mới nhất của công ty để vớt vát lại vai trò là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường, và một loạt các bài đánh giá tốt – bao gồm cả của BusinessInsider – chắc chắn sẽ khiến cho các lãnh đạo của HTC hài lòng. Tuy nhiên, nhìn lại 4 năm qua của công ty, thật khó để không nghĩ rằng U11 đã đến quá trễ.
Vlad Verov, cây viết của trang tin uy tín TheVerge đã từng coi U11 là "chiếc điện thoại phượng hoàng" và khẳng định rằng HTC đã "quay trở lại". Ý kiến của ông không sai, nhưng chỉ với một sản phẩm tốt khó có thể vực dậy cả một công ty, đặc biệt là khi HTC đã liên tục mắc quá nhiều sai lầm.
HTC đã có 3 năm quá đỗi trắc trở
Khi xuất hiện vào năm 2013, HTC One M7 đã làm kinh ngạc mọi người với màn hình 4,7 inch Full HD, hệ thống loa ngoài stereo tuyệt vời, và phiên bản Android được cho là mượt mà nhất mà không trực tiếp đến từ Google. Đúng, camera 4 "UltraPixel" (máy ảnh với điểm ảnh lớn-hơn-bình-thường) đã khiến nhiều người thất vọng, nhưng nói chung – đặc biệt là nhờ thiết kế kim loại nguyên khối của nó – chiếc M7 nhận được rất nhiều lời khen ngợi, và nó hoàn toàn xứng đáng.
Rồi năm 2014 tới, và mọi thứ bắt đầu thay đổi. Các đối thủ của HTC đã tham gia cuộc chơi một cách nghiêm túc hơn. Trong nửa cuối của năm, Apple đã giới thiệu iPhone 6 và 6 Plus, những chiếc iPhone cỡ lớn đầu tiên, và số máy được bán ra thật khó có thể tưởng tượng. Samsung lặng lẽ công bố chiếc điện thoại Galaxy Alpha: một thiết bị có phần "lạc hậu", nhưng nó đánh dấu sự chuyển mình của công ty, khi họ bắt đầu chuyển sang sử dụng kim loại cho các sản phẩm của mình.
Trong năm đó, HTC đã tung One M8 ra thị trường – một chiếc điện thoại không khác gì bản nâng cấp cấu hình của M7, và nó đã làm mọi thứ ngoại trừ một điều mà ai cũng muốn công ty này làm: Sửa lại camera.
Chiếc HTC One M7 ra mắt năm 2013 là một trong những flagship Android đầu tiên sở hữu thiết kế kim loại nguyên khối (ảnh: BusinessInsider)
Nhưng điều đó vẫn ổn. Những vấn đề thực sự xảy ra vào năm sau, khi Apple thâu tóm toàn bộ thị trường và Samsung mang đến một thiết kế mới với hai siêu phẩm Galaxy S6 và Galaxy S6 Edge. HTC đã mất đi vị thế dẫn đầu về thẩm mỹ, và khi không còn điểm nhấn, họ cũng mất đi sức hút, kể cả đối với những người dùng trung thành nhất. Chiếc One M9 không cải thiện được tình hình một chút nào; Nó dường như chỉ là một nỗ lực trong việc sao chép thành công của M7, và thất bại thảm hại do chất lượng camera (lại) quá tệ so với các đối thủ, thiết kế lặp đi lặp lại một cách nhàm chán [chưa kể đến "thảm họa" Snapdragon 810].
Khi HTC 10 ra mắt vào năm ngoái, nó đã trở thành một sản phẩm chấp nhận được và không có sai sót nào quá lớn. Nhưng đồng thời, nó không tạo ra được ảnh hưởng đáng kể nào trong thế giới smartphone vì ngồi bên cạnh nó trên kệ là những sản phẩm như Galaxy S7 (và S7 Edge) có thiết kế tốt hơn, Huawei P9 với giá rẻ hơn, hiện đại hơn, camera kép mạnh mẽ hơn, và hơn hết là iPhone 6s và 6s Plus nổi tiếng hơn.
Trong suốt ba năm qua, việc thiếu đi các sản phẩm thú vị kết hợp với một loạt các quyết định tồi tệ như chiếc HTC A9 quá đỗi đắt đỏ (ngoài ra còn giống hệt iPhone), hay gần đây là U Play và U Ultra. Chúng đều là những sản phẩm tỏ rõ sự thiếu đi tầm nhìn bên trong công ty, và chúng thậm chí còn gặp khó khăn trong việc theo kịp các đối thủ cạnh tranh.
Chiếc U11 không có gì khác biệt: nó là một chiếc điện thoại có đủ những điều cơ bản của một siêu phẩm, và nó cũng không có vấn đề gì đáng trách. Nhưng bài toán vẫn còn ở đó, ngoại trừ ai đó thực sự yêu thích mặt lưng bóng bẩy và bắt mắt của nó, lấy lí do gì để mua U11?
HTC U11, siêu phẩm mới nhất của HTC (ảnh: BusinessInsider)
Một chiếc điện thoại phải đuổi theo đối thủ sẽ không thể kéo mọi thứ tiến lên phía trước
Điều này không có nghĩa là tất cả các điện thoại của HTC đều tệ; chiếc HTC 10 đã là một thiết bị thú vị với rất ít sai sót. Vấn đề là, hãng sản xuất điện thoại Đài Loan này đã mất đi sự quyến rũ của mình, và họ không còn khả năng tạo ra các sản phẩm đột phá hay cân bằng được giá thành và chất lượng.
Giờ đã là năm 2017, thế giới smartphone đã thay đổi một cách đáng kể, và các nhà sản xuất vẫn đang cố gắng tìm cách bước những bước tiếp theo. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là những công ty lớn (Samsung) hay nhỏ (như điện thoại Essential của Andy Rubin) đều đang đẩy mạnh các thiết kế và ý tưởng như mô-đun (điện thoại có thể dễ dàng tháo lắp và gắn các thiết bị ngoại vi để tăng sức mạnh phần cứng như camera hay thời lượng pin) để tìm cho mình một nét riêng.
HTC làm gì để tạo ra nét riêng của mình? Gần như là không gì cả, ngoại trừ tính năng "nắn bóp" hai bên viền điện thoại, một tính năng mà thoạt nhìn có vẻ hay, nhưng tính thực tiễn vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Samsung là hãng sản xuất điện thoại đầu tiên làm ra một sản phẩm gần như không viền màn hình ra thị trường mà vẫn giữ được chất lượng hiển thị nhờ màn hình OLED. Các flagship như Galaxy S8 và S8+ còn có nhiều tính năng tiện lợi khác như sạc không dây, chống nước và hỗ trợ hai nền tảng thực tế ảo (Daydream của Google và Gear VR của chính Samsung).
Chiếc Galaxy S8 sở hữu "màn hình vô cực" vô cùng bắt mắt (ảnh: BusinessInsider)
Về phía Apple, họ đã sẵn sàng để công bố một phiên bản đặc biệt của iPhone nhân dịp kỉ niệm năm thứ 10 của dòng sản phẩm này, theo nhiều nguồn tin thì nó sẽ sở hữu thiết kế hoàn toàn mới và được bổ sung một loạt các tính năng, từ sạc không dây, "tap to wake" đến tính năng bảo mật quét khuôn mặt dựa trên nhận dạng sinh học và hỗ trợ thực tế tăng cường (augmented reality) nhờ iOS 11.
HTC, mặt khác, chỉ có một chiếc điện thoại "đủ tốt" với viền màn hình lớn, không có tính năng đột phá nào về phần mềm, và không có jack cắm tai nghe. Hơn hết, giá niêm yết của U11 là 649 bảng Anh (hơn 19 triệu đồng), cao hơn 100 bảng Anh (gần 3 triệu đồng) so với Galaxy S8 (ít nhất là trên Amazon).
Lấy OnePlus 5 làm ví dụ. Nó không đủ khả năng để cạnh tranh trực tiếp với Samsung hay Apple, nhưng ít ra giá thành 449 bảng Anh (hơn 13 triệu đồng) của nó dễ chịu hơn nhiều, và OnePlus 5 cũng đã được chứng minh rằng nó còn nhanh hơn cả iPhone.
Công bằng mà nói, đây không phải là vấn đề mà chỉ mỗi HTC đang phải đối mặt. Các công ty như LG, Sony hay Motorola cũng đang phải chịu tình cảnh tương tự, với các thiết bị như LG G6 hay Moto Z2 Force – những thiết bị khó có thể nói là "mới", chưa kể giá thành vẫn khó có thể cạnh tranh với iPhone hay Samsung Galaxy trên thị trường. Tuy nhiên, những công ty này có sự ổn định về tài chính hơn HTC rất nhiều, và có các nguồn thu nhập ngoài mảng kinh doanh điện thoại.
Các mảng kinh doanh khác của HTC (ví dụ như kính thực tế ảo HTC Vive) vẫn chưa đủ tiềm lực để có thể bù đắp cho những thua lỗ của mảng kinh doanh điện thoại – quý vừa qua HTC vẫn tiếp tục trong tình trạng sụt giảm doanh thu nặng nề.
Chiếc HTC U11 có lẽ không có lý do để tồn tại
Nếu ai đó mua một chiếc iPhone, nhiều khả năng họ làm vậy vì thiết bị đó được coi là một biểu tượng, hoặc vì Apple có một hệ sinh thái có khả năng giữ chân người dùng. Điện thoại Galaxy mới nhất của Samsung đã nhiều lần được trao danh hiệu thiết bị có thiết kế tốt nhất trên thị trường, và thường xuyên thúc đẩy ranh giới của công nghệ di động. Ngay cả Google cũng đã bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh của riêng mình, và chúng là một trong những sản phẩm được giới phê bình yêu thích nhất, nhờ vào phần cứng tốt và các phiên bản Android mượt mà nhất, được hỗ trợ nhiều nhất.
Trong tay của HTC thì chẳng có gì cả, bởi vì thay vì xây dựng một di sản, họ lại dành thời gian hơn 3 năm để tung ra những thiết bị mà đa phần bị bác bỏ bởi cả các nhà phê bình lẫn một lượng lớn khách hàng. Có những sản phẩm khác, rẻ hơn hoặc tốt hơn, để thay thế cho U11. Chiếc U11 là một bước đi an toàn và đã được thực hiện tốt bởi công ty Đài Loan này, khiến cho các nhà phê bình như Savov hay những người đam mê HTC hài lòng. Nhưng, "cứu rỗi" cả một công ty là một câu chuyện hoàn toàn khác, một câu chuyện mà một mình chiếc HTC U11 không thể viết nên được.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu