Hơn 66% lao động muốn nhảy việc sau Tết

Hơn 66% lao động sẵn sàng chuyển việc để có một cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, thay vì tiếp tục làm việc cho công ty hiện tại, trong đó, 49% quyết định tìm việc mới ngay sau Tết Âm lịch.
Nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đang lâm vào cảnh khát lao động sau Tết
Nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đang lâm vào cảnh khát lao động sau Tết

Đó là kết quả khảo sát tại các khu công nghiệp trên cả nước vừa được Tổ chức chuyên giới thiệu việc làm JobStreet.com Việt Nam đưa ra. Kết quả khảo sát này cũng phù hợp với quy luật từ nhiều năm nay, cứ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động lại đua nhau nghỉ việc, còn các công ty thì nháo nhào bằng mọi cách tìm kiếm lao động thay thế.

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, sau Tết Nguyên đán, riêng TP.HCM thiếu khoảng 19.000 lao động, đặc biệt là lao động phổ thông. Còn tại Đồng Nai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh này cũng thông báo, các doanh nghiệp tại tỉnh đang thiếu khoảng 31.000 lao động sau Tết.

Trong con số 19.000 lao động mà Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đưa ra, có đến 30% việc làm bán thời gian, lao động thời vụ. Các nhóm ngành nghề cần nhiều lao động là: marketing, bán hàng, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhà hàng - khách sạn, phục vụ tổ chức sự kiện - hội chợ - hội nghị khách hàng, vệ sinh công nghiệp - dân dụng, thiết kế cảnh quan - chăm sóc cây cảnh, nghiên cứu thị trường...

Theo tổ chức nghiên cứu về nguồn lao động và giới thiệu việc làm toàn cầu nêu trên, lương thưởng, đặc biệt là thưởng trong dịp Tết là một trong những chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp nhằm giữ chân nhân viên. Tuy nhiên, theo khảo sát, có đến 16,7% không được thưởng Tết. Mức thưởng dưới 1 tháng và 1-2 tháng chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt chiếm 35,6% và 31,5% trong số các lao động được khảo sát.

Khảo sát của JobStreet.com Việt Nam cũng chỉ rõ chênh lệch về mức thưởng theo cấp bậc của người lao động. Cụ thể, 72% lao động ở cấp bậc quản lý cho rằng, họ nhận được mức thưởng “khủng” từ 1 đến trên 4 tháng lương, tương đương từ 33 đến 135 triệu đồng; trong khi đó, 58,26% lao động ở cấp bậc nhân viên chỉ nhận được mức thưởng dưới 1 tháng lương. Người lao động tại lĩnh vực khai thác khoáng sản, xăng, dầu và khí đốt nhận được mức thưởng cao nhất, có đến 14% nhận được hơn 4 tháng lương thưởng.

Đáng lưu ý là, mức lương thưởng không phải là yếu tố được nhân viên đặt lên hàng đầu để tiếp tục làm công việc hiện tại. Khảo sát cho thấy, môi trường làm việc năng động, truyền cảm hứng mới là yếu tố hàng đầu, được 22% người lao động quan tâm. Mức lương thưởng tốt chỉ đứng ở vị trí thứ hai (16,8%).

Do đó, khi đối mặt với khủng hoảng nhân sự, doanh nghiệp cần thấu hiểu động lực phát triển của mỗi nhân viên trong công ty, đặc biệt khi Việt Nam chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Việc gia nhập AEC sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ứng viên, khi họ được săn đón bởi các tập đoàn đa quốc gia, nhất là đối với những lao động có trình độ và tay nghề cao.

Theo bà Angie SW Phang, Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa minh bạch thông tin về lương thưởng. Mức lương của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực do trình độ và năng suất lao động thấp hơn và có đến 60% số người được JobStreet.com khảo sát nói rằng, mức lương mà họ nhận được không đủ trang trải cuộc sống, dù tỷ lệ tăng lương bình quân của Việt Nam gần đây là 2 con số, cao hơn mức tăng trưởng lương của nhiều nước trên thế giới (chỉ ở mức 1 con số).

Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam cho rằng, cơ chế minh bạch mức lương sẽ làm thay đổi thị trường tuyển dụng tại Việt Nam. Thêm vào đó, một cơ chế thưởng hấp dẫn được công bố minh bạch chắc chắn là ưu thế của doanh nghiệp trong việc thu hút nhân tài, bởi rất nhiều người tham gia khảo sát mong muốn “được thưởng theo hiệu quả công việc”.

Theo Đầu tư