“Không thể ngăn cấm thông tin trên mạng xã hội”
Thủ tướng đã nói như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015 của Văn phòng Chính phủ ngày 15/1.
Theo Thủ tướng, thông tin luôn diễn ra hai chiều, do đó những vấn đề nóng hổi, bức xúc từ cuộc sống phải có đề xuất ngay để xử lý.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, hiện nay hơn 30 triệu người Việt đang sử dụng các mạng xã hội, đó là nhu cầu thiết yếu không thể ngăn cấm. Điều quan trọng phải thông tin cho chính xác, định hướng cho tốt dư luận trên mạng xã hội.
“Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí. Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng. Trên mạng ai nói gì thì nói nhưng nếu có thông tin chính thống của Chính phủ thì người dân mới có lòng tin. Đây là nhiệm vụ mới cần phải làm tốt trong năm nay”, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ.
(Xem tiếp)
“Anh nói không dừng được, cứ như xe mất phanh”
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã nói như vậy với Giám đốc Sở GTVT Lào Cai Nguyễn Trọng Hài tại hội nghị trực tuyến về an toàn giao thông ngày 13/1.
Trước hội nghị, ông Hài dẫn chứng hàng loạt “thành tích” mà địa phương này đạt được... Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ngắt lời ông Hài, đề nghị phát biểu có trọng tâm hơn “Lào Cai là nơi để xảy ra tai nạn xe khách thảm khốc nhất vừa qua, các đồng chí rút ra kinh nghiệm gì?”.
Tuy nhiên, thay vì trả lời câu hỏi của Phó thủ tướng, ông Hài lại tiếp tục: “Xin báo cáo thêm một chút nữa” khiến cả hội trường cười ồ. Quá sốt ruột với phần trình bày của đại diện Lào Cai, Bộ trưởng tiếp tục can thiệp: “Anh nói không dừng được, cứ như xe mất phanh. Đề nghị nói luôn vào mục tiêu trong năm 2015 sẽ xử lý các vấn đề về ATGT như thế nào, xe quá tải xử lý ra sao?”... (Xem tiếp)
“Chúng tôi không nghĩ là do VietJet Air”
Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Ngọc Minh khẳng định điều này với báo giới trước câu hỏi “liệu việc phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc hàng loạt có liên quan đến hãng hàng không nội địa nào không?”
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, từ đầu năm 2014 đã có hiện tượng kỹ sư thợ máy nộp đơn xin nghỉ việc và hãng đã làm công tác tư tưởng, vận động, thuyết phục. Tuy nhiên, đến nửa cuối 2014, số phi công bắt đầu nộp đơn xin nghỉ việc ngày càng tăng lên.
Đỉnh điểm là đến dịp Tết Dương lịch vừa qua, từ 30/12/2014 đến 4/1/2015 có tới 117 lượt phi công báo ốm, trong đó 90% nằm ở lực lượng đội bay Airbus, không có kỹ sư nghỉ việc đang làm ở B777 và ATR 72... (Xem tiếp)
“Trả lương bằng nửa người khác thì không thể gắn bó mãi được”
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã nói như vậy tại hội nghị tổng kết 2014 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ngày 15/1.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhà nước dần chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, cạnh tranh theo thị trường thì công tác cán bộ càng phải được chú trọng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chọn được người dám nghĩ, dám đổi mới, từ đó góp phần vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp.
“Vietnam Airlines hay Vinalines đều là những doanh nghiệp có truyền thống, có thương hiệu, song trong tình hình mới, muốn người lao động gắn bó thì không chỉ dựa vào những yếu tố này cũng như tình cảm của họ, mà trước tiên phải từ lợi ích kinh tế”.
“Em có quý anh, muốn đi theo anh nhưng anh trả lương chỉ bằng một nửa người khác thì em không thể gắn bó mãi được”, Bộ trưởng nói tiếp.
“Vấn đề lao động qua vụ việc tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam phải được coi là bài học trong sử dụng cán bộ, người lao động”, quan điểm trên được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đưa ra tại hội nghị tổng kết 2014 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ngày 15/1. Theo VnEconomy
Theo người đứng đầu ngành giao thông, trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhà nước dần chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần, cạnh tranh theo thị trường thì công tác cán bộ càng phải được chú trọng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chọn được người dám nghĩ, dám đổi mới, từ đó góp phần vào sự lớn mạnh của doanh nghiệp.
“Vietnam Airlines hay Vinalines đều là những doanh nghiệp có truyền thống, có thương hiệu, song trong tình hình mới, muốn người lao động gắn bó thì không chỉ dựa vào những yếu tố này cũng như tình cảm của họ, mà trước tiên phải từ lợi ích kinh tế”.
“Em có quý anh, muốn đi theo anh nhưng anh trả lương chỉ bằng một nửa người khác thì em không thể gắn bó mãi được”, Bộ trưởng nói tiếp.
Cũng theo Bộ trưởng, để có cơ sở trả lương cao thì hiệu quả sản xuất kinh doanh nhất thiết phải đặt hàng đầu, năng suất lao động phải được nâng lên, quản trị doanh nghiệp phải tốt hơn.
Trước đó, ngày 14/1, tại hội nghị tổng kết năm của Đảng bộ Bộ Giao thông Vận tải, ông Thăng cũng nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải tập trung trước hết vào công tác cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, luân chuyển cán bộ trên cơ sở công khai, minh bạch, dân chủ.
Bộ trưởng Thăng chỉ đạo các đơn vị cần tổ chức đánh giá, làm rõ trách nhiệm, hiệu quả làm việc của từng người để người làm tốt được giữ lại trong guồng máy, còn người làm không tốt phải được “tách” riêng để đào tạo lại, nếu vẫn không đạt yêu cầu thì không được vào biên chế.
“Chúng ta đã nói mãi rồi, nếu sợ mất lòng mà không làm thì bộ máy còn trì trệ. Người làm tốt hay không tốt cũng như nhau, như thế không tạo ra động lực làm việc, năng suất công việc không cao”, ông Thăng nhấn mạnh.