Theo Kaspersky, hệ thống cập nhật phần mềm của ASUS bị tấn công và lợi dụng để phát tán mã độc cho khoảng 1 triệu máy tính Windows. Mã độc ngụy trang dưới dạng cập nhật phần mềm quan trọng, phát tán từ máy chủ của ASUS và được ký bằng chứng thực hợp lệ từ chính ASUS. Chi tiết về vụ tấn công được Motherboard công bố đầu tiên và Kaspersky sẽ công bố nhiều hơn tại cuộc họp báo sắp diễn ra.
Không rõ hacker theo đuổi mục đích gì, tuy nhiên dường như chúng nhằm vào một số khách hàng cụ thể: mã độc bao gồm hướng dẫn đặc biệt cho 600 máy tính được xác định thông qua các địa chỉ MAC nhất định, cho thấy đây là vụ tấn công có chủ đích. Một khi máy tính bị nhiễm độc, bản cập nhật này sẽ cài thêm các chương trình độc hại khác để can thiệp hệ thống.
Kaspersky gọi vụ tấn công là “ShadowHammer”. Loại tấn công này thường là tấn công gián điệp được sự hỗ trợ từ chính phủ, nổi bật nhất có thể kể đến “sâu” Stuxnet. Có vẻ ASUS chưa liên lạc với khách hàng hay có hành động ngăn chặn malware. Trong email gửi đến The Verge, ASUS cho biết sẽ phát hành thông báo chính thức về mã độc vào ngày 26/3. Theo Motherboard, ASUS cũng phủ nhận việc mã độc xuất phát từ máy chủ.
Dù mã độc được phân phối đến nửa triệu máy tính, Kaspersky cho biết số lượng máy tính cài mã độc vào khoảng “vài trăm nghìn”. 57.000 người sử dụng phần mềm bảo mật của Kaspersky đã cài đặt công cụ bị can thiệp, trong khi Symantec nói rằng phát hiện ít nhất 13.000 khách hàng cài mã độc. Theo Symantec, mã độc từ máy chủ Live Update ASUS được gửi đến khách hàng ASUS từ tháng 6 đến tháng 10 năm 2018.
Tấn công vào hệ thống cập nhật của một công ty cho phép kẻ xấu xâm nhập máy tính trên diện rộng. Nó không được tiến hành thường xuyên nhưng một khi xảy ra sẽ để lại tác hại khôn lường. Hiện tại, các công ty chủ yếu phụ thuộc vào giải pháp riêng của mình. Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, ASUS đang chiếm khoảng 6% thị phần máy tính với hàng chục triệu máy tính xuất xưởng mỗi năm.