Hãng chip hàng đầu Nhật Bản dừng bán hàng cho khách hàng Trung Quốc

Tokyo Electron, nhà cung ứng thiết bị sản xuất bán dẫn số 3 thế giới, sẽ không cung ứng cho khách hàng Trung Quốc có tên trong danh sách cấm vận của Washington.

Theo Reuters, quyết định của Tokyo Electron cho thấy nỗ lực cấm bán công nghệ cho các hãng Trung Quốc của Washington đang ảnh hưởng đến cả những doanh nghiệp không phải của Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng ngành bán dẫn riêng để giảm lệ thuộc vào đối tác Mỹ, Nhật và châu Âu trong sản xuất chip.

Vị quan chức giấu tên của Tokyo Electron cho biết sẽ không giao dịch với khách hàng Trung Quốc mà Applied Materials và Lam Research (hai công ty chip lớn của Mỹ) bị cấm kinh doanh. Tokyo Electron muốn chính phủ Mỹ và ngành công nghệ đánh giá là công ty công bằng. Tokyo Electron có quan hệ đối tác lâu đời với Mỹ từ những năm 1960 khi họ khởi đầu như nhà nhập khẩu thiết bị Mỹ.

Nguồn tin của Reuters cho hay một nhà cung ứng thiết bị chip lớn khác của Nhật cũng đang cân nhắc dừng bán hàng cho các công ty Trung Quốc bị cấm vận. Người này nói vấn đề vượt khỏi quyết định riêng của họ.

Lãnh đạo các nhà cung ứng khác nói đang liên hệ chặt chẽ với Bộ công nghiệp Nhật Bản. Một trong số đó tiết lộ chưa nhận được chỉ đạo cụ thể từ Bộ và họ nhận thức được sẽ chuốc lấy rắc rối lớn nếu lợi dụng lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ để mở rộng kinh doanh với Trung Quốc.

Nguồn tin trong Tokyo Electron không nêu chi tiết tên của các khách hàng Trung Quốc song nhà sản xuất chip nhớ Fujian Jinhua Integrated Circuit đang nằm trong danh sách tổ chức, cá nhân không được mua hàng hóa từ doanh nghiệp Mỹ. Hàng loạt công ty Trung Quốc khác cũng nằm trong danh sách được khuyến nghị tránh giao dịch.

HiSilicon của Huawei tập trung vào thiết kế chip và không phải người mua thiết bị sản xuất chip. Tuy nhiên, Huawei đối diện với rủi ro lớn từ những đối tác không phải người Mỹ nhưng lại làm theo danh sách cấm vận của Mỹ. Luật của Mỹ quy định bất kỳ sản phẩm nào chứa 25% yếu tố Mỹ trở lên là đối tượng của hạn chế xuất khẩu.

Chẳng hạn, nhà thiết kế chip ARM, thuộc sở hữu của SoftBank Nhật Bản, đã tạm dừng quan hệ với Huawei, ảnh hưởng không ít đến khả năng sản xuất chip cho smartphone tương lai của Huawei.

Taiwan Semiconductor Manufacturing, công ty hàng đầu thế giới về sản xuất chip và nhà sản xuất nhiều con chip Huawei, nói sẽ tiếp tục cung ứng cho Huawei.

Trong số 10 công ty thiết bị chip lớn nhất thế giới, Nhật chiếm 5. Ngành công nghiệp chip tương đối nhỏ nhưng lại đóng vai trò quan trọng đối với tất cả nhà sản xuất bán dẫn. Sản xuất chip liên quan đến vô số quy trình, đòi hỏi nhiều loại thiết bị khác nhau. Mỗi phân khúc lại do một vài cái tên thống trị. Tokyo Electron cũng nằm trong số này.

Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào phát triển cung ứng chip nội địa như một phần trong nỗ lực sản xuất 70% bán dẫn cần thiết vào năm 2025. Song, nguồn tin trong ngành cho rằng công nghệ nội địa vẫn còn thua xa của nước ngoài khiến Trung Quốc phải phụ thuộc vào thiết bị nhập khẩu.

Ngày nay, chỉ có 16% bán dẫn dùng tại Trung Quốc là sản xuất trong nước, một nửa trong đó là của doanh nghiệp nội, theo Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ. Dù vậy, đầu tư ráo riết từ các nhà sản xuất chip địa phương và công ty nước ngoài như Samsung Electronics lại khiến Trung Quốc trở thành thị trường thiết bị chip lớn thứ 2 vào năm 2018.

Nhiều nhà sản xuất thiết bị chip dự báo lợi nhuận giảm đáng kể năm nay do thương chiến Mỹ Trung ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu chip và thiết bị chip toàn cầu.

Theo ICTNews

https://ictnews.vn/kinh-doanh/hang-chip-hang-dau-nhat-ban-dung-ban-hang-cho-khach-hang-trung-quoc-183945.ict