Mỹ, thông qua Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan, đã tổ chức cuộc họp sơ bộ ảo của Nhóm làm việc về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng bán dẫn của Mỹ-Đông Á ngày 27/9 để thảo luận về giải pháp tăng cường chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn, Thời báo EE dẫn tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. Các đại biểu và quan sát viên từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã tham gia thảo luận.
Liên minh do Mỹ dẫn đầu đề xuất sẽ bổ sung thêm các biện pháp hiện có nhằm hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp chip Trung Quốc. Hàn Quốc, quốc gia phụ thuộc cả vào Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực thương mại và sản xuất chất bán dẫn, sẽ tham gia các cuộc đàm phán ban đầu về việc hình thành nhóm Chip 4, Seok-Joong Woo, một quan chức thương mại, công nghiệp và năng lượng tại Đại sứ quán Hàn Quốc ở Washington, DC cho biết.
Ông nói: “Chúng tôi vẫn chưa quyết định tham gia Chip 4” và cho biết thêm, ngày họp trực tuyến để xem xét ý tưởng vẫn chưa được quyết định.
Đây là bình luận của ông về một bài báo của New York Times ngày 18/9, theo bài báo này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán bất chấp lo ngại về việc chọc giận Trung Quốc. Tổng thống Yoon nhấn mạnh rằng, việc bốn chính phủ hợp tác là “cần thiết”.
Sáng kiến Chip 4 sẽ tạo ra một liên minh chuỗi cung ứng gồm 4 siêu cường sản xuất chip, ngoại trừ Trung Quốc, đang trở thành mối đe dọa đối với sự thống trị của Mỹ trong ngành chip.
Sự hợp tác này sẽ gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của Samsung và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, phụ thuộc vào Trung Quốc để kinh doanh và sản xuất. Hai công ty này cũng dựa vào công nghệ sản xuất và phần mềm thiết kế chip của Mỹ.
Những vấn đề của Liên minh Chip 4
Theo Paul Triolo, Phó chủ tịch cao cấp về Trung Quốc và trưởng nhóm chính sách công nghệ tại Albright Stonebridge Group, một công ty tư vấn ở Washington, DC, liên minh có thể sẽ không mang lại hiệu quả kiềm chế Trung Quốc.
Ông nói: “Liên minh do Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn đầu sẽ không giải quyết các vấn đề về kiểm soát xuất khẩu. Những mục tiêu của liên minh, vẫn chưa được tuyên bố công khai và có vẻ hơi mờ mịt, dường như là cố gắng phối hợp một số yếu tố của chính sách công nghiệp liên quan đến chuyển dịch chuỗi cung ứng công nghệ tiên tiến về các quốc gia thân thiện."
Matthew Bey, nhà phân tích toàn cầu cao cấp của RANE Risk Intelligence, một công ty tư vấn kinh doanh địa chính trị nhận xét, việc Hàn Quốc trì hoãn tham gia các cuộc đàm phán liên quan đến lo ngại về một cuộc chiến thương mại có thể bùng phát giữa Hàn Quốc với Trung Quốc .
Ông nói: “Việc tham gia liên minh Chip 4 là một rủi ro đáng kể đối với Hàn Quốc vì bất kỳ động thái nào nhằm thực sự hạn chế việc bán chip và đầu tư vào Trung Quốc đều có nguy cơ gây ra chiến tranh thương mại với việc Trung Quốc sẽ tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc, bất kể lĩnh vực nào”.
Ông Bey cho rằng, Mỹ sẽ cần phải giảm phạm vi liên minh để hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ chip nước ngoài của Trung Quốc.
“Theo quan điểm của Washington, bản thân Mỹ có lẽ sẽ không có năng lực hữu hiệu để hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào chip do Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sản xuất do các quốc gia này đều phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc sẽ trả đũa kinh tế nhằm vào các quốc gia này nếu sáng kiến Chip 4 có những động thái thực chất.”
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục leo thang cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc, khởi đầu từ cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo Đạo luật CHIPS mới được ban hành của Mỹ, các công ty bán dẫn Đông Á như Samsung, SK Hynix, Intel và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) dự kiến sẽ phải đối mặt với các hạn chế về khả năng nâng cấp các hoạt động sản xuất hiện có ở Trung Quốc.
Gần đây hơn, những hạn chế mới của Bộ Thương mại Mỹ (DoC) đối với xuất khẩu toàn cầu của công nghệ sản xuất chip tiên tiến sẽ tác động trực tiếp đến các nhà thiết kế chip Trung Quốc như Alibaba và Baidu.
Theo Bey, những hạn chế hơn nữa từ việc thành lập liên minh Chip 4 sẽ là sự đánh đổi về lợi thế và rủi ro. Ông nói: “Mỹ sẽ có hiệu quả trong việc đảm bảo các nhà sản xuất chip Trung Quốc đi sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vài thế hệ và những khách hàng nhạy cảm nhất của Trung Quốc (liên quan đến quân sự) không có quyền truy cập vào AI và chip xử lý tiên tiến. Rủi ro mặt trái lớn nhất là những động thái của Chip 4 sẽ kìm hãm sự đổi mới, tăng thêm chi phí cho ngành và gây ra cuộc trả đũa kinh tế từ phía Trung Quốc.”
Bey cho biết thêm, Mỹ có thể sẽ theo đuổi nhiều hạn chế hơn miễn là quốc gia này có lợi thế cạnh tranh hơn so với Trung Quốc. Ông bình luận “Trung Quốc tỏ ra rất ít sẵn sàng trả đũa Mỹ. Các biện pháp kiểm soát và trừng phạt xuất khẩu của Mỹ cực kỳ mạnh mẽ trong ngành công nghiệp bán dẫn do tính chất phổ biến của hệ thống tài chính Mỹ trên toàn cầu và sự thống trị của các công ty Mỹ trong công nghệ và IP trong ngành bán dẫn khiến hầu hết các ứng dụng liên quan đến bán dẫn phải chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ”.
Hệ thống ASML có thể sẽ là mục tiêu trọng tâm của Chip 4
Roy Lee, phó giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua, một tổ chức tư vấn cho chính phủ Đài Loan nhấn mạnh, mục đích quan trọng của liên minh Chip 4 là ngăn chặn Trung Quốc. Theo ông:
“Sáng kiến chia sẻ những thông tin về những gì Trung Quốc đang thực hiện, cố gắng có được công nghệ hoặc thu hút nhân sự. Sáng kiến này cũng giải quyết những vấn đề thiếu hụt về vật chất, các trường hợp nghiên cứu đầu tư. Sáng kiến sẽ xem xét, liệu có kẽ hở nào để Trung Quốc có được các máy ASML hay không? Đó có lẽ là vấn đề trọng tâm nhất của Chip 4”.
Theo EETimes