Hải sản an toàn được kiểm định thế nào?

Tại cảng biển, cán bộ kỹ thuật lập biên bản lấy mẫu với chủ tàu sau đó chuyển mẫu về các phòng kiểm nghiệm. Lực lượng chức năng phân tích chỉ tiêu thủy ngân, chì, cadimi, arsen.
Hải sản xa bờ được cán bộ quản lý chất lượng thuỷ sản kiểm định bằng cảm quan trước rồi mới gửi mẫu đi phân tích. Ảnh:  Văn Được.
Hải sản xa bờ được cán bộ quản lý chất lượng thuỷ sản kiểm định bằng cảm quan trước rồi mới gửi mẫu đi phân tích. Ảnh: Văn Được.

Ngày 2/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn hướng dẫn cách xác nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn gửi đến UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Theo Bộ NN&PTNT, hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài khu vực 20 hải lý tình từ bờ biển sẽ được cơ quan chức năng tổ chức các biện pháp xác nhận an toàn. Theo đó, khi các tàu khai thác hải sản cập cảng, chủ tàu phải thực hiện việc thông báo cho Chi cục thủy sản địa phương. Tại đây, các cán bộ chi cục thủy sản sẽ giám sát việc lên cá, xác nhận khối lượng thủy sản theo từng loài.

Để đáp ứng quá trình xác nhận một cách khoa học, khách quan, chủ tàu cá sẽ trình giấy tờ, sổ ghi hành trình được cơ quan biên phòng xác nhận. Đồng thời, cán bộ giám sát cũng ghi nhận các thông tin từ nhật ký khai thác, nhật ký thu mua của các tàu.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, loài hải sản được lấy mẫu giám sát là loài chiếm tỷ lệ lớn trong chuyến hàng khai thác được cập cảng. Việc giám sát đối với hải sản được khai thác ở vùng biển ngoài 20 hải lý (tính từ bờ) được thực hiện 2-3 ngày/lần. Trong khi đó nhà chức trách tổ chức giám sát hàng ngày đối với hải sản được đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý (tính từ bờ).

Sau khi có kết luận mẫu phân tích, hải sản sẽ được xác nhận là an toàn. Ảnh: Văn Được.

Sau khi có kết luận mẫu phân tích, hải sản sẽ được xác nhận là an toàn. Ảnh: Văn Được.

Tại cảng biển, cán bộ kỹ thuật lập biên bản lấy mẫu với các chủ tàu sau đó chuyển mẫu về các phòng kiểm nghiệm được Bộ NN&PTNT chỉ định. Lực lượng chức năng sẽ phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng như thủy ngân, chì, cadimi, arsen...

Trường hợp phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, các đơn vị liên quan tổ chức tổng hợp, báo cáo lên Bộ NN&PTNT để có phương án xử lý. Trong đó, mẫu cá khai thác trong vùng biển 20 hải lý không đạt yêu cầu sẽ được UBND tỉnh sở tại thực hiện biện pháp tiêu hủy và hỗ trợ cho ngư dân. Đồng thời, khuyến cáo ngư dân không đánh bắt tại biển có mẫu cá không đảm bảo tiêu chí an toàn.

Xác nhận tàu đánh bắt xa bờ bằng máy định vị

Chiều 2/5, ông Mai Văn Minh - Chi cục trưởng Quản lý chất lượng Nông lâm thuỷ sản Quảng Bình cho biết, quá trình kiểm định, đánh giá chất lượng hải sản xa bờ do chi cục này thực hiện theo đúng quy định của Bộ NN-PTNT.

Theo đó, cán bộ Chi cục túc trực 24/24 tại các cảng cá để thực hiện việc kiểm định khi có tàu cá xa bờ cập bến. Để đánh giá “cá sạch”, những tàu cá xa bờ sẽ được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản xác nhận. Việc xác nhận tàu xa bờ dựa trên 2 tiêu chí, tàu đánh bắt xa bờ được xác nhận qua máy định vị khu vực hoạt động và Giấy phép khai thác vùng khơi được cấp trước đó. 

“Cùng với cán bộ của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản xác nhận tàu cá xa bờ, chúng tôi sẽ kiểm định chất lượng hải sản ngay tại các cảng cá. Quá trình kiểm định chất lượng hải sản được tiến hành bằng cảm quan trước rồi sau đó lấy mẫu gửi đi phân tích”, ông Minh trao đổi với Zing.vn.

Tại các cảng cá, cán bộ Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản sẽ kiểm tra bằng các giác quan như như tay, mắt... Dựa vào màu sắc, hình thể, kích thước, độ đàn hồi của cá thể hải sản…, cán bộ sẽ đánh giá được chất lượng hải sản có an toàn hay không. 

Theo ông Mai Văn Minh, mẫu cá được gửi vào Trung tâm Chất lượng Nông lâm thuỷ sản vùng 2 (Bộ Nông nghiệp) đóng tại Đà Nẵng. Kết quả phân tích sẽ được gửi về sớm nhất là 3 ngày. 

“Dựa trên kết quả phân tích mẫu hải sản, chúng tôi căn cứ vào quy định của Bộ Nông nghiệp để đánh giá. Theo quy định, có 2 văn bản để đánh giá đó là Quyết định 46/2007 QĐ Bộ y tế và Bảng quy chuẩn VN 8-2/2011 Bộ Y tế để chứng nhận hải sản đạt chất lượng, an toàn cho người dân sử dụng”, ông Minh thông tin. 

Riêng hải sản được các siêu thị thu mua, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thuỷ sản chịu trách nhiệm cử cán bộ xác nhận việc kiểm định chất lượng. Các siêu thị sẽ thực hiện việc kiểm định chất lượng hải sản theo quy chuẩn riêng được cấp phép đối với đơn vị kinh doanh.

Theo Zing