Trong số này, có 534 dịch vụ công mức độ 3, còn lại là 88 dịch vụ công mức độ 4. Đoàn kiểm tra đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước tại Hải Phòng được thực hiện “tương đối đa dạng”.
Thành phố Hải Phòng đã đăng ký tiếp tục triển khai 134 dịch vụ công mức độ 3 trong năm 2017. Đến nay, thành phố đã công bố 871 thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính.
Cơ chế một cửa tiếp tục được Hải Phòng duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả theo hướng công khai, minh bạch. Hầu hết các Sở, ban, ngành, huyện, xã và các cơ quan ngành dọc của trung ương trên địa bàn thành phố có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa (trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ).
Bên cạnh đó, một số mô hình sáng tạo mới đang được triển khai có hiệu quả, như mô hình “một cửa thân thiện”; “một cửa điện tử liên thông”; điển hình là mô hình “một cửa về đầu tư cấp thành phố” - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hải Phòng.
Trong 6 tháng đầu năm, UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được 7 phản ánh, kiến nghị về cơ chế chính sách thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân.
Nhờ vậy, chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) của Hải Phòng đã có 4 năm liên tiếp đứng thức 2 trên tổng số 63 tỉnh thành, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 21/63, tăng 7 bậc so với năm 2015, Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 37/63, tăng 12 bậc so với năm 2015.
Tuy nhiên, theo đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, công tác cải cách hành chính tại Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế.
Cụ thể, việc công bố thủ tục hành chính của thành phố chưa đảm bảo yêu cầu về kiểm soát thủ tục hành chính. Đáng chú ý là chưa được chuẩn hóa theo quyết định công bố của Bộ.
Đồng thời, việc công khai, cập nhật thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính còn chậm, nhiều thủ tục đã hết hiệu lực nhưng vẫn đang công khai ở tình trạng còn hiệu lực, một số thủ tục được công bố mới nhưng chưa được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.
Đặc biệt, Hải Phòng chưa có cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ, nên khó khăn cho các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện quy trình thủ tục hành chính liên thông.
Thực tế này là nguyên nhân khiến tỷ lệ thủ tục hành chính áp dụng cơ chế một cửa liên thông của Hải Phòng vẫn thấp, chỉ chiếm tỷ lệ 3,83 % nếu tính chung toàn thành phố.
Trong khi đó thì hạ tầng kỹ thuật, phần mềm một cửa điện tử của các cơ quan, đơn vị không thống nhất và không có sự kết nối.
Việc triển khai chính quyền điện tử trên toàn thành phố chưa đồng bộ, người dân và doanh nghiệp chưa được tuyên truyền, hướng dẫn đầy đủ về việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và cách thức tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước:
1. Dịch vụ hành chính công là: những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước (hoặc tổ chức, doanh nghiệp được ủy quyền) có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý.
2. Dịch vụ công trực tuyến là: dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
3. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục; hồ sơ; thời hạn; phí và lệ phí thực hiện dịch vụ.
4. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
5. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
6. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng