Trung tâm xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera. |
Đó là kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội thảo “Giao thông thông minh, các giải pháp áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác quản lý giao thông của thành phố”, thu hút sự tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã của TP cùng các chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ùn tắc giao thông đang là một vấn nạn của TP Hà Nội. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được và có kết nối kém; giao thông cá nhân là chủ yếu, trong đó phần lớn là xe máy; hạ tầng chưa đáp ứng được và tính kết nối kém; ý thức người tham gia giao thông còn chưa cao; áp dụng CNTT còn hạn chế; vấn đề tổ chức đỗ xe; tổ chức thi công công trình đường chưa hợp lý. Các tuyến đường thường xuyên ùn tắc của Hà Nội đó là: Cầu Diễn; Hồ Tùng Mậu; Xuân Thủy; Phạm Hùng; Quang Trung - Hà Đông; Nguyễn Trãi; Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng; Thái Hà - Chùa Bộc....
Để giải quyết vấn đề giao thông của Thủ đô, các chuyên gia đã đề xuất mô hình trung tâm giám sát, quản lý và điều khiển giao thông đô thị Hà Nội. Mô hình này bao gồm Trung tâm quản lý điều hành chung thuộc UBND TP, trong đó sẽ có 2 Trung tâm trực thuộc.
Trung tâm thứ nhất là giám sát, xử phạt và an ninh giao thông đô thị do CSGT Hà Nội quản lý, nhằm thực hiện các chức năng: đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; tuần tra, kiểm sát, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm; báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan liên quan có biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông, tổ chức cấp cứu người bị nạn, giải quyết tai nạn giao thông; đấu tranh phòng chống tội phạm.
Để đảm bảo được yêu cầu chức năng như vậy, trung tâm giám sát và an ninh giao thông thực thuộc CSGT cần có chức năng cơ bản như giám sát giao thông; phát hiện phương tiện vi phạm; phát hiện và ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp; thực hiện xử phạt “nguội”; tiếp nhận thông tin từ người dân; cung cấp thông tin đến người tham gia giao thông.
Trung tâm thứ 2 là quản lý và điều khiển giao thông do Sở GTVT quản lý, có nhiệm vụ cơ bản như: giám sát tình trạng giao thông và cung cấp thông tin tình trạng giao thông; lên phương án tổ chức giao thông; điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông; quản lý giao thông công cộng và taxi; quản lý và giám sát đỗ xe; giám sát xe tải nặng; ứng phó với các tình huống khẩn cấp; thanh toán vé điện tử giao thông công cộng và đỗ xe; quản lý hạ tầng và lưu lượng giao thông; tiếp nhận thông tin từ người tham gia giao thông; lưu trữ dữ liệu và nghiên cứu phát triển mạng lưới.
Khẳng định quyết tâm xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, an toàn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung ngoài việc giao Sở GTVT tiếp thu ý tưởng trên, ông còn giao Tổng Công ty Vận tải Hà Nội phối hợp nghiên cứu tăng cường ứng dụng giao thông thông minh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt phục vụ nhân dân trong thời gian tới.
Chưa có phương án cụ thể để triển khai lắp Wi-Fi miễn phí
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đã xác nhận, Sở TT&TT đã được Chủ tịch UBND Thành phố giao cùng một số Sở, ngành nghiên cứu, dự thảo phương án triển khai lắp đặt Wi-Fi miễn phí tại một số khu vực, với mục đích chính là phục vụ triển khai ứng dụng giải pháp giao thông thông minh tại Hà Nội, tạo điều kiện người dân có thể liên tục cập nhật tình hình giao thông. Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội cũng chia sẻ thêm là hiện vẫn chưa có phương án cụ thể đối với việc lắp đặt Wi-Fi miễn phí này.