Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đẩy mạnh triển khai nhiều thủ tục và dịch vụ công qua mạng. Các sở, ngành quận huyện đã thực hiện được hàng nghìn thủ tục qua mạng, giảm phiền hà cho người dân.
Giải quyết hàng nghìn hồ sơ qua mạng
Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2016 (ICT Index), Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT, tăng 1 bậc so với năm 2015.
Hà Nội cũng nằm trong top đầu về các chỉ số như: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ; Trang/Cổng thông tin điện tử; Số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; Cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT; nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT.
Theo đại diện UBND quận Nam Từ Liêm, các xã, phường trên địa bàn quận cũng tích cực triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 14 thủ tục cấp phường và 16 thủ tục cấp quận. “4 tháng đầu năm nay, cấp phường đã tiếp nhận 2.134 hồ sơ, giải quyết 2.120 hồ sơ, đạt 99% thủ tục qua mạng. Cấp quận cũng đạt hơn 90%”- đại diện quận Nam Từ Liêm cho hay. Tại huyện Gia Lâm, mặc dù rất thiếu trang thiết bị, máy móc để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm, huyện đã giải quyết hơn 1.700 hồ sơ qua mạng, đạt trên 95%.
Theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, các quận, huyện, sở, ngành phải rà soát lại thủ tục hành chính thuộc địa bàn quản lý, sau đó thống kê và tiến tới 100% thủ tục sẽ được thực hiện qua mạng. Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho thấy, tính đến hết tháng 4-2017, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã có 4.681 cán bộ được cấp tài khoản tham gia, gần 5 triệu lượt truy cập. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng là 82.580 hồ sơ/91.798 hồ sơ (đạt trên 90%).
Số hóa dữ liệu hộ tịch
Là đơn vị đầu tiên trên địa bàn thành phố thực hiện số hóa dữ liệu sổ hộ tịch, đến nay, quận Long Biên đã đạt được những kết quả nhất định. Bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT-TT cho biết, toàn bộ dữ liệu sổ Hộ tịch năm 2015 của quận Long Biên đã được số hóa, đồng bộ vào hệ thống eSAMS của thành phố với tổng số 64 quyển số khai sinh và đăng ký kết hôn, gồm 8.355 trường hợp với 282.113 trường dữ liệu.
Theo Sở TT-TT, các dịch vụ công như: khai sinh, khai tử liên thông cũng đang được các đơn vị khai thác sử dụng hàng ngày, cơ bản đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ. Từ tháng 5-2017, các sở, ngành liên quan đã mở rộng khai thác cơ sở dữ liệu dân cư sang các lĩnh vực công dân và phục vụ công tác quản lý khác như: kiểm tra xe chính chủ, công tác hoàn thuế, xây dựng dữ liệu quản lý hộ kinh doanh cá thể, cấp “sổ đỏ”, hỗ trợ hỏa táng, chứng sinh điện tử, quản lý xử lý vi phạm hành chính và triển khai dịch vụ tra cứu dữ liệu dân cư.
“Kết quả số hóa đã giúp đơn vị khai thác hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho công tác lưu trữ, khai thác, dịch vụ công... Từ nay đến hết năm 2017, thành phố sẽ triển khai diện rộng số hóa dữ liệu, trước mắt tập trung số hóa dữ liệu hộ tịch, xây dựng và cập nhật các cơ sở dữ liệu cốt lõi, quan trọng để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử; Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dân cư để triển khai các các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của thành phố. Từ ngày 1-7-2017, hoàn thành xây dựng và triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến”- bà Phan Lan Tú nói.