Mới đây, Chi Cục (An toàn vệ sinh thực phẩm) ATVSTP Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh rượu trên địa bàn. Ngoài ra, các quận/huyện cũng tổ chức tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu.
Tính đến ngày 7/3, các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra 225 cơ sở, trong đó tiến hành xử phạt 18 cơ sở vi phạm với số tiền gần 70 triệu đồng và tiến hành niêm phong gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, qua kết quả xét nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện 2/10 mẫu rượu tại Mỗ Lao (Hà Đông) và Khương Đình (Thanh Xuân) có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép từ gần 900 đến hơn 2.000 lần.
Tại cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo ATVSTP về phòng chống ngộ độc rượu methanol diễn ra chiều 7/3, Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long cho rằng, với mẫu rượu trắng có hàm lượng gấp tới hơn 2.000 lần ngưỡng cho phép như vậy thì chắc chắn là rượu bị cố ý pha cồn công nghiệp vào, tính ra cứ 1 lít rượu thì có 200cc (ml) cồn công nghiệp.
Phó Cục trưởng chỉ đạo, trong bối cảnh bệnh nhân bị ngộ độc methanol gia tăng như hiện nay, giải pháp cấp bách là phải tập trung vào kiểm tra, xử lý nhóm pha chế rượu chứ không phải các cơ sở nấu rượu truyền thống.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP thành phố Hà Nội đề nghị các sở ngành liên quan, các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là nguồn rượu từ những cơ sở đã khiến bệnh nhân ngộ độc methanol.
Mặt khác, phải tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, song song với việc bắt buộc các cơ sở nấu rượu phải cam kết đảm bảo an toàn, cấm pha cồn công nghiệp vào rượu.